Elon Musk đang lên kế hoạch đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4 và đang tìm kiếm cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường, hai người biết về việc này nói với Reuters.

Elon Musk lên kế hoạch đến Trung Quốc lần đầu từ đại dịch, tìm cách gặp Thủ tướng Lý Cường

Sơn Vân | 31/03/2023, 19:19

Elon Musk đang lên kế hoạch đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4 và đang tìm kiếm cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường, hai người biết về việc này nói với Reuters.

Thời gian chính xác chuyến thăm Trung Quốc của Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) phụ thuộc vào ông Lý Cường, một trong những nguồn tin cho biết.

Tesla và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện này hôm 31.3.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Tesla sau Mỹ và nhà máy ở thành phố Thượng Hải là trung tâm sản xuất lớn nhất của hãng sản xuất ô tô điện nổi tiếng này.

Nếu đến Trung Quốc, Elon Musk sẽ thăm quốc gia châu Á này lần đầu tiên kể từ đại dịch. Trước khi trở thành Thủ tướng Trung Quốc vào tháng 3, ông Lý Cường từng là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, nơi ông giám sát việc xây dựng và khai trương nhà máy của Tesla.

Lần gần nhất Elon Musk đến thăm Trung Quốc là vào đầu năm 2020. Thời điểm đó, tỷ phú công nghệ khiến cư dân mạng dậy sóng khi nhảy múa trên sân khấu trong một sự kiện tại nhà máy Tesla ở Thượng Hải. Elon Musk vẫn tiếp tục có những bài phát biểu trực tuyến tại các diễn đàn như Hội nghị Internet Thế giới ở Trung Quốc.

Ông Lý Cường và Elon Musk từng gặp nhau trước đó, tại lễ khai trương nhà máy ở Thượng Hải năm 2019. Vào năm 2020, họ đã tham gia một cuộc họp trực tuyến, nơi Elon Musk cảm ơn Bí thư Thành ủy Thượng Hải lúc bấy giờ vì hỗ trợ hoạt động của nhà máy trong thời gian đại dịch bùng phát, theo các phương tiện truyền thông địa phương.

Chuyến thăm theo kế hoạch của Elon Musk cũng diễn ra khi Trung Quốc đang cố gắng thu hút thêm đầu tư nước ngoài để giúp củng cố nền kinh tế bị ảnh hưởng sau 3 năm kiềm chế đại dịch.

Đi đầu trong nỗ lực đó, ông Lý Cường phát biểu trong tuần qua tại các sự kiện kinh doanh có sự tham dự của Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook và Giám đốc điều hành Pfizer - Albert Bourla.

Các nguồn tin không cho biết Elon Musk dự định thảo luận điều gì với Thủ tướng Lý Cường hoặc làm gì ở Trung Quốc.

Tesla đang vật lộn với nhiều vấn đề, chẳng hạn như sự chậm trễ trong kế hoạch tăng hơn gấp đôi sản lượng tại nhà máy Thượng Hải.

Ô tô điện Tesla cũng bị cấm vào các khu liên hợp quân sự và địa điểm họp chính trị của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về camera lắp trên xe. Công ty Mỹ vẫn đang chờ sự chấp thuận của Bắc Kinh để cung cấp công nghệ tự lái hoàn toàn ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là một trong những nguồn doanh thu lớn nhất ngoài Mỹ cho Twitter, công ty truyền thông xã hội mà Elon Musk đã tiếp quản vào tháng 10.2022 với giá 44 tỉ USD, các nguồn tin nói với Reuters.

