Đài Loan nỗ lực để tham gia cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng bị từ chối vào ngày 23.5, sau khi Trung Quốc thực hiện chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập đảo này.

Dù Mỹ ủng hộ, Đài Loan vẫn không được dự cuộc họp thường niên của WHO

Sơn Vân | 23/05/2022, 18:11

Đài Loan nỗ lực để tham gia cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng bị từ chối vào ngày 23.5, sau khi Trung Quốc thực hiện chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập đảo này.

Theo ông Ahmed Robleh Abdilleh, Chủ tịch của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 và cũng là Bộ trưởng Y tế của Djibouti (quốc gia ở Đông Phi), đề xuất của 13 thành viên WHO muốn Đài Loan tham gia với tư cách quan sát viên sẽ không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc.

Đài Loan bị loại khỏi hầu hết các nhóm toàn cầu do sự phản đối của Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định rằng Đài Loan không nên được coi là quốc gia độc lập và tuyên bố đảo này là một phần của Trung Quốc. Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng chỉ người dân họ mới có thể quyết định tương lai của đảo.

Đài Loan lập luận rằng việc bị loại khỏi WHO đã cản trở nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19, dù vẫn được phép tham dự một số cuộc họp kỹ thuật của WHO.

Ông Ahmed Robleh Abdilleh nói rằng quyết định này tuân theo khuyến nghị từ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nơi đã thảo luận về đề xuất này vào ngày 22.5 trong một cuộc họp kín.

"Nền tảng chính trị và pháp lý cho sự tham gia của Đài Loan vào WHA không tồn tại. Sự thao túng chính trị này sẽ chỉ vấp phải sự phản đối của tất cả các bên”, Chen Xu, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, nói với Đại hội đồng ngay trước khi có quyết định.

my-ung-ho-dai-loan-van-khong-duoc-du-cuoc-hop-thuong-nien-cua-who-vi-trung-quoc-can.jpg
Phiên họp WHA lần thứ 75 dự kiến diễn ra từ 22.5 đến 28.5 ở thành phố Geneve - Ảnh: Reuters

Có sự tham gia của hàng nghìn đại biểu, với gần 100 người đến từ Trung Quốc, phiên họp WHA thứ 75 ở thành phố Geneve (Thụy Sĩ) sẽ thảo luận về những cải cách chính như thay đổi nguồn tài trợ cho WHO.

Trung Quốc bắt đầu ngăn chặn sự tham gia WHA của Đài Loan từ năm 2017, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ quan hệ nồng ấm hơn giữa hai bên.

Đài Loan từng tham dự WHA, cơ quan nắm quyền ra quyết định tối cao của WHO, với tư cách quan sát viên từ năm 2009 đến 2016 khi quan hệ Đài Bắc - Bắc Kinh ấm áp hơn. Thế nhưng, Trung Quốc đã ngăn chặn sự tham gia tiếp theo sau cuộc bầu cử mà bà Thái Anh Văn chiến thắng và trở thành lãnh đạo Đài Loan. Trung Quốc coi bà Thái Anh Văn là một người ly khai, cáo buộc mà bà bác bỏ.

Đài Loan tuần trước bày tỏ "không hài lòng và lấy làm tiếc" về việc WHO không mời họ tham dự cuộc họp, trong bối cảnh áp lực ngoại giao từ Trung Quốc nhằm cô lập đảo này. Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết WHO đã phớt lờ yêu cầu lặp đi lặp lại của họ về việc được phép tham dự WHA với tư cách quan sát viên.

"WHO đã không giữ được trung lập và chuyên nghiệp, liên tục phớt lờ sự cần thiết và cấp bách với việc Đài Loan tham gia vào WHO và WHA", trích tuyên bố của Cơ quan ngoại giao Đài Loan.

Hôm 18.5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đài Loan nên được phép tham dự cuộc họp, nói rằng việc loại trừ đảo này là không chính đáng và là mối quan ngại với sức khỏe toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price nói WHO đã phá vỡ tiền lệ nhiều năm vào 2017 khi không mời Đài Loan quan sát và rằng Đài Loan có chuyên môn cùng cách tiếp cận độc đáo có thể mang lại lợi ích cho thế giới.

"Khi chúng ta tiếp tục chiến đấu với đại dịch và đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác, việc Đài Loan bị cô lập khỏi diễn đàn sức khỏe toàn cầu ưu việt của thế giới là không chính đáng. Bản thân điều đó thể hiện một mối quan tâm nghiêm trọng về sức khỏe. Chúng tôi tin rằng không có lời biện minh hợp lý nào để loại trừ sự tham gia của Đài Loan", Ned Price nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho đảo này. Mỹ cũng đang cố gắng tạo thêm không gian cho họ trong hệ thống quốc tế trước những nỗ lực ngày càng leo thang của Trung Quốc nhằm cô lập Đài Loan.

Hôm 23.5, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ Đài Loan nhằm đảm bảo Trung Quốc không thể "động thủ" với đảo này.

Khi được phóng viên tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) hỏi rằng liệu Mỹ có can thiệp bằng quân sự nếu Trung Quốc cố gắng kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực không, Tổng thống Joe Biden nói: "Có. Đó làm cam kết của chúng tôi. Chúng tôi đồng tình với chính sách một Trung Quốc. Chúng tôi đã ký vào nó và tất cả các thỏa thuận liên quan. Thế nhưng, việc Đài Loan có thể bị chiếm bằng vũ lực là điều không thích hợp".

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không nghĩ Trung Quốc "sẽ hành động hoặc cố gắng có hành động như thế".

Mỹ đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ năm 1979 và cam kết tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc". Song, Mỹ cũng duy trì quan hệ với Đài Loan và là đồng minh quân sự quan trọng nhất với đảo này. 

Luật pháp Mỹ yêu cầu nước này phải hỗ trợ Đài Loan tự vệ trong trường hợp xảy ra xung đột. Tuy vậy,  Mỹ từ lâu đã theo đuổi chính sách "mơ hồ chiến lược", từ chối nêu rõ tình huống nào sẽ dẫn đến việc quân đội của mình can thiệp thay mặt cho Đài Loan.

Tuyên bố trên của Tổng thống Biden dường như là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang dần rời bỏ chính sách "mơ hồ chiến lược" vốn đang được áp dụng với hiện trạng Đài Loan.

Dù vậy, chỉ ít phút sau khi Tổng thống Biden tuyên bố như trên, quan chức Nhà Trắng khẳng định Mỹ không thay đổi trong chính sách với Đài Loan để tránh gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.

WHO tìm kiếm vai trò trung tâm trong lĩnh vực y tế toàn cầu

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, hôm 23.5 cho biết cơ quan y tế Liên Hợp Quốc phải là "trung tâm" của hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu, đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải cải cách nội bộ.

Chúng tôi cần một WHO được tài trợ bền vững và mạnh mẽ hơn, ở trung tâm của kiến trúc an ninh y tế toàn cầu. Đã có nhiều lời kêu gọi WHO thay đổi”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại cuộc họp WHA.

Bài liên quan
WHO: Đậu mùa khỉ đang lan truyền như các bệnh lây qua đường tình dục, số ca sẽ tăng cao
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng sẽ xác định được nhiều người mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn khi mở rộng giám sát ở các quốc gia mà bệnh này thường không được phát hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dù Mỹ ủng hộ, Đài Loan vẫn không được dự cuộc họp thường niên của WHO