Great Wall Motor (Trung Quốc) cho biết đã chính thức gửi phản hồi về cuộc điều tra chống trợ cấp của Ủy ban châu Âu với ô tô điện được sản xuất ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi một môi trường thương mại công bằng và cởi mở.

Hãng ô tô điện Trung Quốc đầu tiên phản ứng với cuộc điều tra chống trợ cấp của EU

Sơn Vân | 24/10/2023, 15:01

Great Wall Motor (Trung Quốc) cho biết đã chính thức gửi phản hồi về cuộc điều tra chống trợ cấp của Ủy ban châu Âu với ô tô điện được sản xuất ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi một môi trường thương mại công bằng và cởi mở.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng, một phần do mối quan hệ gần gũi hơn giữa Trung Quốc với Nga, trong khi khối này đang tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Chúng tôi cần một môi trường thương mại công bằng và cởi mở. Chúng tôi có sự tự tin để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trên toàn cầu", Mu Feng, Chủ tịch hãng sản xuất ô tô Great Wall Motor, cho biết trên tài khoản mạng xã hội Weibo của mình hôm 24.10.

Ông nói thêm rằng Great Wall Motor là nhà sản xuất ô tô đầu tiên đưa ra câu trả lời cho Ủy ban châu Âu (vào ngày 11.10).

Châu Âu là một trong những thị trường chiến lược quan trọng của Great Wall Motor”, Mu Feng nói. Ông cho biết công ty đã có những kế hoạch lớn cho EU, đã bắt đầu việc lựa chọn địa điểm cho một nhà máy ở đó, dự tính có đầy đủ năng lực từ sản xuất đến bán hàng.

Mu Feng không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận hôm 24.10.

Great Wall Motor có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở châu Âu, và Đức là một trong những ứng cử viên cho địa điểm này, ấn phẩm Automobilewoche (Đức) đưa tin hồi tháng 5.

EU đã bắt đầu cuộc điều tra trong tháng 10 để quyết định xem có nên thiết lập các hàng rào thuế quan chống lại điều mà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu gọi là làn sóng nhập khẩu ô tô điện Trung Quốc rẻ hơn do được hưởng lợi từ trợ cấp của nhà nước hay không.

EU đang kiểm tra ô tô điện được cả các hãng Trung Quốc và công ty nước ngoài sản xuất, chẳng hạn như Tesla, BMW và Renault, sản xuất tại quốc gia châu Á này.

Trung Quốc đã phàn nàn về thời gian “rất ngắn” mà EU đặt ra cho các cuộc tham vấn về cuộc điều tra, nói rằng chúng thiếu bằng chứng đầy đủ và không tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang chạy đua để bắt kịp Trung Quốc trong việc sản xuất xe điện giá rẻ hơn, đặc biệt là khi các hãng như BYD, Xpeng và Nio đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài.

Số liệu của ngành cho thấy Great Wall Motor đứng thứ 8 về doanh số bán ô tô thuần điện và plug-in hybrid (ô tô chạy bằng cả pin và xăng/dầu) ở Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2023.

Theo Ủy ban châu Âu, ông chủ một số hãng ô tô phương Tây cho rằng ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của nhà nước mang lại lợi thế không công bằng. Qua đó, các ô tô điện thương hiệu Trung Quốc đã có giá rẻ lại càng rẻ hơn, thậm chí mức giá cực kỳ thấp.

Theo Reuters, ông Ursula von der Leyen nói với các nhà làm luật EU rằng: “Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện Trung quốc rẻ hơn. Giá của chúng được giữ ở mức thấp một cách giả tạo nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ của các nhà nước này”.

hang-o-to-dien-trung-quoc-dau-tien-phan-ung-voi-cuoc-dieu-tra-chong-tro-cap-cua-eu.jpg
Những mẫu Haval do Great Wall Motors sản xuất đang được trưng bày để bán tại một đại lý gần thành phố Vladivostok, Nga - Ảnh: Reuters

Các công ty châu Âu đang phải cạnh tranh để sản xuất ô tô điện với chi phí thấp hơn và xóa bỏ vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong việc phát triển các mẫu xe giá rẻ, thân thiện với người tiêu dùng hơn. Các giám đốc điều hành của các hãng xe châu Âu cho biết điều này tại triển lãm IAA ở thành phố Munich (Đức) hồi đầu tháng 9.

