Người đứng đầu nhóm chuyên gia phụ trách cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về đại dịch COVID-19, ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) nhận định rằng có thể kiểm soát được đại dịch vào cuối tháng 4, nhưng chưa thể chắc chắn về việc liệu dịch bệnh có quay trở lại trong mùa xuân tới hay không.
"Với việc mọi quốc gia đang áp dụng các biện pháp chống dịch tích cực và hiệu quả, tôi tin là đại dịch có thể được kiểm soát. Tôi ước tính việc này vào khoảng cuối tháng 4. Sau khi kết thúc tháng 4, không ai có thể nói chắc rằng sẽ có một dịch bệnh khác trong mùa xuân tới hay không, hay nó sẽ biến mất khi thời tiết ấm hơn mặc dù hoạt động của virus chắc chắn sẽ giảm bớt trong điều kiện nhiệt độ cao hơn", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Chung nêu cho biết trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Thâm Quyến phát ngày 1.4.
Bác sĩ hàng đầu về hô hấp của Trung Quốc không giải thích vì sao ông đưa ra dự đoán này, nhưng các chuyên gia khác cũng đã đưa ra khoảng thời gian tương tự dựa trên diễn biến mới nhất của dịch tại Mỹ và châu Âu, những nơi hiện chịu thiệt hại nặng nề và là những ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, giám đốc chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Mike Ryan tuần này cũng nói đã có những tín hiệu lạc quan cho thấy dịch bệnh đang ổn định tại châu Âu khi các lệnh phong tỏa áp dụng tháng trước bắt đầu phát huy tác dụng.
Tại Mỹ, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington dự đoán các trường hợp nhiễm COVID-19 sẽ đạt đỉnh tại Mỹ vào ngày 20.4. Trong số hơn 1 triệu ca nhiễm hiện được xác nhận trên toàn thế giới, hơn 245.000 ca ở Mỹ. Còn trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu cho biết đã có hơn 421.000 trên toàn Liên minh châu Âu trong đó số người nhiễm tại Anh, Ý. Đức và Tây Ban Nha chiếm hơn một nửa.
Chuyên gia Trung Quốc cũng nói rằng các chính phủ trên thế giới phải hợp tác để chống lại đại dịch. “Các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã áp dụng các biện pháp tích cực và hiệu quả, và biện pháp hiệu quả nhất là yêu cầu mọi người ở nhà”, ông Chung nói.
Một nghiên cứu của Cao đẳng Hoàng gia London (Anh) công bố trong tuần này cho biết, việc 11 quốc gia châu Âu đưa ra các biện pháp cách ly xã hội đã giúp giảm sự lây lan của coronavirus và ngăn chặn được 59.000 ca tử vong.
Mặc dù lo ngại ở Trung Quốc về nguy cơ mang mầm bệnh coronavirus không có triệu chứng, ông Chung bày tỏ tin tưởng rằng các quy trình giám sát và các biện pháp kiểm dịch đã có tại nước này sẽ đủ để ngăn chặn làn sóng lây lan thứ hai. “Việc sử dụng các xét nghiệm kháng thể trên người đang cách ly 14 ngày cũng sẽ giúp các đội ngũ y tế dễ dàng xác định người mang coronavirus hơn”, ông nói.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 1.4 cho biết, 1.075 người mang mầm bệnh không triệu chứng hiện đang được theo dõi y tế. Hơn 1.863 trường hợp được xác nhận vẫn đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó 701 trường hợp là người nước ngoài.
Ông Chung cũng đề cập những ảnh hưởng lâu dài có thể có khi nhiễm COVID-19. Tháng trước, một nghiên cứu của các nhà khoa học Hồng Kông, cho thấy một số người đã khỏi bệnh nhưng đã bị suy giảm chức năng phổi từ 20 đến 30% và gặp phải các vấn đề như khó thở khi đi bộ nhanh.
Tuy nhiên, chuyên gia về hô hấp Chung Nam Sơn khẳng định, dựa trên quan sát của ông về bệnh nhân COVID-19 và những người đã khỏi các bệnh tương tự, như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), tổn thương phổi - chủ yếu là xơ phổi - có xu hướng không lâu dài, và hầu hết mọi người sẽ có lại thể chất hoàn toàn khỏe mạnh trong vòng 6 đến 12 tháng.
Hoàng Vũ (theo SCMP)