Một tòa án Thụy Điển hôm 15.1 đã bác bỏ đơn kháng cáo của Huawei chống lại việc họ bị loại trừ khỏi việc triển khai mạng 5G ở nước này, mở đường cho cuộc đấu giá phổ tần 5G dự kiến ​​diễn ra vào tuần tới theo kế hoạch.

Tòa án Thụy Điển bác đơn kháng cáo, Huawei thêm một lần đau ở châu Âu

Nhân Hoàng | 15/01/2021, 17:15

Một tòa án Thụy Điển hôm 15.1 đã bác bỏ đơn kháng cáo của Huawei chống lại việc họ bị loại trừ khỏi việc triển khai mạng 5G ở nước này, mở đường cho cuộc đấu giá phổ tần 5G dự kiến ​​diễn ra vào tuần tới theo kế hoạch.

Đầu tháng 1.2021, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã kháng cáo quyết định của tòa phúc thẩm hành chính cho phép cơ quan quản lý viễn thông Thụy Điển (PTS) tiếp tục đấu giá phổ tần 5G mà không xóa bỏ lệnh cấm trước đó với Huawei.

Phán quyết của tòa phúc thẩm hành chính trong một vụ án liên quan đến luật liên lạc điện tử là quyết định cuối cùng và do đó không thể bị kháng cáo. Kháng nghị được bác bỏ", tòa án hành chính tối cao cho biết.

Huawei không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

Vào tháng 12.2020, một tòa án Thụy Điển đã ủng hộ kháng cáo của PTS chống lại phán quyết ngừng các cuộc đấu giá, nhưng cũng cho biết Huawei có thể theo đuổi thách thức pháp lý với việc loại trừ của mình.

Tháng trước, PTS nói rằng sẽ tiếp tục đấu giá phổ tần 5G vào ngày 19.1.2021, sau khi thách thức từ Huawei dẫn đến lệnh của tòa án ngăn cản họ tiếp tục.

Chúng tôi lưu ý rằng tòa án đã đưa ra quyết định này. Phiên đấu giá sẽ bắt đầu theo kế hoạch vào ngày 19.1”, phát ngôn viên của PTS nói.

PTS đã cho các công ty tham gia đấu giá phổ tần 5G cho đến ngày 1.1.2025 để loại bỏ thiết bị Huawei, ZTE khỏi cơ sở hạ tầng và chức năng cốt lõi hiện có của họ. Các cuộc đấu giá sẽ mang lại lợi ích cho đối thủ của Huawei là Nokia và Ericsson.

Hôm 20.10.2020, PTS đã cấm sử dụng thiết bị viễn thông Huawei và ZTE trong mạng 5G của họ trước cuộc đấu giá phổ tần dự kiến vào tháng 11.

Theo Reuters, PTS cho biết việc thiết lập các điều kiện cấp phép tuân theo đánh giá của Lực lượng vũ trang Thụy Điển và cơ quan an ninh. Dịch vụ an ninh của Thụy Điển gọi Trung Quốc là “một trong những mối đe dọa lớn nhất chống lại Thụy Điển”.

Về quyết định này, Kenneth Fredriksen, Phó chủ tịch điều hành của Huawei khu vực Trung Đông Âu và Bắc Âu, nói với Reuters: “Chúng tôi nghĩ rằng quyết định được đưa ra không tốt cho khách hàng cũng như cho Thụy Điển nói chung. Do đó, chúng tôi muốn tòa án Thụy Điển xem xét liệu quyết định có được đưa ra theo một quy trình thích hợp và theo luật hay không”.

Các chính phủ châu Âu đã thắt chặt kiểm soát với các công ty Trung Quốc xây dựng mạng 5G sau áp lực ngoại giao từ Mỹ, nước cáo buộc thiết bị Huawei có thể bị Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp. Huawei nhiều lần phủ nhận là nguy cơ an ninh quốc gia.

Trước động thái trên, Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa Thụy Điển.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ với Thụy Điển. Thụy Điển nên giữ thái độ khách quan và công bằng, đồng thời sửa chữa quyết định sai lầm của mình để tránh gây tác động tiêu cực đến hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - Thụy Điển và hoạt động của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Trung Quốc".

toa-an-thuy-dien-bac-don-khang-cao-huawei-them-1-lan-dau-o-chau-au.jpg
Tòa án Thụy Điển bác đơn kháng cáo của Huawei về việc loại trừ công ty Trung Quốc khỏi mạng 5G

Hôm 22.10.2020, Ý đã ngăn tập đoàn viễn thông Fastweb ký thỏa thuận để Huawei cung cấp thiết bị cho mạng lõi 5G của nước này.