Hoạt động của Twitter tại Trung Quốc đã gây ra sự chia rẽ trong công ty này giữa các nhóm mong muốn tối đa hóa cơ hội bán hàng và những người lo lắng về hình ảnh từ việc kinh doanh với các thực thể liên quan đến chính quyền nước này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, các nguồn tin cho biết.

elon-musk-co-ke-hoach-den-trung-quoc-lan-dau-tu-dai-dich(1).jpg
Elon Musk chụp ảnh với người mua ô tô điện trong lễ bàn giao Model 3 do Tesla sản xuất tại Thượng Hải - Ảnh: Getty Images

Cuối tuần qua, Tim Cook nằm trong một nhóm các giám đốc điều hành công ty hàng đầu Mỹ tham dự hội nghị cấp cao do chính phủ Trung Quốc tổ chức, nhằm thể hiện cam kết với thị trường quan trọng trong bối cảnh rủi ro tách rời hai nước và điều chỉnh chuỗi cung ứng.

Tim Cook cùng Jon Moeller (Giám đốc điều hành gã khổng lồ hàng tiêu dùng Procter & Gamble), Stephen Schwarzman (Giám đốc điều hành công ty đầu tư Blackstone), Ray Dalio (người sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates)... tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF), theo trang web của sự kiện.

Cuộc họp kéo dài 2 ngày này là cuộc họp ngoại tuyến đầu tiên của CDF sau 3 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, được coi là câu trả lời của Trung Quốc cho hội nghị thượng đỉnh thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thị trấn Davos (Thụy Sĩ) diễn ra hồi tháng 1.

Các giám đốc điều hành đa quốc gia tham dự sự kiện, được tổ chức tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh, đã gặp gỡ các bộ trưởng và quan chức hàng đầu Trung Quốc.

Theo trang SCMP, trong những năm qua, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài thường có cơ hội gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc. Sự kiện năm nay chứng kiến ​​ông Lý Cường lần đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo cấp cao các công ty nước ngoài kể từ khi ông đảm nhận vai trò Thủ tướng Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh kín diễn ra khi các doanh nghiệp quốc tế đang đánh giá lại sự hiện diện và triển vọng của họ tại Trung Quốc sau ba năm phong tỏa hà khắc vì đại dịch và trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ví dụ, Apple và các nhà sản xuất theo hợp đồng của họ đã chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến Việt Nam và Ấn Độ.

Trong khi Tim Cook có thể đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc và đã đạt được nhiều tiến bộ thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là một thị trường quan trọng với công ty, theo Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital.

Brock Silvers nhận xét: “Dù đang cố gắng rời khỏi Trung Quốc, Apple vẫn duy trì mối quan hệ kinh doanh quan trọng ở đó. Thế nên việc Tim Cook tham gia CDF là hoàn toàn hợp lý. Đây cũng có thể là động thái tiếp thị mạnh mẽ, vì Tim Cook thường được coi là một ngôi sao ở Trung Quốc”.

Chiều 24.3, người ta thấy Tim Cook được bao quanh bởi đám đông khi đến thăm Apple Store ở khu vực Sanlitun thuộc Bắc Kinh, cửa hàng lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ ở châu Á, theo một số phương tiện truyền thông địa phương.

Bất chấp căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, các sản phẩm Apple vẫn được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Apple là nhà cung cấp smarphone hàng đầu tại quốc gia này trong quý 4/2022, với cứ 4 smartphone được bán vào tháng 10 năm ngoái thì có 1 chiếc là iPhone, theo công ty tư vấn Counterpoint.

Tim Cook lần đầu tiên tham dự CDF vào năm 2017, chỉ vài tháng trước khi Apple lật đổ Samsung Electronics để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới thời điểm đó nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc và các khu vực khác.

ceo-apple-va-cac-cong-ty-my-den-trung-quoc-1.jpg
Tim Cook được người hâm mộ vây quanh khi đến thăm cửa hàng Apple ở Sanlitun hôm 24.3 - Ảnh: Weibo

Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, cũng vừa đến Trung Quốc và có cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào hôm 28.3. Trung Quốc nói với Peter Wennink rằng muốn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty nước ngoài, nơi ASML có thể duy trì niềm tin và giúp đảm bảo sự ổn định của chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, theo một tuyên bố từ Bộ thương mại Trung Quốc.

