Với sứ mệnh giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào Intel và AMD, Loongson Technology Corp đang cố gắng phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) đa năng của riêng mình dù vừa bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại.

Loongson với sứ mệnh giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào Intel và AMD

Sơn Vân | 19/03/2023, 13:08

Với sứ mệnh giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào Intel và AMD, Loongson Technology Corp đang cố gắng phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) đa năng của riêng mình dù vừa bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại.

Có người sáng lập là Hu Weiwu và được niêm yết ở thành phố Thượng Hải, Loongson Technology Corp (hãng thiết kế CPU hàng đầu Trung Quốc) đang đánh giá quy trình 7 nanomet tiên tiến từ một số xưởng đúc để sản xuất chip tương lai của mình, theo một phản hồi từ công ty tuần này cho các câu hỏi của nhà đầu tư.

Các chip mới sẽ bao gồm GPU như những gì được cung cấp bởi hãng dẫn đầu ngành là Nvidia (đang bị hạn chế bán các chip cao cấp của mình cho khách hàng Trung Quốc) và CPU (bộ xử lý trung tâm), thị trường mà Intel và AMD thống trị.

Các bình luận này được đưa ra một tuần sau khi Loongson Technology Corp (trụ sở tại Bắc Kinh) bị Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) thêm vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) cùng với 26 thực thể Trung Quốc khác. Các nhà xuất khẩu Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt từ chính quyền Biden để bán sản phẩm cho các công ty trong danh sách thực thể.

Với Loongson Technology Corp, sứ mệnh luôn là giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công nghệ Mỹ. Khi các nhà đầu tư đưa ra câu hỏi về sự phát triển sản phẩm của Loongson Technology Corp và tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, công ty này cho biết những hạn chế mới nhất sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào, theo hồ sơ công khai.

Những nhà phân tích nói các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Loongson Technology Corp ít rộng rãi hơn so với những gì chính quyền Biden áp đặt lên với gã khổng lồ viễn thông Huawei, nhưng những nỗ lực của nhà thiết kế chip để mua dịch vụ đúc có thể bị hủy hoại nếu các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ được sử dụng trong quy trình sản xuất.

Stewart Randall, người đứng đầu bộ phận điện tử và phần mềm nhúng tại công ty tư vấn Intralink, cho biết: “Nếu một công ty không có khả năng truy cập vào các quy trình tốt nhất thì tại sao phải thiết kế những con chip tiên tiến nhất”.

Loongson Technology Corp đã ra mắt CPU 3A5000 của riêng mình vào cuối năm 2020, được sản xuất trên quy trình 14 nanomet, theo bản cáo bạch cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Thượng Hải vào năm ngoái, trong đó công ty huy động được 2,46 tỉ nhân dân tệ (357 triệu USD).

Từ năm 2019 đến 2021, Loongson Technology Corp đã nhờ sản xuất hơn một nửa số chip của mình tại xưởng đúc giấu tên có mã là BP00, theo bản cáo bạch của công ty.

Loongson Technology Corp đã cảnh báo vào thời điểm đó rằng nguồn cung cấp linh kiện đúc của họ có thể bị gián đoạn do “những thay đổi căn bản” trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Tại Trung Quốc, xưởng đúc duy nhất có khả năng sản xuất chip 14 nanomet là SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc). SMIC được cho là có thể sản xuất chip 7 nanomet vào năm 2022, nhưng công ty có trụ sở tại Thượng Hải chưa bao giờ chính thức phủ nhận hay thừa nhận bước đột phá này.

loongson-voi-su-menh-giup-trung-quoc-giam-su-phu-thuoc-vao-intel-amd.jpg
Loongson Technology Corp là nhà thiết kế CPU hàng đầu Trung Quốc, có sứ mệnh giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào Intel và AMD - Ảnh: Shutterstock

Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc chắc chắn sẽ có thêm nhiều hỗ trợ hơn nữa. Chính quyền Trung Quốc cam kết huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ cho sự phát triển của các công nghệ được coi là quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.

Là một phần của kế hoạch cải cách rộng lớn hơn, Bắc Kinh đã phê chuẩn việc đại tu Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc trong cuộc họp chính trị thường niên của đất nước vừa kết thúc vào đầu tuần này. Sun Yutao, giáo sư kinh tế tại Đại học Công nghệ Đại Liên, cho biết việc tái cấu trúc sẽ loại bỏ một số nhiệm vụ của Bộ và buộc nó phải tập trung vào việc biến nghiên cứu khoa học thành công nghệ cho sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, những người trong ngành chip cho biết sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nước ngoài, đặc biệt là vào các công cụ tiên tiến và vật liệu cao cấp, khó giảm trong thời gian ngắn.

Loongson Technology Corp được thành lập vào năm 2001 với tư cách là một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đỉnh cao của đất nước về nghiên cứu khoa học và công nghệ. Loongson Technology Corp được tách ra thành một thực thể riêng biệt vào năm 2010 để thương mại hóa nghiên cứu phát triển chip của mình.

