Trong đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu phát hiện nam giới bị hói đầu mắc COVID-19 có tỷ lệ bệnh nặng, và tử vong cao hơn rất nhiều so với nữ.

Nam giới bị hói đầu mắc COVID-19 dễ bị bệnh nặng và tử vong cao

Hồ Quang | 19/10/2021, 15:02

Trong đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu phát hiện nam giới bị hói đầu mắc COVID-19 có tỷ lệ bệnh nặng, và tử vong cao hơn rất nhiều so với nữ.

Đó là thông tin vừa được BS.CK2 Trần Kim Phượng – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết tại Hội nghị khoa học trực tuyến Chuyên ngành da liễu trong giai đoạn bình thường mới.

Có đến 25% bệnh nhân bị rụng tóc sau khi mắc COVID-19

Theo bác sĩ Phượng, người bệnh sau khi mắc COVID-19 thường có những triệu chứng như: mệt mỏi, đau đầu, rối loạn chú ý, đặc biệt là rụng tóc. Triệu chứng đứng hàng thứ 4 trong rất nhiều triệu chứng của người bệnh sau khi mắc COVID-19.

Bác sĩ Phượng cho biết, qua nghiên cứu, theo dõi gần 48 nghìn bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân trên có từ 1 đến nhiều triệu chứng kéo dài. Trong đó có 5 triệu chứng phổ biến nhất là: mệt mỏi, chiếm 58%; đau đầu, chiếm 44%, rối loạn chú ý, chiếm 25% và rụng tóc, chiếm 25%.

nam-gioi-hoi-dau-mac-covid-19-de-bi-benh-nang-va-tu-vong-hinh-anh(1).png
Nam giới bị hói đầu - Ảnh: PV 

Trong khi đó, một nghiên cứu tại Thái Lan về tóc, móng và da của những bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 đã hồi phục cho thấy, tỷ lệ rụng tóc chiếm 24% và chủ yếu là ở nữ; còn tỷ lệ bệnh lý da chiếm 8% và ở móng khoảng 2%.

Mặc dù tóc không có nhiều chức năng sinh lý, nhưng tóc thể hiện vẻ bề ngoài của con người, giúp chúng ta tự tin hơn trong quá trình giao tiếp. Do đó, khi rụng tóc nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Phượng, trong một nghiên cứu mới nhất cho biết, có đến trên 50 triệu người trên thế giới bị trầm cảm lo âu trong đại dịch COVID-19. Chính điều này đã làm trầm trọng thêm bệnh lý liên quan đến stress, trong đó có rụng tóc.

“Rụng tóc gây ra stress, còn stress gây ra rụng tóc. Cái vòng luẩn quẩn này đã làm cho cả 2 tình trạng trên ngày càng trầm trọng thêm. Để cắt đứt cái vòng luẩn quẩn trên là điều không phải đơn giản”, bác sĩ Phượng nói.

Bên cạnh đó, trong đại dịch COVID-19, do tính chất lây lan quá nhanh, Nhà nước đã đề ra các chính sách phong tỏa, cách ly, hạn chế di chuyển, hạn chế tiếp xúc… Cùng với đó là bệnh thì diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong cao đã gây ra một tác động tâm lý đối với những người dân, kể cả những người không mắc COVID-19.

“Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những bệnh nhân đến khám vì rụng tóc trong 6 tháng xảy ra đại dịch COVID-19 cao gấp 3 lần so với 6 tháng trước khi xảy ra đại dịch. Điều này chứng tỏ đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con người rất nhiều, nhất là ảnh hưởng đến những đối tượng mắc COVID-19”, bác sĩ Phượng cho biết.

Nam giới bị hói đầu dễ bị bệnh nặng và tử vong

Theo bác sĩ Phượng, chu kỳ phát triển của tóc có 3 giai đoạn chính gồm: anagen, catagen và telogen. Trong đó, anagen là giai đoạn tăng trưởng, các tế bào phân bào liên tục nên tóc sẽ dài ra. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 6 năm, chiếm số lượng khoảng 90 đến 95% sợi tóc.

Giai đoạn catagen chiếm tỷ lệ khoảng 2% số lượng tóc và chỉ kéo dài 2 đến 3 tuần. Đây là giai đoạn chuyển tiếp, các nang tóc co lại, tách khỏi nhú bì, thiếu máu nuôi, nhưng tóc vẫn chưa rụng. Đến giai đoạn telogen thì tóc bắt đầu thiếu chất dinh dưỡng và bắt đầu rụng. Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 3 tháng, chiếm tỷ lệ từ 10 đến 15% các sợi tóc.

Bất kỳ một yếu tố nào tác động vào quá trình phát triển của nang tóc đều làm cho giai đoạn anagen ngắn lại, kéo dài giai đoạn telogen nên gây ra tình trạng rụng tóc.

Phân tích của bác sĩ Phượng về rụng tóc cho thấy, có 4 loại rụng tóc anagen thường gặp gồm: hóa trị gây độc tế bào, khởi phát rụng tóc nhanh, hầu như da đầu không thấy nang tóc; rụng tóc androgen; rụng tóc từng vùng; rụng tóc telogen.

Trong đó, loại rụng tóc androgen là do gen quyết định và tương tác do nhiều yếu tố. “Trong đại dịch COVID-19 các nhà nghiên cứu phát hiện nam giới bị hói đầu mắc COVID-19 có tỷ lệ bệnh nặng, và tử vong cao hơn rất nhiều so với nữ. Điều này đặt ra giả thuyết rằng, liệu vai trò của androgen trong nhiễm COVID-19, thuốc kháng androgen có hiệu quả trong việc điều trị COVID-19 hay không? Tuy nhiên giả thuyết này không giải thích được vì những người lớn tuổi, tình trạng androgen giảm đi rất nhiều”, bác sĩ Phượng cho biết.

Đối với rụng tóc telogen, bác sĩ Phượng cho biết, đây là loại rụng tóc ở những bệnh nhân sau khi mắc COVID-19. Loại rụng tóc này là do stress, chấn thương, dinh dưỡng… Rụng tóc telogen được miêu tả là rụng tóc lan tỏa, không có sẹo, do rút ngắn giai đoạn androgen, bệnh tự giới hạn, thường diễn biến cấp tính dưới 6 tháng.

Có 5 cơ chế rụng tóc telogen gồm: rời anagen ngay lập tức; trì hoãn giai đoạn anagen; rời telogen ngay lập tức; giai đoạn anagen quá ngắn và kéo dài giai đoạn telogen. “Cơ chế rời anagen ngay lập tức thường gặp trong sốt cao, đặc biệt là trong COVID-19, rụng tóc theo cơ chế này là do các cytokine làm chết tế bào theo chương trình, khiến nang tóc sẽ vào giai đoạn telogen rất sớm”, bác sĩ Phương giải thích.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nam giới bị hói đầu mắc COVID-19 dễ bị bệnh nặng và tử vong cao