Ngày 8.5, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết sẽ cấm nhập khẩu hoặc loại bỏ dầu mỏ Nga nhằm gây áp lực lên Nga do việc đưa quân vào Ukraine.
Động thái này thể hiện nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, riêng Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các giám đốc điều hành ngân hàng Gazprombank và các doanh nghiệp khác của Moscow, theo hãng tin Reuters.
Tổng thống Joe Biden đã cùng các nhà lãnh đạo G7 tham gia cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về cuộc xung đột, hỗ trợ Ukraine và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Moscow, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng.
"Chúng tôi cam kết xóa bỏ dần tình trạng phụ thuộc của chúng tôi vào năng lượng Nga, trong đó có việc loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu dầu Nga. Chúng tôi sẽ đảm bảo làm điều này một cách kịp thời và có trật tự, đồng thời cung cấp đủ thời gian cho thế giới để tìm kiếm các nguồn cung thay thế", các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong một tuyên bố chung.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với 3 đài truyền hình Nga, cấm người Mỹ cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn cho người Nga, đồng thời áp đặt khoảng 2.600 hạn chế thị thực đối với các cá nhân là quan chức Nga và Belarus.
Nhà Trắng cho biết các đài truyền hình bị xử phạt đều do nhà nước Nga kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm Công ty Channel One Russia, Đài truyền hình Nga-1, Công ty Phát thanh truyền hình NTV.
Mỹ cũng trừng phạt 27 giám đốc điều hành của Gazprombank, ngân hàng có mối quan hệ kinh doanh mật thiết với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga.
Những biện pháp chống lại các giám đốc điều hành của Gazprombank là loạt biện pháp đầu tiên liên quan đến nhà xuất khẩu khí đốt khổng lồ của Nga, bởi Mỹ và các đồng minh đã tránh các bước đi có thể dẫn đến sự gián đoạn khí đốt đến châu Âu.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ lưu ý đây chưa phải là "trừng phạt triệt để" đối với Gazprombank vì Mỹ vẫn chưa đóng băng tài sản của tập đoàn này hay cấm mọi giao dịch với Gazprombank.
Mỹ cho rằng biện pháp này sẽ tác động mạnh đến trụ cột chính của kinh tế Nga. Tuy nhiên, tuyên bố chung của G7 (gồm Pháp, Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ) không nêu cụ thể cam kết của mỗi nước để tiến tới mục tiêu loại bỏ phụ thuộc vào năng lượng Nga.