Trong vòng 48 giờ, cụ bà 72 tuổi bị đột quỵ đến 2 lần do biến chứng rung nhĩ, nhưng vẫn thoát chết ngoạn mục. Đây là ca bệnh khá hy hữu, khi chỉ 48 giờ đã bị đột quỵ đến 2 lần nhưng vẫn được cứu sống.
Người may mắn thoát chết trong tình huống hy hữu trên là bà D.T.B (72 tuổi, quê Cần Thơ). Theo người nhà bà B., ngày 8.7, bà đột quỵ lần 1 với những triệu chứng đột ngột ngã quỵ và bị yếu nửa người trái. “Khi thấy mẹ có dấu hiệu của đột quỵ, tôi lập tức đưa mẹ đến Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ”, con gái bà B. cho biết.
Chỉ sau 45 phút sau, bà B. được đưa vào bệnh viện. Tại đây, qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI), các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não do huyết khối động mạch não bên phải, trên nền bệnh rung nhĩ và tăng huyết áp.
Ngay lập tức, bà B. được chuyển đến đơn vị DSA để thực hiện can thiệp cấp cứu hút huyết khối, giúp tái thông động mạch não giữa bên phải đang bị tắc. Sau can thiệp, tình trạng lâm sàng tiến triển tốt hơn, sức cơ cải thiện, bệnh nhân có thể nói chuyện bình thường.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, bệnh nhân lại đột quỵ lần thứ 2. Khi đang nằm ở phòng bệnh nói chuyện cùng con gái, bà B. bị nói khó rồi yếu nửa bên người phải. Kết quả MRI ngay sau đó ghi nhận bệnh nhân bị nhồi máu não do huyết khối động mạch não bên trái. Một lần nữa, bà B. được đơn vị DSA can thiệp hút huyết khối.
ThS-BS Nguyễn Đức Chỉnh, Trưởng khối Tim mạch - Tim mạch can thiệp cho biết, mặc dù phải trải qua 2 đợt đột quỵ liên tiếp nhưng nhờ can thiệp cấp cứu hút huyết khối trong "giờ vàng", bà B. đã phục hồi khá ngoạn mục, không để lại di chứng yếu liệt tay chân.
“Đây là một trường hợp điển hình của biến chứng rung nhĩ gây lấp mạch dẫn đến nhồi máu, và cũng khá hy hữu khi bệnh nhân xảy ra đột quỵ đến 2 lần chỉ trong 48 giờ. May mắn, cả 2 lần đều được can thiệp trong giờ vàng và được chúng tôi cứu sống thành công, tình trạng lâm sàng phục hồi hoàn toàn”, bác sĩ Chỉnh chia sẻ.
Theo bác sĩ Chỉnh, rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến đặc biệt ở người cao tuổi. Rung nhĩ thường dẫn đến nguy cơ hình thành cục huyết khối trong tim. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến bất cứ cơ quan nào và gây tắc nghẽn ở đó. Đặc biệt khi di chuyển đến não sẽ gây đột quỵ nhồi máu não.
“Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp 5 lần so với những người không mắc bệnh này. Đột quỵ do rung nhĩ thường diễn tiến nặng, với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời”, bác sĩ Chỉnh nói.
Phân tích của bác sĩ Chỉnh cho thấy rung nhĩ và đột quỵ não có liên quan mật thiết với nhau. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt giúp bệnh nhân có thể phục hồi ngoạn mục sau hai lần đột quỵ.
Đối với bệnh nhân rung nhĩ, phải điều trị thuốc kháng đông để dự phòng đột quỵ tái phát. Bệnh nhân cần được khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, cũng như cần biết được bệnh viện nào có thể điều trị được đột quỵ trong cửa sổ giờ vàng, để có thể can thiệp cấp cứu kịp thời, giúp kết quả điều trị và khả năng phục hồi tốt hơn.