Đức càng ghi bàn khẩn trương vào lưới Costa Rica, Tây Ban Nha càng khoan thai chuyền bóng qua lại trước Nhật.
Nỗi lo về một World Cup không có “đại diện thuần chủng” nào của châu Á vượt qua vòng bảng đã khép lại. Nhật Bản trong thế gian nan đã thể hiện “chất samurai” để tự cứu mình bằng trận thắng lội ngược dòng 2-1 trước Tây Ban Nha, đồng thời không chỉ đoạt vé vào vòng 16 đội mà còn chiếm ngôi đầu bảng.
Từ kết quả này, không ít người liên tưởng sự giống nhau giữa hai trận Nhật thắng Tây Ban Nha, Đức với cùng kết quả 2-1 và bị dẫn trước.
Nhìn bên ngoài, đúng là các tuyển thủ Nhật đã chơi quả cảm, siêu nỗ lực để thắng ngược ở hai trận này. Họ bị đánh giá thấp hơn hai đội đại diện của châu Âu rất nhiều, lại bị dẫn bàn sớm trong hiệp 1 nhưng vùng lên ở hiệp 2. Tuy nhiên, nếu soi xét kỹ thì trận thắng Đức thực chất hơn, đáng tự hào hơn khi Nhật khiến Đức phải bở vật vã đến phút cuối.
Còn trong trận đấu trước Tây Ban Nha, không thể phủ nhận Nhật giành chiến thắng một phần nhờ vào thái độ của các đấu sĩ Bò tót. Sau khi Nhật ghi 2 bàn chóng vánh trong khoảng hơn 5 phút đầu hiệp 2, người xem chỉ thấy các cầu thủ Tây Ban Nha chơi khẩn trương lo lắng khi Costa Rica bất ngờ san bằng tỷ số và dẫn Đức 2-1. Nhưng khi Đức lập lại thế trận ghi bàn vào lưới Costa Rica thì đó cũng là lúc Tây Ban Nha càng chơi đủng đỉnh lại. Đức càng ghi bàn khẩn trương, Tây Ban Nha càng khoan thai chuyền bóng qua lại.
Ở thời điểm đó, đáng ra Tây Ban Nha phải đá nhanh hơn, hạn chế chuyền về qua lại mà chấp nhận chơi mạo hiểm. Đằng nào ở tình thế như vậy thì thua thêm 1 bàn cũng không ảnh hưởng gì đến cơ hội đi tiếp mà chỉ cần thêm 1 bàn thắng là có thành tích bất bại vòng bảng và ngôi đầu.
Dường như Tây Ban Nha hài lòng với kết quả thua 1-2 và chơi như thể họ đang là đội chiến thắng. Tây Ban Nha có nhiều lý do để không muốn thắng, thậm chí là không muốn hòa trong trận đấu này. Họ muốn loại sớm Đức? Có thể, nhưng cũng không hoàn toàn vậy. Tây Ban Nha nghĩ cho mình nhiều hơn.
Trong 10 phút cuối hoặc có thể sớm hơn, Tây Ban Nha ý thức rằng nếu có điểm ở trận này, họ sẽ phải xếp đầu bảng E và gặp đội nhì bảng F là Croatia. Nhưng điều mà Tây Ban Nha lo lắng hơn là vào tứ kết thì họ dễ phải gặp đội nhất bảng G mà 99% là Brazil và bán kết có thể là Argentina hay Hà Lan.
Trong khi nhì bảng E như hiện nay, đường rộng thênh thang. Tại vòng sau, Tây Ban Nha gặp Ma Rốc rồi tứ kết thì sẽ là nhất bảng H hay nhì bảng G thì cũng đều dễ chơi hơn khi phải gặp Brazil. Đến bán kết thì đối thủ nào cũng khó như nhau.
Điều này khiến người ta nhớ lại 4 năm trước khi Anh thua một trận đầy toan tính trước Bỉ ở lượt cuối vòng bảng để lui xuống nhì bảng và chỉ phải gặp Colombia ở vòng 1/8, Thụy Điển ở tứ kết thay vì nhất bảng mà đụng ngay Brazil ở tứ kết.
Với tuyển Đức, họ cũng thừa hiểu toan tính của Tây Ban Nha. Việc Đức bất ngờ để Costa Rica lội ngược dòng ở phút 70 như tín hiệu cảnh báo cho Tây Ban Nha thấy rằng hãy đánh bại hay hòa Nhật đi để chắc suất đi tiếp. Đơn giản là nếu Costa Rica thắng mà Tây Ban Nha thua thì Nhật và Costa Rica sẽ đi tiếp.
Tuy nhiên, Đức không thể để tình huống hù dọa Tây Ban Nha kéo dài quá lâu vì thời gian không cho phép. Trong hơn 15 phút cuối, Đức buộc phải đẩy nhịp độ và dễ dàng ghi 3 bàn để thắng 4-2, tỷ số an toàn để chờ đợi tin vui từ Tây Ban Nha. Chỉ cần Tây Ban Nha có điểm là Đức sẽ đi tiếp. Nhưng Tây Ban Nha quyết chơi chậm rãi đến tàn nhẫn với… người Đức!
Vậy là Đức lần thứ 2 liên tiếp bị loại ở vòng bảng. Họ cũng không thể trách người Tây Ban Nha vì đã tự đánh mất quyền tự quyết.
Dẫu sao chúng ta cũng phải cùng nhau chúc mừng thành tích của đội tuyển Nhật tại World Cup 2022. Họ đã thể hiện một hình ảnh thật tuyệt vời về tinh thần vượt khó, không bao giờ đầu hàng số phận của những chiến binh samurai. Họ đã làm đẹp hơn hình ảnh, thương hiệu của đất nước, con người Nhật Bản và chúng ta đừng quên: đây là lần thứ 2 liên tiếp, bóng đá Nhật Bản vượt qua vòng bảng tại vòng chung kết World Cup, một thành tích chưa có đội bóng châu Á nào làm được.