Khi mang thai được 25 tuần, sản phụ 31 tuổi phát hiện bệnh lupus của mình trở nặng, có biến chứng, gây tổn thương thận, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu...
Theo lời sản phụ H. (31 tuổi, quê Tiền Giang), cách đây 10 năm chị phát hiện mình bị lupus ban đỏ và điều trị đều đặn bằng corticoid tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Khi việc điều trị bệnh tạm ổn định, bác sĩ cho phép chị có thể mang thai. Sau đó khoảng 8 tháng, chị H. đã có thai và khám định kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ.
Lúc thai được 21 tuần tuổi, chị H. được phát hiện nhau thai bám thấp. Đến khi thai 25 tuần tuổi, nhau có hiện tượng nhau cài răng lược thể increta-percreta (hiện tượng nhau thai xâm lấn bất thường, ăn xuyên qua cơ tử cung và các cơ quan lân cận gây biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và bé).
Ngày 15.4, chị H. thấy mệt, khó thở và phù chân, tay. Gia đình đưa chị H. đi tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy và được thông báo bệnh lupus của chị trở nặng, gây tổn thương thận, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu và phải nằm viện điều trị từ ngày 16 đến 27.4.
Sau khi xuất viện được 1 ngày, chị H. về nhà thì thấy sưng, phù nề vùng âm hộ nhiều kèm với đau khó chịu nên gia đình đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Từ Dũ trưa 28.4.
BS.CK2 Bùi Thị Hồng Nhu - Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tình trạng phù toàn thân kèm huyết áp cao 147/100mmHg, tràn dịch đa màng. Chị H. được điều trị hạ áp, ngừa co giật tại Khoa Sản A và tiếp tục điều trị theo toa thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đến 22 giờ ngày 28.4, chị H. thấy mệt nhiều hơn kèm xuất hiện khó thở, SPO2 dao động từ 92 - 94%, HA 120/80mmHg. Bệnh nhân được chuyển lên khu hồi sức tích cực theo dõi sát, xét nghiệm D-dimer để loại trừ nguy cơ thuyên tắc mạch phổi. Đến sáng 30.4, tình hình sản phụ không cải thiện, bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa và thống nhất chấm dứt thai kỳ cho chị H.
“Chúng tôi đã tích cực hội chẩn với nhiều chuyên khoa có liên quan. Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy khám, siêu âm tim đánh giá phát hiện có tình trạng tăng áp động mạch phổi 65mmHg, kèm hở van 2 lá - hở 3 lá 3/4, dãn 2 nhĩ - tràn dịch màng ngoài tim - suy tim. Ngoài ra, bệnh viện còn hội chẩn với bác sĩ Nội thận, Nội phổi, Huyết học. Tất cả thống nhất cần chấm dứt thai kỳ để cải thiện tình hình sức khỏe cho mẹ”, bác sĩ Nhu chia sẻ.
Vùng gan có nhiều dây dính và có 50g máu cục
Chiều 30.4, Bệnh viện Từ Dũ lên kế hoạch chi tiết để thực hiện mổ lấy thai cho chị H. “Đây là một trường hợp mổ khó, nguy cơ mất máu nhiều trên tổng trạng sản phụ rất xấu với nhiều bệnh lý nền”, bác sĩ Nhu nói.
Theo bác sĩ Nhu, ca mổ chính thức được bắt đầu rạch da lúc 19 giờ 20, vào bụng đường dọc giữa quan sát trong bụng có khoảng 1.600ml máu sậm loãng và 1.000g máu cục. Đại tràng ngang và mạc nối lớn dính chặt vào đáy và góc phải tử cung. Tiến hành gỡ dính thấy các gai nhau xâm lấn xuyên hết các lớp cơ vùng đáy thân và góc phải tử cung, xâm lấn qua cả đại tràng ngang và mạc nối lớn. Toàn bộ cơ tử cung còn lại rất mỏng 1-3mm.
Tiếp tục thám sát phát hiện gai nhau xâm lấn xuống đoạn thân eo bên trái xuyên qua vách chậu trái. Sau khi tiến hành cắt lọc phần gai nhau dính vào mạc nối lớn và đại tràng ngang, tiến hành cắt tử cung hoàn toàn và phần phụ phải (gai nhau xâm lấn hết phần phụ phải). Sau đó bệnh viện mời ê kíp mạch máu của Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường xử lý phần gai nhau xâm lấn vách chậu và mạch máu vùng chậu trái.
Sau đó, các bác sĩ tiếp tục thám sát lên vùng bụng trên, đặc biệt là vùng gan phát hiện có nhiều dây dính (Hội chứng Fitz - hugh - curtis) và thấy có 50g máu cục có lẫn mô giống mô gan. Nghi ngờ có tình trạng vỡ gan nên các bác sĩ mời tiếp ê kíp Ngoại gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy sang hỗ trợ. Bác sĩ gan mật sau khi gỡ dính và bộc lộ vùng gan phát hiện vỡ gan dưới bao hạ phân thùy 5 đang rỉ máu. Tiến hành cầm máu bề mặt gan, chèn ép tại chỗ không thấy chảy máu thêm. Các bác sĩ quyết định tiến hành đặt các ống dẫn lưu ở những vị trí cần thiết để theo dõi sau mổ.
“Sau 6 giờ căng thẳng, cuộc mổ đã kết thúc lúc 1 giờ 15 phút ngày 1.5 với tổng lượng máu mất là 5.200ml. Trong suốt cuộc mổ phải truyền 8 đơn vị hồng cầu lắng 350ml, 8 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh 200ml, 8 đơn vị kết tủa lạnh 80ml, 18 đơn vị tiểu cầu đậm đặc”, bác sĩ Nhu chia sẻ.
Theo bác sĩ Nhu đây là một trường hợp mổ đặc biệt phức tạp loại nhất nhì của Bệnh viện Từ Dũ từ trước đến nay với sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều chuyên khoa sâu đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau mổ bệnh nhân phải đối diện với nhiều nguy cơ như chảy máu thứ phát, nhiễm trùng vết mổ, thuyên tắc mạch. Nguy cơ của truyền máu khối lượng lớn như sốt, tán huyết, tổn thương phổi cấp tính, quá tải tuần hoàn, rối loạn đông máu, rối loạn kiềm toan…
“Đến sáng nay (11.5), chị H. không bị sốt, vết mổ khô, các ống dẫn lưu không ra thêm dịch. Tiểu cầu dần hồi phục từ 40.000/mm3 lên 56.000/mm3. Chị H. có thể vận động tại chỗ và bắt đầu tập đi để sớm hồi phục. Chị đã có thể mỉm cười thật tươi khi biết mình vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh. Con của chị H. đang được các cô điều dưỡng và các bác sĩ sơ sinh chăm sóc mỗi ngày. Bé đã bước đầu tập bú rất tốt và có thể tự thở với oxy qua mũi”, bác sĩ Nhu cho biết thêm.