Loongson Technology Corp hiện tự vận hành như một công ty bán dẫn, chủ yếu cung cấp CPU, máy chủ dựa trên chip của riêng mình và kiến trúc tập lệnh (ISA) được gọi là kiến trúc Loongson (LoongArch), dựa trên nguyên tắc máy tính với tập lệnh đơn giản hóa (RISC) chi phối các quy tắc tính toán cơ bản của CPU.

Loongson Technology Corp đã được cấp phép các công nghệ từ MIPS Computer Systems (Mỹ) vào năm 2011 và 2017, cho phép công ty Trung Quốc phát triển, sản xuất và bán chip dựa trên kiến trúc tập lệnh MIPS. Các chip dựa trên kiến trúc tập lệnh MIPS chiếm 70% tổng doanh số bán hàng của Loongson Technology Corp từ năm 2019 đến 2021, theo bản cáo bạch của hãng.

Loongson Technology Corp đã bị đình chỉ việc gia hạn thỏa thuận cấp phép MIPS vào tháng 4.2020 do tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với CIP United, công ty bán dẫn có trụ sở tại Thượng Hải.

CIP United đã đưa Loongson Technology Corp ra tòa, cáo buộc rằng cả LoongArch và CPU 3A5000 đều vi phạm bản quyền của mình sau khi CIP United mua lại danh mục tài sản trí tuệ từ MIPS. Các vụ kiện liên quan đến 60 triệu nhân dân tệ, vẫn đang được xử lý tại tòa án dân sự Bắc Kinh, theo hồ sơ chứng khoán Loongson Technology Corp hồi tháng 3.

Loongson Technology Corp đã chuyển hướng sang kiến trúc Loongson của mình trong quá trình phát triển CPU thế hệ tiếp theo, được gắn nhãn 3A6000 và 3A7000. Loongson Technology Corp cho biết kiến trúc của họ tương thích với kiến trúc X86 độc quyền của Intel, tập lệnh Arm và kiến trúc tập lệnh phần cứng mã nguồn mở RISC-V, đã nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang diễn ra.

Loongson Technology Corp cho biết đặt mục tiêu xây dựng một “hệ sinh thái độc lập” với kiến trúc Loongson, hệ điều hành Loongnix, CPU và tài sản trí tuệ để cạnh tranh với hệ sinh thái Arm-Android và Intel-Microsoft đang thống trị.

5 nhà cung cấp được hãng chip Trung Quốc đặt niềm tin sau khi Hà Lan - Nhật bắt tay với Mỹ

Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan là nơi đặt trụ sở của các công ty quan trọng nhất cung cấp thiết bị sản xuất chip. Vào tháng 1, chính quyền Biden đã nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản và Hà Lan để thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Đây là động thái được cho sẽ khiến các nhà cung cấp Hà Lan và Nhật Bản ngày càng khó bán hàng cho Trung Quốc.

Dù Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan vẫn chưa chính thức tiết lộ chi tiết về thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu của họ, nhiều người suy đoán rằng hệ thống in khắc tia cực tím sâu nhúng ArF (DUV) của ASML (Hà Lan) sẽ bị giới hạn ở Trung Quốc. Những máy này, sử dụng công nghệ laser để cơ bản khắc một mạch được thiết kế sẵn lên một đĩa bán dẫn, cho phép xử lý in thạch bản trong phạm vi từ 45 nanomet đến 7 nanomet.

ASML thống trị thị trường toàn cầu về thiết bị sản xuất chip nhờ chiếm gần 90% thị phần cung cấp máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến, vốn đã ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2019.

Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế hơn nữa doanh số thiết bị sản xuất chip cũng sẽ che mờ triển vọng của các nhà cung cấp hệ thống DUV Nhật Bản cho Trung Quốc, chẳng hạn như Nikon và Canon. Trong khi đó, Tokyo Electron cạnh tranh ở các phân khúc khác của thị trường thiết bị sản xuất chip, chẳng hạn các công cụ khắc và phủ tiên tiến.

Việc nêu trên buộc các hãng sản xuất chip Trung Quốc phải chuyển sang các nhà cung cấp trong nước được liệt kê bên dưới.

Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE)

SMEE là nhà sản xuất máy in thạch bản duy nhất của Trung Quốc được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn. SMEE trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng duy nhất của Trung Quốc với ASML. Tuy nhiên, SMEE vẫn đứng sau ASML và các công ty Nhật Bản.

SMEE đã phát triển các máy có khả năng sản xuất chip ở tiêu chuẩn quy trình 90 nanomet. Công nghệ đó đã được hoàn thiện khoảng 20 năm trước và đủ dùng cho các chip cấp thấp hữu ích cho một số mục đích quản lý năng lượng.

Theo hãng tin Reuters, các nguồn tin trong ngành cho biết SMEE bán phần lớn máy in thạch bản của mình cho các nhà máy đóng gói chip, sử dụng cho nhiệm vụ đơn giản hơn nhiều so với kết nối các thành phần điện tử trên vi mạch bằng dây vào sản phẩm cuối cùng.

