Apple đang cắt giảm sản lượng iPhone 14 Plus trong vòng vài tuần kể từ khi bắt đầu bán ra vì đánh giá lại nhu cầu với mẫu smartphone tầm trung,
Trang the Information vừa đưa tin này, dẫn lời hai người tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple.
Theo báo cáo, công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ đã yêu cầu ít nhất một nhà sản xuất ở Trung Quốc ngừng sản xuất linh kiện iPhone 14 Plus.
Động thái trên diễn ra vào thời điểm thị trường smartphone toàn cầu đang suy yếu, giảm 9% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước, theo ước tính từ công ty nghiên cứu dữ liệu Canalys, dự kiến nhu cầu sẽ yếu trong 6-9 tháng tới.
iPhone 14 Plus, một phần của dòng smartphone mới trình làng vào rạng sáng 8.9, được định vị là một sản phẩm thay thế rẻ hơn cho các mẫu iPhone Pro đắt tiền hơn và bắt đầu đến tay khách hàng vào ngày 7.10.
Tháng trước, Apple đã từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng các mẫu iPhone 14 do dự đoán nhu cầu tăng vọt không thành hiện thực, theo báo cáo của trang Bloomberg News.
Đầu tháng 9, nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo cảnh báo Apple có thể trả giá vì quá tự tin vào iPhone 14 và 14 Plus.
Thời điểm đó, Ming-Chi Kuo cho biết iPhone 14 và 14 Plus đang bán kém hơn iPhone 13 mini và iPhone SE 3 - hai smartphone đều có doanh số đáng thất vọng khi bắt đầu cho đặt hàng trước.
Dù khách hàng đưa ra thông điệp rõ ràng với Apple rằng không muốn thêm một iPhone mini khác, có vẻ họ cũng không muốn mẫu iPhone Plus với ít thay đổi hơn.
Ming-Chi Kuo nhận định: “Chiến lược phân khúc sản phẩm của Apple dành cho các mẫu tiêu chuẩn đã thất bại trong năm nay”.
iPhone 14 và iPhone 14 Plus giữ nguyên thiết kế tai thỏ từ thế hệ trước. Trong đó, iPhone 14 Plus có màn hình OLED 6,7 inch, dùng chip A15 Bionic tương tự dòng iPhone 13 nhưng với 5 nhân GPU, giúp tăng khả năng xử lý đồ họa.
Một số tính năng mới trên iPhone 14 và Plus như gửi tin nhắn khẩn cấp qua vệ tinh, camera selfie hỗ trợ tự động lấy nét, chế độ quay video chống rung (action mode).
Trong khi đó, iPhone 14 Pro sở hữu nhiều nâng cấp đáng giá với dải khuyết viên thuốc cùng tính năng Dynamic Island, chế độ màn hình luôn bật, chip xử lý A16 Bionic và camera chính 48 megapixel.
Vì thế mà nhu cầu với các mẫu iPhone 14 Pro hay Pro Max mạnh hơn phiên bản tiêu chuẩn và Plus. Trong ít nhất một trường hợp, nhà cung cấp chính của Apple đang chuyển năng lực sản xuất từ iPhone 14 giá thấp hơn sang các mẫu cao cấp.
Foxconn được cho đã tháo dỡ các bộ phận trong dây chuyền sản xuất mẫu iPhone 14 tiêu chuẩn ở Trung Quốc và chuyển sang Pro, theo một báo cáo của tờ China Securities Journal. Một phát ngôn viên của Foxconn cho biết công ty “sẽ không bình luận về những tin đồn thị trường”.
Thành công của các thiết bị Apple có ý nghĩa với ngành công nghiệp công nghệ. Trong đó, các nhà cung cấp từ Đài Loan như TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) và Foxconn (nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất) phụ thuộc vào doanh số iPhone cùng các thiết bị liên quan như động lực doanh thu chính.
Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới, đang trong tình trạng suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thiết bị di động trong nước và cả doanh số iPhone.
Apple đã tạm dừng kế hoạch sử dụng chip nhớ từ YMTC trong iPhone và các sản phẩm của mình, sau khi Mỹ áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn với các hãng công nghệ Trung Quốc, trang Nikkei đưa tin.
Ban đầu Apple đã có kế hoạch bắt đầu sử dụng chip nhớ NAND flash của YMTC (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc) trong năm nay, Nikkei cho biết, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này. Ban đầu chip này được lên kế hoạch sử dụng cho iPhone bán tại thị trường Trung Quốc.
Hôm 7.10, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, đã thêm YMTC và 30 đơn vị khác của Trung Quốc vào danh sách các công ty mà các quan chức Mỹ không thể xác minh, làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, bắt đầu thời hạn 60 ngày có thể đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn nhiều. Những công ty này không đủ điều kiện để nhận các mặt hàng theo Quy định Quản lý Xuất khẩu của chính phủ Mỹ.
Theo các quy tắc cập nhật được BIS công bố ngày 7.10, các công ty này nếu không cung cấp dữ liệu cần thiết cho quy trình xác minh của BIS có thể bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ, được gọi là danh sách thực thể.
YMTC cũng đang bị Bộ Thương mại Mỹ điều tra về việc liệu nó có vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington khi bán chip cho công ty viễn thông Huawei (Trung Quốc) trong danh sách đen hay không.
Biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng của chính quyền Biden với Trung Quốc là nỗ lực làm chậm tiến bộ công nghệ và quân sự của Bắc Kinh bằng cách cắt nguồn cung cấp của nước này khỏi một số chip bán dẫn được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ.
Trước đây, tin tức Apple đang xem xét sử dụng bộ nhớ flash của YMTC cho iPhone bán ở Trung Quốc làm dấy lên sự phẫn nộ của một số nghị sĩ Mỹ. Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi xem xét an ninh quốc gia về một thỏa thuận tiềm năng giữa hai công ty, với lý do lo ngại về quyền riêng tư và lỗ hổng bảo mật.
Hôm 30.9, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa thông báo đã đưa ra dự luật để "áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt" YMTC, qua đó sẽ ngăn Apple sử dụng chip của công ty Trung Quốc.
YMTC đã bác bỏ tuyên bố từ các chính trị gia Mỹ rằng họ có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Công ty cũng kín tiếng về những đột phá mới nhất trong sản phẩm chip nhớ của mình.