Sau khi giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy lên tiếng về việc bệnh viện phải sử dụng dao mổ trúng thầu "rẻ tiền", rạch đến 3 lần mới đứt da, thì bệnh viện này còn đang đối diện với nhiều khó khăn khác.
Dù là bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế, tuyến cuối trong khám, chữa bệnh ở khu vực phía Nam, nhưng hiện nay Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ gặp khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất và sinh phẩm, dịch vụ sửa chữa bảo trì trang thiết bị y tế… mà giám đốc bệnh viện này vừa nêu ra tại cuộc làm việc của Thủ tướng với ngành y tế, mà còn phải đối mặt với tình trạng thu nhập thấp của nhân viên y tế, dẫn đến số lượng nhân viên nghỉ việc gia tăng…
Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay thu nhập nhân viên y tế của bệnh viện đang có nhiều bất cập. Dù theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá), nhưng đến giờ vẫn chưa được tính đúng, tính đủ.
“Việc chưa tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành gây nhiều khó khăn đối với bệnh viện. Mặt khác, các chi phí có tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước, lại không được điều chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế như: điện nước, chi phí, xăng dầu, chi phí tiền lương tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Đó là chưa kể đến các chi phí vật tư, tiêu hao biến động giá theo cơ chế thị trường và trượt giá ảnh hưởng đến nguồn chi lương, thu nhập cho cán bộ viên chức, khó thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài”, bác sĩ Thức chia sẻ.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho nhân viên y tế còn chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế.
Ông Thức cho biết, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang thực hiện phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật theo quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28.12.2011 với một mức phụ cấp khá thấp được xây dựng cách đây hơn 10 năm.
Theo đó, nhân viên y tế của bệnh viện này chỉ được mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000đồng/người/phiên trực.
“Đây là một mức giá quá thấp, không còn phù hợp với tình hình vật giá thực tế hiện nay, cần thiết phải thay đổi tăng mức phụ cấp cho người lao động, tái tạo sức lao động, đặc biệt là lao động về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân”, bác sĩ Thức nhấn mạnh.
Trong khi đó, mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000đ/ca, ca mổ loại 1 là 125.000đ/ca cho phẫu thuật viên chính theo bác sĩ Thức cũng không còn phù hợp. “Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài từ 4 giờ - 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ (như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ), nhưng chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/1 ca cho phẫu thuật viên chính thật sự không tương xứng với sức lao động của người bác sĩ”, bác sĩ Thức nói.
Điều này khiến cho những năm gần đây số lượng nhân viên y tế ở Bệnh viện Chợ Rẫy nghỉ việc gia tăng. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2022 đã có gần 80 nhân viên y tế ở đây nghỉ việc.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2022 đã có đến 77 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 18 bác sĩ, 37 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 17 nhân viên khác. Như vậy, với 18 bác sĩ nghỉ việc trong 8 tháng đầu năm 2022 đã chiếm đến 2,2% số bác sĩ của bệnh viện này, một tỷ lệ khá cao so với từ trước tới nay.
Dù tổng số nhân viên y tế nghỉ việc trong 8 tháng đầu năm 2022 chỉ chiếm gần 2% tổng số nhân viên y tế của bệnh viện, nhưng theo bác sĩ Thức số lượng nghỉ việc trên là khá cao, tăng so với năm 2020 (năm trước dịch bệnh COVID-19) và trong năm 2021.
“Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát về lý do nghỉ việc cũng như mức độ hài lòng trong công tác của các nhân viên y tế để có thể tiên lượng trước những yếu tố có thể gây ra tỷ lệ nghỉ việc tăng cao”, bác sĩ Thức cho biết thêm.
Bác sĩ Thức mong muốn các Bộ, Ngành nhanh chóng thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP; đồng thời điều chỉnh các mức phụ cấp cho người lao động theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, mức phụ cấp hiện nay đã thực hiện hơn 10 năm không còn phù hợp.