Luca de Meo, Giám đốc điều hành công ty Renault (Pháp), nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi phải thu hẹp khoảng cách về chi phí với một số hãng ô tô Trung Quốc đã phát triển ô tô điện từ thế hệ trước”.

Theo Luca de Meo, như một phần trong nỗ lực của Renault để đạt được sự cân bằng về giá với các công ty Trung Quốc, chiếc R5 EV sắp ra mắt vào năm 2024 sẽ rẻ hơn 25% đến 30% so với các mẫu Scenic và Megane hiện có của hãng.

Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc như BYD, Nio và Xpeng đều đang nhắm đến thị trường châu Âu, nơi doanh số bán hàng tăng gần 55% lên khoảng 820.000 xe trong 7 tháng đầu năm 2023, chiếm khoảng 13% tổng doanh số ô tô tại đây.

Xpeng có kế hoạch mở rộng hơn sang thị trường châu Âu vào năm 2024. Zhejiang Leapmotor Technology đã công bố 5 mẫu ô tô điện dành cho thị trường nước ngoài, gồm cả châu Âu trong hai năm tới.

Theo công ty tư vấn ô tô Inovev, 8% ô tô điện mới bán ở châu Âu trong năm nay do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất, tăng từ 6% năm ngoái và 4% vào năm 2021.

Khoảng 41% nhà triển lãm tại IAA năm nay có trụ sở tại châu Á, với số lượng công ty Trung Quốc tham dự gấp đôi, gồm cả BYD, Xpeng và CATL (nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới).

Sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc tại châu Âu đã làm dấy lên mối lo ngại rằng họ có thể thống trị doanh số ô tô điện.

Hildegard Mueller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), cho biết: “Chúng ta (Đức) đang mất đi khả năng cạnh tranh của mình”, đồng thời cho biết IAA đã minh họa “áp lực cạnh tranh quốc tế cao” khiến việc Đức đầu tư nhiều hơn vào việc chuyển đổi sang ô tô điện trở nên cần thiết.

Theo các nhà nghiên cứu tại hãng Jato Dynamics, chiếc ô tô điện trung bình ở Trung Quốc có giá dưới 32.000 euro (35.000 USD) trong nửa đầu năm 2022 so với khoảng 56.000 euro tại châu Âu.

Oliver Zipse, Giám đốc điều hành BMW (Đức), nói khi đề cập đến việc Trung Quốc tiến vào châu Âu: “Phân khúc thị trường ô tô điện cơ bản sẽ biến mất hoặc không được các hãng châu Âu sản xuất”.

Mercedes-Benz (Đức) sẽ giới thiệu dòng ô tô điện thuộc phân khúc nhỏ gọn CLA và BMW sẽ trình làng mẫu Neue Klasse. Cả hai hãng ô tô Đức này đều nhắm vào mục tiêu gia tăng phạm vi hoạt động và hiệu suất của ô tô điện, đồng thời giảm một nửa chi phí sản xuất.

Oliver Blume, Giám đốc điều hành Volkswagen (Đức), nói rằng thông qua quan hệ đối tác tại Trung Quốc, hãng này đặt mục tiêu cắt giảm 50% chi phí pin.

Brian Gu, Chủ tịch Xpeng, cho biết mặc dù các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang tụt hậu so với Trung Quốc nhưng họ đã đưa ra "cam kết rất lớn" với xe điện thông qua quan hệ đối tác và đầu tư lớn vào công nghệ.

Brian Gu nói: “Tôi sẽ không bao giờ đánh giá thấp những công ty lớn đang cố gắng hết sức để quay lại và tập trung vào quá trình chuyển đổi quan trọng này”.

Ferdinand Dudenhoeffer, nhà phân tích ngành ô tô, cho biết người Trung Quốc là "nhà vô địch thế giới" trong việc sản xuất pin. Pin có thể chiếm tới 40% chi phí của ô tô điện. Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất pin Trung Quốc có cơ sở ở Đức đang giúp giảm chi phí ô tô điện.

Bài liên quan
Huawei tuyên bố sắp tung ra ô tô điện ‘vượt trội Model S của Tesla’
Luxeed, thương hiệu được phát triển bởi Chery Automobile thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei, sẽ ra mắt mẫu ô tô điện đầu tiên vào tháng 11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng ô tô điện Trung Quốc đầu tiên phản ứng với cuộc điều tra chống trợ cấp của EU