Quân đội Myanmar đã chiến đấu với các chiến binh dân quân địa phương ở thị trấn Mindat, miền tây bắc nước này hôm 15.5, để cố gắng dập tắt cuộc nổi dậy đã bùng lên để chống lại chính quyền.

Đồn cảnh sát và ngân hàng bị tấn công, quân đội Myanmar giao tranh ác liệt với nhóm nổi dậy

Nhân Hoàng | 15/05/2021, 19:46

Quân đội Myanmar đã chiến đấu với các chiến binh dân quân địa phương ở thị trấn Mindat, miền tây bắc nước này hôm 15.5, để cố gắng dập tắt cuộc nổi dậy đã bùng lên để chống lại chính quyền.

Cuộc giao tranh ở thị trấn Mindat, bang Chin, nhấn mạnh sự hỗn loạn ngày càng tăng ở Myanmar khi quân đội dùng vũ lực để cố gắng kiểm soát chính quyền khi đối mặt với các cuộc biểu tình hàng ngày, việc đình công và tấn công phá hoại.

Chính quyền quân sự đã áp đặt thiết quân luật ở Mindat hôm 13.5 và sau đó tăng cường các cuộc tấn công vào những người mà họ gọi là "những kẻ khủng bố có vũ trang".

Những người dân trú ẩn trong thị trấn Mindat cho biết giao tranh đã bùng phát hôm 15.5.

"Có binh lính ở khắp mọi nơi", một người đàn ông nói. Video do một người dân ở Mindat quay và chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một trực thăng bắn rocket.

Dịch vụ tin tức Irrawaddy cho biết một số ngôi nhà đã bị phá hủy khi quân đội tiếp tục bắn pháo hôm nay.

"Chúng tôi đang sống trong một cơn ác mộng. Mindat đúng là một vùng chiến sự. Họ đang sử dụng pháo hạng nặng, đạn cối để chống lại chúng tôi. Chúng tôi không thể chống lại điều đó, chúng tôi đang cạn kiệt hầu hết đạn dược và đang mạo hiểm mọi thứ... Tôi nghĩ có khả năng chúng tôi sẽ bị tàn sát. Chúng tôi cố gắng hết sức để tự vệ nhưng có thể không tồn tại lâu hơn nữa", cư dân 32 tuổi có tên Mang nói với Reuters từ thị trấn.

Myanmar có khoảng 20 nhóm vũ trang sắc tộc, những người đã tiến hành chiến tranh trong nhiều thập kỷ chống lại quân đội do đa số người Bamar thống trị. Lực lượng Phòng vệ Chinland được thành lập để đối phó với cuộc đảo chính.

Hãng thông tấn Myanmar cho biết giao tranh hôm 12.5, 13.5 ở Mindat liên quan đến 100 người tấn công đồn cảnh sát và khoảng 50 người nhắm vào Ngân hàng Kinh tế Myanmar do chính quyền quân sự điều hành.

Một nghị sĩ địa phương nói cuộc giao tranh nổ ra sau khi quân đội từ chối thả 7 thanh niên địa phương bị giam giữ. Con số thương vong không rõ ràng.

quan-doi-myanmar-giao-tranh-ac-liet-voi-nhom-vu-trang-moi-lap13.jpeg
Một người lính sử dụng ĐTDĐ khi ngồi trong xe quân sự bên ngoài Ngân hàng Trung ương Myanmar

Theo nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Các Tù nhân Chính trị, ít nhất 788 người đã bị giết bởi lực lượng an ninh của quân đội trong các cuộc trấn áp các cuộc biểu tình chống đảo chính.

Quân đội phủ nhận con số đó, áp đặt các hạn chế chặt chẽ với phương tiện truyền thông, thông tin và internet.

Thả nhà báo Nhật Bản, kết án phóng viên Myanmar 3 năm tù

Một phóng viên Nhật Bản bị bắt đã trở về quê hương hôm 14.5 sau khi được chính quyền quân sự Myanmar trả tự do. Đây là hành động mà họ gọi là cử chỉ hữu nghị với Nhật Bản.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản - Toshimitsu Motegi cho biết nhà báo Yuki Kigazumi đã được thả sau những nỗ lực của các nhà ngoại giao nước này cùng những người khác. Yuki Kigazumi đã lên máy bay tại sân bay của thành phố Yangon (Myanmar) và hạ cánh xuống Nhật Bản tối 14.5.

Yuki Kigazumi, nhà báo tự do và là cựu phóng viên tờ Nikkei (Nhật Bản), cho biết trong một bình luận ngắn gọn tại sân bay rằng anh đã biết về việc được thả vào đêm hôm trước và được yêu cầu đóng gói hành lý sau 10 phút.

