Nga hôm 21.4 đã mở rộng lệnh cấm nhập cảnh với các quan chức Mỹ, bao gồm cả Phó tổng thống Kamala Harris cùng 28 quan chức, doanh nhân và nhà báo Mỹ khác.
Danh sách trừng phạt do Bộ Ngoại giao Nga công bố bao gồm cả người sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - Kathleen Hicks, người phát ngôn Lầu Năm Góc - John Kirby cùng những người khác.
"Những cá nhân này bị từ chối nhập cảnh vào Liên bang Nga vô thời hạn", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.
Hôm 15.3, Nga đã áp lệnh cấm nhập cảnh với Tổng thống Joe Biden và 12 người Mỹ khác, trong đó có con trai ông Joe Biden - Hunter Biden, các quan chức đương nhiệm và về hưu của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định việc cấm nhập cảnh với Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ là biện pháp trả đũa "có đi có lại", đáp trả một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có.
Mỹ trước đó đưa Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức ngoại giao, quốc phòng của Nga vào danh sách trừng phạt phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.
Ngoài Tổng thống Biden, các quan chức Mỹ trong danh sách cấm nhập cảnh Nga còn có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) - William Burns, Thư ký báo chí Nhà Trắng - Jen Psaki.
Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Hunter Biden cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Trong thông cáo đăng trên trang web, Bộ Ngoại giao Nga để ngỏ khả năng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo có khả năng sẽ bổ sung vào danh sách các quan chức Mỹ khác, những quan chức quốc phòng, chuyên gia hay những người kích động thù hận với Nga.
Hôm 16.4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo cấm Thủ tướng Boris Johnson cùng một số quan chức Anh khác nhập cảnh nước này.
Ngoài Thủ tướng Boris Johnson, trong danh sách cấm nhập cảnh còn có Ngoại trưởng Anh - Liz Truss, Bộ trưởng Quốc phòng Anh - Ben Wallace, 10 thành viên chính phủ và chính trị gia Anh khác.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, đây là động thái phản ứng trước "hành động thù địch chưa từng có của chính phủ Anh, đặc biệt là việc áp đặt trừng phạt với các quan chức cấp cao Nga". Bộ Ngoại giao Nga thông báo thêm rằng sẽ sớm mở rộng danh sách.
Hôm 9.4, Thủ tướng Boris Johnson tới thủ đô Kiev (Ukraine) trong một chuyến đi không báo trước. Trong chuyến thăm, ông Boris Johnson thông báo Anh sẽ cung cấp cho Ukraine 120 xe bọc thép và hệ thống tên lửa chống hạm mới, cùng các thiết bị quân sự hiện đại khác trị giá khoảng 130 triệu USD được công bố trước đó.
Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Johnson tuyên bố Anh sẽ tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt lên Nga vì tấn công Ukraine. "Chúng tôi sẽ tác động tới khả năng sử dụng nguồn lực của Nga", ông nhấn mạnh.
Mỹ đã dẫn dắt các đồng minh áp nhiều vòng trừng phạt với Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.
Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Nga.
EU cho biết đang tìm cách dần loại bỏ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga, nhưng không muốn áp lệnh cấm vận lập tức.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ô tô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022.
Ngoài ra, Nga cũng yêu cầu các nước "không thân thiện" phải mua năng lượng Nga bằng đồng rúp và có thể mở rộng thêm các mặt hàng phải giao dịch bằng đơn vị tiền tệ này.