Chính quyền Trump đã thông báo cho các hãng cung ứng của Huawei, bao gồm cả nhà sản xuất chip Intel, rằng đang thu hồi một số giấy phép để bán hàng cho Huawei và có ý định từ chối hàng chục đơn khác để cung cấp cho công ty viễn thông Trung Quốc, theo Reuters.

Chính quyền Trump thu hồi 8 giấy phép bán hàng, quyết hạ gục Huawei

Nhân Hoàng | 18/01/2021, 06:30

Chính quyền Trump đã thông báo cho các hãng cung ứng của Huawei, bao gồm cả nhà sản xuất chip Intel, rằng đang thu hồi một số giấy phép để bán hàng cho Huawei và có ý định từ chối hàng chục đơn khác để cung cấp cho công ty viễn thông Trung Quốc, theo Reuters.

Đây có thể là hành động cuối cùng chống lại Huawei dưới thời Tổng thống Donald Trump và động thái mới nhất trong nỗ lực dài hạn nhằm làm suy yếu nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bị cho là mối đe dọa với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.

Các thông báo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ có nhiều nỗ lực chống lại Trung Quốc trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump. Ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào trưa 20.1.

Người phát ngôn Intel không đưa ra bình luận ngay lập tức. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cũng chưa trả lời.

chinh-quyen-trump-thu-hoi-8-giay-phep-ban-hang-quyet-ha-guc-huawei.jpg
Chính quyền Trump thu hồi 8 giấy phép bán hàng cho Huawei và có thể nhiều hơn nữa

Trong email mà Reuters nhìn thấy ghi lại các hành động, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết hôm 15.1, Bộ Thương mại đã ban hành “ý định từ chối một số lượng đáng kể các yêu cầu cấp phép với hàng xuất khẩu cho Huawei và thu hồi ít nhất một giấy phép đã cấp trước đó”.

Các nguồn tin thân cận với tình hình giấu tên cho biết đã có hơn một lần thu hồi. Một trong những nguồn tin cho biết 8 giấy phép đã bị tước khỏi 4 công ty.

Nhà sản xuất chip nhớ flash của Nhật Bản - Kioxia đã bị thu hồi ít nhất một giấy phép, hai nguồn tin Reuters cho biết. Công ty trước đây có tên là Toshiba Memory không thể đưa ra bình luận ngay lập tức.

Email của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn cho biết các hành động này mở rộng phạm vi nhiều loại sản phẩm trong ngành bán dẫn và hỏi các công ty xem đã nhận được thông báo chưa.

Email lưu ý rằng các công ty đã chờ đợi nhiều tháng cho các quyết định cấp phép và chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, việc đối phó với những lời từ chối là thách thức lớn.

Các công ty nhận được thông báo "ý định từ chối" có 20 ngày để phản hồi và Bộ Thương mại có 45 ngày để thông báo cho họ về bất kỳ thay đổi nào trong quyết định hoặc đó trở thành quyết định cuối cùng. Các công ty sau đó sẽ có thêm 45 ngày để kháng cáo.

Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại vào tháng 5.2019, hạn chế các nhà cung cấp bán hàng hóa và công nghệ của Mỹ cho công ty Trung Quốc. Thế nhưng một số hoạt động bán hàng đã được cấp phép và các doanh nghiệp bị từ chối trong khi Mỹ tăng cường các hạn chế với Huawei, bao gồm cả việc mở rộng thẩm quyền của Mỹ để yêu cầu giấy phép bán chất bán dẫn được sản xuất ở nước ngoài với công nghệ Mỹ.

Trước hành động mới nhất, khoảng 150 giấy phép đang chờ xử lý cho hàng hóa và công nghệ trị giá 120 tỉ USD, đã bị giữ lại vì các cơ quan khác nhau của Mỹ không thể thống nhất về việc liệu chúng có nên được cấp hay không, một người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Nguồn tin Reuters cho biết thêm, 280 tỉ USD giấy phép hàng hóa và công nghệ khác cho Huawei vẫn chưa được xử lý, nhưng hiện có khả năng bị từ chối cao hơn.

Một quy tắc vào tháng 8 cho biết rằng các sản phẩm hỗ trợ 5G có thể bị từ chối, nhưng doanh số bán công nghệ kém phức tạp hơn sẽ được quyết định trên cơ sở từng trường hợp.

Mỹ đã đưa ra quyết định mới nhất trong nửa tá cuộc họp bắt đầu từ ngày 4.1 với các quan chức cấp cao từ Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng. Người này cho biết các quan chức đã phát triển hướng dẫn chi tiết về công nghệ nào có khả năng 5G và sau đó áp dụng tiêu chuẩn đó.

Bằng cách đó, các quan chức đã từ chối phần lớn trong số khoảng 150 đơn đăng ký tranh chấp và thu hồi 8 giấy phép để làm cho chúng phù hợp với những lời từ chối mới.

Hành động của Mỹ được đưa ra sau áp lực từ người được ông Trump
bổ nhiệm gần đây trong Bộ Thương mại, Corey Stewart.

Corey Stewart muốn thúc đẩy các chính sách cứng rắn với Trung Quốc sau khi được thuê trong 2 tháng làm việc tại cơ quan này vào những ngày cuối chính quyền.