SMEE được thành lập vào năm 2002 bởi He Rongming, cựu Phó chủ tịch của Shanghai Electric Group Co. Cổ đông lớn nhất của SMEE (sở hữu 32% cổ phần) là Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc Sở hữu Nhà nước của Quốc vụ viện (SASAC), cơ quan chính phủ có trách nhiệm quản lý các tài sản nhà nước và các doanh nghiệp sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Naura Technology Group Co

Được thành lập vào năm 2001 và niêm yết năm 2010, Naura Technology Group Co Ltd chủ yếu sản xuất thiết bị ăn mòn để cạnh tranh với Applied Materials và Lam Research (Mỹ) cũng như Tokyo Electron (Nhật Bản).

Máy ăn mòn tiên tiến nhất của Naura Technology Group Co hỗ trợ công nghệ sản xuất chip 55 nanomet và 28 nanomet, đi sau các công nghệ sản xuất chip hàng đầu.

Naura Technology Group Co cũng tạo ra các máy lắng đọng, áp dụng hóa chất và khí cho các tấm silicon trong suốt quá trình sản xuất chip. Công ty tạo ra các máy có thể phục vụ quy trình xử lý từ 14 nanomet đến 28 nanomet trong quá trình sản xuất chip..

Beijing Sevenstar Electronics là cổ đông lớn nhất của Naura Technology Group Co, tiếp theo là một quỹ do chính phủ Trung Quốc lãnh đạo đầu tư vào ngành công nghiệp chip.

Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China (AMEC)

AMEC chế tạo thiết bị ăn mòn được sử dụng để loại bỏ vật liệu dư thừa khỏi bề mặt của tấm silicon.

Báo cáo thu nhập từ tháng 1 đến tháng 6.2022 cho thấy một số máy móc của AMEC đã đi vào dây chuyền sản xuất chip tiên tiến như sử dụng công nghệ 5 nanomet, giúp họ tiến gần hơn về mặt công nghệ so với các đối thủ ở Trung Quốc để cạnh tranh với Lam Research và Applied Materials (Mỹ).

Tuy nhiên, thị phần của AMEC bị lấn át bởi các đối thủ nước ngoài. Vào năm 2021, AMEC đã tạo ra doanh thu 3,1 tỉ nhân dân tệ (444,9 triệu USD), bằng khoảng 2,5% so với Applied Materials.

AMEC được thành lập vào năm 2003 bởi Gerald Yin, một công dân Mỹ nhập tịch. Quỹ lớn của Trung Quốc dành cho chip sở hữu khoảng 15% cổ phần AMEC. Một công ty đầu tư mạo hiểm công nghệ liên kết với chính quyền Thượng Hải cũng sở hữu 15% cổ phần AMEC.

Beijing E-Town Semiconductor Technology Co (BEST)

BEST sản xuất thiết bị tẩy tạp chất được sử dụng để loại bỏ các hóa chất cản quang trong quá trình in thạch bản. Phân khúc này chiếm hơn 47% doanh thu năm 2020 của BEST, theo một bản cáo bạch đầu tư.

Công ty cũng sản xuất máy khắc dù chúng chỉ chiếm phần trăm doanh thu ở mức một con số.

BEST được thành lập vào năm 2015. Cổ đông lớn nhất của nó là Beijing E-Town Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm trực thuộc chính quyền Bắc Kinh từng đầu tư vào một số hãng chip.

ACM Research (ACM)

ACM Research thiết kế thiết bị để làm sạch các tấm wafer (đĩa bán dẫn) cạnh tranh với Lam Research, Tokyo Electron, Screen Holdings Co Ltd (Nhật Bản) và Mujin Electronics Co Ltd (Hàn Quốc).

Hầu hết doanh thu của ACM Research Inc đến từ một số ít khách hàng ở Trung Quốc, cụ thể là Huahong, SMIC và YMTC, theo một hồ sơ chứng khoán. ACM cũng bán thiết bị cho SK Hynix (Hàn Quốc).

ACM Research Inc được David Wang (công dân Mỹ) thành lập vào năm 1998 tại bang California (Mỹ) và niêm yết cổ phiếu trên NASDAQ vào năm 2017. Công ty con của ACM Research Inc có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường STAR vào năm 2021.

ACM Research Inc sở hữu 80% công ty con ở Thượng Hải, trong khi Quỹ lớn của Trung Quốc và một số quỹ liên quan đến chính phủ khác nắm giữ cổ phần một con số. ACM Research và công ty con ở Thượng Hải có hội đồng quản trị khác nhau.

Trong khi trụ sở chính ACM Research ở Mỹ, gần 90% nhân viên của họ làm việc tại Trung Quốc và Đài Loan. Hầu hết hoạt động nghiên cứu, phát triển và bán hàng của ACM Research diễn ra ở những địa điểm đó, công ty cho biết trong báo cáo thường niên năm 2021.

Bài liên quan
Nhập khẩu chip 2 tháng đầu năm 2023 của Trung Quốc giảm 26,5% do lệnh trừng phạt từ Mỹ
Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 26,5% trong hai tháng đầu năm 2023 tính theo số lượng, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này được công bố hôm 7.3.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loongson với sứ mệnh giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào Intel và AMD