Đài Loan đã bày tỏ lo ngại với các nước phương Tây về thỏa thuận an ninh của Trung Quốc với Solomon - quốc gia vốn đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và ủng hộ Bắc Kinh từ năm 2019.

Đài Loan lên tiếng phản đối hiệp ước an ninh Solomon - Trung Quốc

Hoàng Vũ | 22/04/2022, 14:22

Đài Loan đã bày tỏ lo ngại với các nước phương Tây về thỏa thuận an ninh của Trung Quốc với Solomon - quốc gia vốn đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và ủng hộ Bắc Kinh từ năm 2019.

"Chúng tôi kêu gọi chính quyền quần đảo Solomon không trở thành con bài mặc cả quân sự của Trung Quốc và hỗ trợ Trung Quốc mở rộng căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương", phát ngôn viên Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói với Nikkei hôm 22.4.

Bà Ou cho biết, Đài Loan có cùng quan điểm với Mỹ, Úc, New Zealand, và "bày tỏ quan ngại nghiêm túc về việc ký kết bí mật một thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon".

"Thỏa thuận này làm suy yếu hiện trạng tại hòn đảo và các đường tiếp tế của các đồng minh dân chủ, gây nguy hiểm cho hòa bình cũng như ổn định của khu vực", quan chức ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Solomon, Jeremiah Manele đã ký hiệp ước an ninh song phương trong tuần này, một động thái có thể giúp Bắc Kinh triển khai lực lượng ở Nam Thái Bình Dương.

Theo thỏa thuận an ninh được tiết lộ, tàu hải quân Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" có thể gồm cảnh sát hoặc quân nhân bán quân sự và binh lính để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Quần đảo Solomon.

Bên cạnh đó, thỏa thuận này cũng nêu rõ Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. 

Quần đảo Solomon, nơi có Nữ hoàng Elizabeth II của Anh làm nguyên thủ quốc gia và là một thành viên của Khối thịnh vượng chung, đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong những năm gần đây. Thuộc địa cũ của Anh, bao gồm gần một nghìn hòn đảo với dân số khoảng 650.000 người, từng là đồng minh lớn nhất ở Thái Bình Dương của Đài Loan nhưng đã xoay trục quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ năm 2019. Bốn quốc gia còn lại ở Thái Bình Dương hiện vẫn còn công nhận Đài Loan gồm quần đảo Marshall, Nauru, Palau và Tuvalu. Tuy nhiên, tổng dân số của các quốc gia này nhỏ hơn quần đảo Solomon.

“Bất bình đẳng và kém phát triển là yếu tố quyết định sự suy yếu ở quần đảo Solomon, một trong những quần đảo nghèo nhất trong khu vực. Nền kinh tế của nó, vốn đã kém phát triển, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 vào năm 2020 và đã phải vật lộn để phục hồi về mức trước đại dịch", một nhà ngoại giao phương Tây am hiểu trực tiếp về vấn đề này nói với Nikkei.

Giới chức Mỹ cho biết nước này đang tìm cách thể hiện ủng hộ đối với Quần đảo Solomon, quốc đảo vốn đang đối mặt với bất ổn và đói nghèo. Hồi đầu năm, Mỹ thông báo sẽ mở lại đại sứ quán tại thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon.

Việc ký kết hiệp ước được công bố vài ngày trước khi một phái đoàn của Nhà Trắng, bao gồm cả quan chức hàng đầu về châu Á Kurt Campbell, tới thủ đô Honiara, trong bối cảnh lo ngại về khả năng quân đội Trung Quốc hiện diện trong khu vực.

Mỹ và Úc từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này triển khai sức mạnh vượt xa biên giới. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều có thể buộc Úc và Mỹ phải thay đổi phương án quân sự trong khu vực.

Bất kỳ hình thức quân sự hóa nào của Trung Quốc bên ngoài như trên Biển Đông đều là mối quan tâm chính của Mỹ. "Bản chất thỏa thuận an ninh là mở ra cánh cửa cho Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự tới quốc đảo này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hôm 14.4.

"Mỹ tin rằng ký kết thỏa thuận như vậy có thể làm tăng tình trạng bất ổn tại Quần đảo Solomon, đồng thời tạo tiền lệ cho các quốc đảo Thái Bình Dương khác", ông Price cảnh báo.

Trong khi đó, Úc tin rằng hiệp ước này có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc cách bờ biển của Úc chưa tới 2.000 km. Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết Canberra vô cùng thất vọng và muốn biết thêm chi tiết về các điều khoản trong thỏa thuận. Bà Payne cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch và cho rằng hiệp ước có "khả năng làm suy yếu sự ổn định trong khu vực".

Viết trên tờ Guardian vào tháng trước, lãnh đạo đối lập Quần đảo Solomon Matthew Wale cảnh báo rằng thỏa thuận với Trung Quốc ảnh hưởng đến cân bằng an ninh khu vực.

“Solomon cùng với các đối tác truyền thống của là những nền dân chủ có cùng chí hướng với các giá trị được chia sẻ. Trung Quốc có một hệ thống chính quyền hoàn toàn khác. Quần đảo Solomon không quen thuộc với hệ thống đó", ông Wale nói.

Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo hồi cuối tháng 3 cũng đã gửi tới Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare, bày tỏ "những lo ngại an ninh nghiêm trọng về thỏa thuận" trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.

"Tôi lo rằng các quốc đảo Thái Bình Dương chúng ta sẽ trở thành tâm điểm cuộc đối đầu trong tương lai giữa các cường quốc này", ông Panuelo viết, đồng thời yêu cầu lãnh đạo Quần đảo Solomon xem xét hậu quả lâu dài "đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, thậm chí toàn bộ thế giới".

Về phần mình, Thủ tướng Manasseh Sogavare nói với quốc hội Solomon hôm 20.4 rằng hiệp ước sẽ không làm tổn hại hoặc phá hoại hòa bình và hòa hợp trong khu vực. Các quan chức Trung Quốc cũng khẳng định thỏa thuận này không có yếu tố quân sự và không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào.

Đáng chú ý, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 19.4 cho biết việc ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình ổn định và gọi các phản ứng Mỹ liên quan vụ việc là "sự phóng đại căng thẳng và kích động đối đầu". 

Hunter Marston, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc, cảnh báo không nên mô tả hiệp ước này như một sự xoay trục mạnh mẽ về phía Trung Quốc.

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan lên tiếng phản đối hiệp ước an ninh Solomon - Trung Quốc