Một tàu khu trục của Mỹ đã đi gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) ở Biển Đông.
Theo Reuters, trong một tuyên bố hôm 13.7, Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Benfold đã "khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Hải quân Mỹ nhấn mạnh những phản đối về xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc tại Biển Đông là "sai sự thật" và cáo buộc Bắc Kinh cố "xuyên tạc" các hoạt động hàng hải hợp pháp của Mỹ, đồng thời chỉ trích các yêu sách hàng hải quá mức và bất hợp pháp của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á.
"Mỹ đang bảo vệ quyền trên không và trên biển cũng như hoạt động của mọi quốc gia ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Không điều gì của Trung Quốc có thể ngăn cản được chúng tôi", Reuters dẫn tuyên bố của Hải quân Mỹ.
Động thái trên của Mỹ được đưa ra sau khi Bộ Tư lệnh Chiến khu phía nam của quân đội Trung Quốc công khai chỉ trích các hoạt động "tự do hàng hải" của Mỹ ở Biển Đông là "gây tổn hại hòa bình và ổn định ở Biển Đông".
Trung Quốc thời gian qua đã ngang nhiên tuyên bố khoảng 90% diện tích Biển Đông thuộc "lãnh hải" của mình, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" mà nước này đơn phương vạch ra.
Trung Quốc còn thậm chí bồi đắp và quân sự hóa trái phép nhiều đảo nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Bắc Kinh đã bị các nước phương Tây cáo buộc gây hấn và khiêu khích bằng cách triển khai hàng trăm tàu hải cảnh và tàu đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khu vực này.
Trước sự ngang ngược và các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, Washington đã điều động nhiều máy bay và tàu chiến thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông. Mỹ cũng điều động các máy bay do thám, tàu nổi và tàu ngầm nhằm theo dõi các động thái của Trung Quốc trong khu vực.
Mỹ cho biết những hoạt động đó là cần thiết để đảm bảo quyền tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp cũng như bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Bắc Kinh.