Với tư cách là một nhà báo, tôi muốn ở lại Yangon và tiếp tục đưa tin, nhưng tôi phải quay lại. Đó là sự hối tiếc của tôi”, Yuki Kigazumi nói. Yuki Kigazumi hy vọng sẽ tiếp tục nói với thế giới về những gì đang xảy ra ở Myanmar.

quan-doi-myanmar-giao-tranh-ac-liet-voi-nhom-vu-trang-moi-lap1.jpeg
Yuki Kitazumi phát biểu sau khi về sân bay quốc tế Narita, phía đông Tokyo

Quân đội Myanmar đã nắm chính quyền vào ngày 1.2, lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi. Phải đối mặt với sự phản đối lớn và liên tục của quần chúng, quân đội Myanmar đã cố gắng đàn áp bằng cách sử dụng vũ lực khiến hàng trăm người thiệt mạng và làm nhiễu các phương tiện truyền thông.

Myawaddy TV do quân đội Myanmar điều hành cho biết Yuki Kigazumi đã bị bắt vào ngày 18.4 vì tội “kích động” phong trào bất tuân dân sự và gây bạo loạn.

"Mặc dù nhà báo là người vi phạm pháp luật, vụ án sẽ được khép lại và anh ta sẽ được thả theo yêu cầu của Đặc phái viên của chính phủ Nhật Bản về hòa giải dân tộc tại Myanmar, vì mối quan hệ chặt chẽ và mối quan hệ trong tương lai giữa Myanmar và Nhật Bản", chính quyền Myanmar nói trong tuyên bố được đọc trên TV.

Nhật Bản đã chỉ trích cuộc đàn áp chết người của chính quyền quân sự Myanmar với phe đối lập nhưng đã có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn so với Mỹ và một số quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt các tướng lĩnh.

Yuki Kigazumi cũng bị buộc tội vi phạm các quy định về thị thực. Ông là nhà báo nước ngoài đầu tiên bị buộc tội theo quy chế mà báo chí nhà nước Myanmar mô tả là đưa "tin tức giả".

Yuki Kigazumi đã đăng các bài viết và quan điểm về diễn biến ở Myanmar trên Facebook. Vài giờ trước khi bị bắt, Yuki Kigazumi đã đăng video cho thấy các công dân Myanmar đang tụ tập tại một ngôi đền ở Tokyo để tỏ lòng thành kính với những người bị lực lượng an ninh Myanmar giết hại khi cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình.

Yuki Kigazumi đã bị cảnh sát bắt giữ một thời gian ngắn vào cuối 2.2021 khi đang che giấu người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Myanmar.

Thông báo rằng ông đã được khoan hồng được đưa ra một ngày sau khi tòa án quân sự kết án nhà báo Myanmar tên Min Nyo 3 năm tù về tội danh tương tự.

Min Nyo là phóng viên của Đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện (DVB), hãng thông tấn trực tuyến và phát sóng vẫn tiếp tục hoạt động dù bị chính quyền cấm.

Min Nyo tác nghiệp trong cuộc biểu tình chống chính quyền vào ngày 3.3 ở thị trấn Pyay, cách Yangon 260 km về phía tây bắc, khi anh bị cảnh sát bắt và đánh đập dã man.

quan-doi-myanmar-giao-tranh-ac-liet-voi-nhom-vu-trang-moi-lap.jpeg
Nhà báo Min Nyo đưa tin về cuộc biểu tình chống đảo chính ở thị trấn Pyay, Myanmar trước khi bị bắt

Khoảng 80 nhà báo đã bị bắt kể từ khi quân đội đảo chính. Khoảng một nửa vẫn đang bị giam giữ. Hầu hết trong số họ đang bị giam giữ với các cáo buộc tương tự như Min Nyo, cũng như nhiều nhà hoạt động phản đối chế độ quân sự.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, trường hợp Min Nyo cho thấy sự tàn nhẫn của chính quyền quân sự và những rủi ro mà các nhà báo phải đối mặt khi đưa tin không hay về quân đội.

Việc quyên án Min Nyo phải bị hủy bỏ và anh ta nên được thả ngay lập tức cùng với tất cả nhà báo và nhà hoạt động, những người bảo vệ nhân quyền khác bị bỏ tù và giam giữ chỉ vì phản đối ôn hòa cuộc đảo chính quân sự”, Phó giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Emerlynne Gil, tuyên bố.

Bài liên quan
100 ngày cầm quyền, quân đội Myanmar vẫn không thể làm các chuyến tàu chạy đúng giờ
100 ngày sau khi lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi, quân đội Myanmar thậm chí không thể làm các chuyến tàu chạy đúng giờ. Các công nhân đường sắt nhà nước là một trong những người phản đối có tổ chức sớm nhất cuộc tiếp quản chính quyền vào ngày 1.2 và họ đã đình công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồn cảnh sát và ngân hàng bị tấn công, quân đội Myanmar giao tranh ác liệt với nhóm nổi dậy