Lực lượng an ninh Myanmar đã bắt giữ 39 người bị tình nghi đứng sau các vụ nổ và đốt phá cũng như cố gắng tập luyện quân sự với một nhóm phiến quân dân tộc thiểu số, phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin.

Quân đội Myanmar bắt 39 người nghi ném bom, đốt phá, tập luyện cùng nhóm dân tộc nổi dậy

Nhân Hoàng | 12/05/2021, 17:07

Lực lượng an ninh Myanmar đã bắt giữ 39 người bị tình nghi đứng sau các vụ nổ và đốt phá cũng như cố gắng tập luyện quân sự với một nhóm phiến quân dân tộc thiểu số, phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin.

Kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào ngày 1.2, Myanmar đã chứng kiến ​​làn sóng ngày càng tăng của các vụ nổ nhỏ ở các thành phố và thị trấn, một số nhắm vào các văn phòng chính phủ và cơ sở quân sự.

Không có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng quân đội đã đổ lỗi cho những người biểu tình gây mất ổn định đất nước.

Tờ Global New Light of Myanmar cho biết lực lượng an ninh đã thu giữ 48 quả mìn thủ công, 20 que thuốc nổ TNT, kíp nổ, cầu chì và các vật liệu khác trong một cuộc đột kích.

Các vật liệu nổ khác bao gồm bột súng cũng đã được tìm thấy, theo tờ báo do quân đội Myanmar điều hành.

Một số nghi phạm cũng bị bắt vì cố gắng tham gia tập luyện quân sự với một nhóm nổi dậy ở bang Kayah ở phía đông Myanmar, Global New Light of Myanmar cho biết.

Một người thân của Khant Sithu, người nằm trong số các nghi phạm được tờ báo xác định, cho biết vào ngày anh bị bắt, lực lượng an ninh đã khám xét ngôi nhà để tìm vũ khí nhưng không thấy bất kỳ thứ gì.

Thành viên gia đình giấu tên cho biết Khant Sithu đã tham gia các cuộc biểu tình ban đầu nhưng đã dừng lại sau cuộc đàn áp của chính quyền.

quan-doi-myanmar-bat-39-nguoi-di-nem-bom-dot-pha.jpg
Một người biểu tình chống đảo chính đi ngang qua những chiếc lốp xe đang cháy sau khi các nhà hoạt động tiến hành 'cuộc tấn công rác' chống lại chế độ quân sự ở Yangon, Myanmar

Quân đội Myanmar đã phải vật lộn để áp đặt trật tự kể từ khi đảo chính và bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi cùng các nhân vật cấp cao khác trong đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia (NLD) của bà, với các cuộc biểu tình, đình công và chiến dịch bất tuân dân sự làm tê liệt các doanh nghiệp cùng bộ máy hành chính.

Sau khi đối mặt cuộc đàn áp tàn bạo với biểu tình, một số người ủng hộ dân chủ đã tìm cách tập luyện quân sự với một số lực lượng dân tộc thiểu số đã đấu tranh giành quyền tự chủ lớn hơn trong nhiều thập kỷ từ các vùng biên giới xa xôi.

Các cuộc biểu tình và thắp nến cầu nguyện đã được tổ chức qua đêm để đánh dấu 100 ngày kể từ cuộc đảo chính, bao gồm cả ở thành phố Yangon lớn nhất Myanmar, thị trấn Bago, đồng bằng sông Irrawaddy, khu vực trung tâm của bang Sagaing và Mon ở phía nam, theo báo chí truyền thông và các bài đăng trên mạng xã hội.

Nhiều người biểu tình ủng hộ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), một liên minh tự xưng là chính quyền hợp pháp của Myanmar. Tuần trước, NUG đã thông báo về việc thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân.

Lực lượng an ninh đã giết chết 783 người kể từ cuộc đảo chính và 3.859 người đang bị giam giữ, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Tù nhân Chính trị.

Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 11.5 cho biết quân đội Myanmar không hề buông tha người dân trong nỗ lực củng cố quyền lực và những vi phạm nhân quyền của họ còn vượt xa cả những vụ giết người.

Rupert Colville, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cho biết: “Rõ ràng là cần có sự tham gia lớn hơn của quốc tế để ngăn chặn tình hình nhân quyền ở Myanmar xấu đi thêm nữa”.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia cáo buộc chính quyền quân sự thực hiện tội ác chống lại loài người ngày thứ 100 kể từ cuộc đảo chính và thề sẽ đưa những người vi phạm ra giải trình.

"Lời mời của chúng tôi được gửi tới các nhân viên Lục quân, Hải quân, Không quân bao gồm cả những người thuộc lực lượng Cảnh sát Myanmar, rằng đây vẫn là thời điểm tốt để đứng về phía công lý và người dân, nếu bạn không muốn bị ghi vào lịch sử là tội phạm", theo tuyên bố được ban hành bởi Bộ Nhân quyền tự phong của Chính phủ Thống nhất Quốc gia

Đánh dấu 100 ngày kể từ cuộc đảo chính, Tổng thư ký Liên Lợp Quốc Antonio Guterres tái kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng ý chí người dân và hành động vì lợi ích lớn hơn của hòa bình và ổn định trong nước.

Ông Guterres "cũng khuyến khích ASEAN nhanh chóng tuân thủ các cam kết của mình và cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nỗ lực của khu vực nhằm chấm dứt hành động đàn áp".

Quân đội Myanmar cho biết phải nắm quyền vì những lời phàn nàn về gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 do đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng đã không được một ủy ban bầu cử giải quyết.

Bài liên quan
Nhà thơ Myanmar chết thảm, mất nội tạng sau khi bị quân đội giam giữ qua đêm
Nhà thơ Khat Thi (Myanmar), người có tác phẩm tuyên bố phản đối chính quyền cai trị, đã chết trong trại giam sau bị quân đội giam giữ qua đêm và thi thể ông đã được trả lại với nội tạng bị loại bỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Myanmar bắt 39 người nghi ném bom, đốt phá, tập luyện cùng nhóm dân tộc nổi dậy