Quyết định được đưa ra tại cuộc họp nội các cuối ngày 22.10, đánh dấu lần đầu tiên Ý phủ quyết thỏa thuận Huawei cung cấp mạng lõi 5G. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Ý đang áp dụng lập trường cứng rắn hơn chống lại nhóm người Trung Quốc.

Đến thăm Ý vào tháng 9, Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo đã mô tả công nghệ viễn thông di động của Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia Ý. Huawei mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc này. Thậm chí Huawei ở Ý cho biết sẵn sàng chấp nhận bất kỳ cuộc giám sát nào để chứng minh rằng công nghệ của họ là an toàn. Song, tại cuộc họp hôm 22.10, Chính phủ Ý đã sử dụng quyền kiểm tra đặc biệt của mình để ngăn Fastweb, đơn vị của nhà mạng Swisscom ở Ý, thực hiện thỏa thuận để Huawei cung cấp thiết bị cho mạng lõi 5G của nước này.

Chính phủ đã phủ quyết hoạt động, yêu cầu Fastweb đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình”, một nguồn tin từ Chính phủ Ý nói với Reuters.

Fastweb từng chọn Huawei là nhà cung cấp duy nhất cho mạng lõi 5G của mình, theo Reuters.

Một nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết Ý muốn đánh giá liệu Huawei có thể đóng vai trò nào đó trong mạng lõi 5G hay không.

Trong khi một số đồng minh của Mỹ, chẳng hạn Anh, đã tuyên bố cấm thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng viễn thông tương lai, Ý đến nay từ chối làm vậy. Thế nhưng, các nguồn tin từ chính phủ và ngành công nghiệp nói rằng Ý trên thực tế đang áp dụng hình thức ủng hộ Mỹ rõ ràng hơn.

Hôm 14.7.2020, Anh đã ra lệnh bỏ hoàn toàn thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của Anh vào năm 2027, trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên làm vậy.

Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh nói rằng anh đã bị Mỹ lừa khi cấm Huawei tham gia mạng 5G và cảnh báo phía London sẽ phải lãnh hậu quả vì quyết định này.

Bà Hoa Xuân Oánh phát biểu: "Phía Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá nghiêm túc về vấn đề này, đồng thời thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các công ty Trung Quốc. Bất kì hành động nào không phù hợp từ phía Anh sẽ phải lãnh hậu quả thích đáng. Phía Anh đã chấp nhận phối hợp với Mỹ và có những hành động mang tính phân biệt đối xử. Vấn đề này cũng khiến các nhà đầu tư Trung Quốc nghi ngờ thị trường của Anh mang tính công bằng thấp. Chúng tôi sẽ thông báo về rủi ro kinh doanh tại Anh, với tất cả doanh nghiệp Trung Quốc".

Hôm 8.10.2020, Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Anh tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy Huawei thông đồng với nhà nước Trung Quốc. Qua đó, Anh có thể cần phải loại bỏ tất cả thiết bị của Huawei sớm hơn kế hoạch.

Phương Tây phải khẩn trương đoàn kết để tạo đối trọng với sự thống trị công nghệ của Trung Quốc”, Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Anh thông báo, đồng thời nói thêm rằng sự phát triển có thể thúc đẩy Anh loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G sớm nhất vào năm 2025.

Theo BBC, Ủy ban quốc phòng công bố phát hiện của mình dựa trên lời các học giả, chuyên gia an ninh mạng và những người trong ngành viễn thông cùng một số nhà phê bình kỳ cựu.

Báo cáo trích dẫn lời một nhà đầu tư mạo hiểm tuyên bố Chính phủ Trung Quốc "đã tài trợ cho sự phát triển của Huawei khoảng 75 tỉ USD (57 tỉ bảng Anh) trong 3 năm qua", cho phép hãng này phá giá các sản phẩm của mình để bán với giá thấp "một cách nực cười".