Mỹ đã nhắm vào Huawei theo những cách khác trong chính quyền. Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, đã bị bắt tại Canada vào tháng 12.2018 theo lệnh của Mỹ. Mạnh Vãn Chu, con gái của người sáng lập Huawei và cả công ty đã bị truy tố vì gây hiểu lầm cho các ngân hàng về hoạt động kinh doanh của công ty ở Iran.

Mạnh Vãn Chu nói rằng bà vô tội. Huawei đã bác bỏ cáo buộc làm gián điệp và không nhận tội với bản cáo trạng, bao gồm cả các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty công nghệ Mỹ.

Huawei tụt hạng do lệnh trừng phạt của chính quyền Trump

Dẫn đầu quý 2/2020, Huawei rơi xuống vị trí thứ hai sau Samsung do số lượng smartphone xuất xưởng giảm 22% xuống 51,9 triệu trong quý 3/2020. Công ty Trung Quốc hiện chiếm 14,7% thị phần smartphone toàn cầu.

Mỹ đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt với Huawei và tiếp tục gây thiệt hại cho công ty này. Năm ngoái, Huawei đã bị đưa vào danh sách thực thể của chính quyền Trump dẫn đến việc các công ty Mỹ bị hạn chế làm ăn với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Huawei không còn được phép sử dụng ứng dụng và dịch vụ Google trên smartphone của mình.

Đây không phải là vấn đề lớn ở Trung Quốc, nơi các dịch vụ của Google bị chặn. Còn tại các thị trường quốc tế, vốn rất quan trọng đối với kế hoạch tăng trưởng của Huawei, người tiêu dùng đã quen với việc sử dụng các ứng dụng của Google. Smartphone hàng đầu mới nhất Huawei không có bộ ứng dụng Google gây ảnh hưởng đến doanh số bán máy.

huawei-vang-khoi-top-6-san-luong-smartphone-2021.jpg
Dự báo Huawei chỉ sản xuất được 45 triệu  - 50 triệu smartphone trong năm 2021 vì lệnh trừng phạt của Mỹ

Sự sụt giảm trên các thị trường quốc tế đang tiếp diễn với Huawei, nhưng công ty cũng đã chứng kiến ​​lượng xuất xưởng tại Trung Quốc giảm 15% trong quý 3/2020.

Tương lai kinh doanh smartphone của Huawei vẫn còn nhiều bất ổn. Vào tháng 5.2020, Mỹ đã sửa đổi một quy tắc nhằm cắt Huawei khỏi nguồn cung cấp chip quan trọng. Cụ thể hơn, các nhà sản xuất giao không được phép giao chip cho Huawei mà không có sự chấp thuận từ Chính phủ Mỹ nếu những chip đó được làm bằng công nghệ Mỹ.

TSMC của Đài Loan không còn được phép giao chip smartphone cho Huawei kể từ 16.9.2020.

TSMC là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới và Huawei là khách hàng lớn thứ hai của họ.

Vài nguồn tin cho rằng Huawei sẽ chỉ sản xuất 50 triệu chiếc smartphone vào năm 2021. Cũng có nguồn đưa tin công ty Trung Quốc sẽ mở 50 cửa hàng thực trên khắp châu Âu. Song song đó, rộ tin rằng Huawei sẽ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh smartphone của mình.

Jeff Pu, nhà phân tích của công ty GF Securities (Trung Quốc), nhận định: “Lượng hàng tồn kho của Huawei cho mảng kinh doanh smartphone ít nhất có thể duy trì đến cuối năm nay, nhưng nó sẽ gặp vấn đề lớn vào năm tới nếu Mỹ không nới lỏng lệnh cấm”. Theo ước tính của GF Securities, Huawei vẫn có thể xuất xưởng 195 triệu smartphone trong năm nay nhưng con số có thể giảm xuống 50 triệu vào năm sau nếu quy định của Mỹ không thay đổi.

Theo một báo cáo của TrendForce, năm 2020 đã chứng kiến ​​sự sụt giảm kỷ lục 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong sản xuất smartphone. Trong năm trước, 6 hãng đứng đầu về sản lượng smartphone lần lượt là Samsung (263 triệu), Apple (199 triệu), Huawei (170 triệu), Xiaomi (146 triệu), Oppo (144 triệu), Vivo (110 triệu). Dù năm 2021 dự kiến sản lượng smartphone toàn cầu sẽ gia tăng, TrendForce dự đoán ​Huawei sụt giảm mạnh về thị phần (chỉ còn 45 triệu), rơi khỏi top 6.

TrendForce là nhà cung cấp thông tin thị trường hàng đầu thế giới với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như DRAM, NAND Flash, SSD, màn hình LCD, LED, năng lượng xanh.

Bài liên quan
Mỹ dự chi 1,9 tỉ USD để loại bỏ và thay thiết bị viễn thông Huawei, ZTE
Các nhà lập pháp Mỹ dự kiến ​​sẽ tán thành 1,9 tỉ USD tài trợ cho chương trình loại bỏ thiết bị mạng viễn thông mà chính phủ cho rằng có nguy cơ an ninh quốc gia như một phần của dự luật chi tiêu cuối năm và dự luật COVID-19, theo Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Trump thu hồi 8 giấy phép bán hàng, quyết hạ gục Huawei