Điện tích khiến mây tập hợp lại với nhau tạo ra mưa.
Chống chọi với cái nóng luôn không dễ dàng ở nơi nhiệt độ có lúc lên đến gần 49 độ C như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), đặc biệt là tại Dubai. Các nhà khoa học đã tìm ra cách giải quyết bằng cách sử dụng máy bay không người lái (UAV) bay về phía mây và phóng điện. Điện tích khiến mây tập hợp lại với nhau tạo ra mưa.
Đây là một phần của dự án trị giá 15 triệu USD mà UAE đang thực hiện nhằm tăng lượng mưa hằng năm. Công nghệ được phát triển bởi đội ngũ chuyên gia thuộc Đại học Reading (Anh).
Làm việc trong dự án, Giáo sư Maarten Ambaum cho biết UAE có đủ mây để tạo ra mưa: “Khi giọt nước tập hợp và đủ lớn thì sẽ rơi thành mưa”.
Ngoài việc tạo mưa, UAE còn tìm cách giữ lại lượng mưa rơi xuống thay vì để chúng bốc hơi. Quốc gia này hiện sở hữu 130 con đập với dung tích chứa 120 triệu mét khối.
Abdulla al-Mandoos, Giám đốc Trung tâm Khí tượng - Địa chấn quốc gia UAE (NCMS), cho biết họ sắp nghiên cứu để lập kế hoạch xây thêm đập và bảo vệ nước, với mục đích hứng mưa từ mây tập hợp bởi UAV xuống tầng chứa. Ông khẳng định: “Chúng tôi không muốn lãng phí bất cứ giọt nước nào”.
UAE thuộc nhóm 10 nước khô hạn nhất thế giới, lượng mưa trung bình chỉ khoảng 76 mm. Vì vậy, nước là “bài toán” khó mà quốc gia này luôn phải cố gắng giải quyết.