Một nhà nghiên cứu về các bất thường của công ty ở Trung Quốc cáo buộc rằng Huawei đã "tham gia vào nhiều hoạt động tình báo, an ninh và sở hữu trí tuệ" dù liên tục phủ nhận.

Ủy ban kết luận: “Rõ ràng là Huawei có mối liên hệ chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc và đảng Cộng sản Trung Quốc, bất chấp những tuyên bố của họ ngược lại. Điều này được chứng minh bằng mô hình sở hữu của Huawei và các khoản trợ cấp mà nó đã nhận được".

Huawei đã phản ứng bằng cách nói "báo cáo này thiếu độ tin cậy vì được xây dựng dựa trên quan điểm hơn là thực tế".

Cáo buộc mới nhất đặt ra thách thức hơn nữa với hoạt động kinh doanh của Huawei. Mặc dù các lựa chọn với công ty ở Anh đang bị hạn chế, Huawei vẫn đang cố gắng bán cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của mình cho các nước khác ở châu Âu và đầu tư rất nhiều vào công nghệ này.

Người phát ngôn của Huawei cho biết: “Chúng tôi chắc chắn mọi người sẽ nhìn thấy những cáo buộc vô căn cứ về sự thông đồng này và thay vào đó hãy nhớ những gì Huawei đã mang lại cho Anh trong 20 năm qua”.

Chính phủ Anh cho biết các mạng di động không được mua thiết bị Huawei 5G mới từ đầu năm 2021 và sau đó phải gỡ bỏ bất kỳ thiết bị nào đã lắp đặt trước năm 2027.

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng đề nghị các bộ trưởng nên cân nhắc đưa thời hạn cuối cùng đến năm 2025 nếu quan hệ với Trung Quốc xấu đi hoặc áp lực từ Mỹ và các đồng minh khác khiến điều đó trở nên cần thiết.

Các nghị sĩ thừa nhận đã được BT và Vodafone báo rằng một động thái như vậy có thể gây mất tín hiệu ở các vùng của nước Anh. Thế nhưng, họ nói rằng các nhà khai thác mạng có thể được bồi thường để giảm thiểu sự chậm trễ. Họ cũng nói Bắc Kinh đã gây áp lực thông qua "các mối đe dọa bí mật và công khai" để giữ Huawei trong mạng 5G của Vương quốc Anh. Những điều này được cho bao gồm một gợi ý rằng Trung Quốc có thể chặn đầu tư vào ngành công nghiệp hạt nhân của Anh.

Ủy ban Quốc phòng cho rằng nếu các mối đe dọa tiếp theo xảy ra, Chính phủ Anh nên "xem xét cẩn thận sự hiện diện trong tương lai của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế", đồng thời khuyến nghị Dự luật An ninh Quốc gia và Đầu tư sắp tới trao cho các bộ trưởng quyền cấm các khoản đầu tư mà họ đánh giá là rủi ro.

Báo cáo cho biết thêm, cần phải làm việc với các đồng minh để đảm bảo có các nhà cung cấp thiết bị viễn thông khác thay Huawei.

Hôm 9.10.2020, Proximus - nhà điều hành viễn thông hàng đầu Bỉ nói sẽ dần thay thế thiết bị của Huawei bằng các sản phẩm của Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển).

Proximus cho biết đưa ra quyết định này trên cơ sở các tiêu chí công nghệ, hoạt động, tài chính và môi trường. Song, các nhà quan sát nghi ngờ áp lực chính trị có thể là một yếu tố thúc đẩy Proximus đưa ra quyết định này.

Thủ đô Brussels của Bỉ là nơi đặt trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như Ủy ban châu Âu, khiến vấn đề đảm bảo an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà chức trách nơi đây.

Bài liên quan
Bị cáo buộc đánh cắp công nghệ Mỹ cho Huawei, giáo sư Trung Quốc nhận tội nói dối FBI
Bị các công tố viên Mỹ cáo buộc đánh cắp công nghệ của Mỹ để làm lợi cho Huawei, Bo Mao hôm 4.12 đã nhận tội nói dối FBI. Bo Mao dự kiến ​​sẽ được phép trở về nhà sau khi các công tố viên quyết định không truy tố ông một cáo buộc nghiêm trọng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tòa án Thụy Điển bác đơn kháng cáo, Huawei thêm một lần đau ở châu Âu