Chuyến đi Trung Quốc của ông Peter Wennink không được chú ý nhiều và cuộc gặp với Bộ trưởng Vương Văn Đào là phần duy nhất được thông báo công khai trong chuyến thăm.

Peter Wennink không đưa ra bất kỳ bài phát biểu nào và không tham gia cuộc phỏng vấn nào của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Điều này làm nổi bật sự nhạy cảm về vị trí ASML trong các kế hoạch phát triển chip của Trung Quốc.

Có trụ sở ở Hà Lan, ASML là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới và công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất châu Âu. ASML gần như độc quyền trong việc sản xuất các máy in thạch bản tiên tiến, cần thiết cho việc sản xuất các chip tiên tiến.

Chính phủ Hà Lan đã chặn ASML bán các máy móc tiên tiến nhất của mình cho khách hàng ở Trung Quốc, trong bối cảnh áp lực từ Mỹ muốn hạn chế Trung Quốc phát triển ngành chip vì lý do an ninh quốc gia.

Giọng điệu trong nhận xét của Vương Văn Đào nhẹ nhàng hơn so với Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào đầu tháng 3, khi phát ngôn viên Mao Ninh cáo buộc chính phủ Hà Lan can thiệp vào trao đổi thương mại bình thường giữa các công ty hai nước. Điều này diễn ra khi Hà Lan tiếp tục hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc vì lý do an ninh.

ASML từ chối bình luận về chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này của ông Peter Wennink.

Theo trang SCMP, các nhà phân tích cho rằng chuyến đi của Peter Wennink không có khả năng thay đổi tình hình hiện tại.

He Hui, Giám đốc nghiên cứu chất bán dẫn của công ty tư vấn công nghệ độc lập Omdia, cho biết: “ASML coi Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng ở châu Á và cùng với nhiều công ty châu Âu, họ muốn tập trung vào khía cạnh kinh doanh. Song trong môi trường hiện tại, ASML phải tìm ra một cách cân bằng hơn cho sự phát triển của mình ở Trung Quốc, đồng thời giảm tác động chính trị”.

Trung Quốc gần đây đã thu hút các giám đốc điều hành, nhà đầu tư nước ngoài trong nỗ lực khôi phục niềm tin sau khi kết thúc các biện pháp kiểm soát đại dịch và phong tỏa nghiêm ngặt. Ngoài Tim Cook, Lee Jae-yong (Chủ tịch Samsung Electronics) cũng gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại CDF. Cả hai đều được đảm bảo rằng Trung Quốc vẫn vẫn mở cửa cho hợp tác quốc tế dù quan hệ với Mỹ đang xấu đi.

Hà Lan hiện xem xét các hạn chế hơn nữa với việc xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc. Chính phủ nước này sẽ yêu cầu ASML phải xin giấy phép trước khi vận chuyển các hệ thống in khắc tia cực tím sâu (DUV) của mình sang quốc gia châu Á. Động thái đó càng làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh tại thị trường lớn thứ ba của ASML.

Cùng với hãng sản xuất bản in thạch bản Nikon và nhà cung cấp công cụ sản xuất chip Tokyo Electron Limited (đều ở Nhật Bản), ASML được cho là công ty quan trọng nhất với nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế tham vọng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Cả Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý với yêu cầu của Mỹ thực hiện các hạn chế với việc xuất khẩu các công cụ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Tức giận vì điều này nhưng Bắc Kinh có rất ít lựa chọn để trả đũa.

Chính phủ Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra nhiều hạn chế hơn trong mùa hè, trong khi Nhật Bản dự kiến sẽ thực hiện động thái tương tự vào tháng 4.

Bài liên quan
Elon Musk thực hiện điều mà không công ty hay CEO nào khác dám làm
Twitter phản hồi email của phương tiện truyền thông bằng biểu tượng cảm xúc poop.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Elon Musk lên kế hoạch đến Trung Quốc lần đầu từ đại dịch, tìm cách gặp Thủ tướng Lý Cường