Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố nhiệm vụ nghiên cứu sự hình thành các ngôi sao bằng cách sử dụng kính viễn vọng treo trên một quả khí cầu kích thước lớn bằng sân bóng, hoạt động ở tầng bình lưu.
Kính viễn vọng mang tên ASTHROS, có thể quan sát ánh sáng hồng ngoại xa vốn bị bầu khí quyển Trái đất cản lại. Ánh sáng hồng ngoại xa có bước sóng dài mà mắt người không nhìn thấy được.
Để thực hiện nhiệm vụ, ASTHROS cần lên đến gần 40.000 mét - chưa tới ranh giới của vũ trụ nhưng đã vượt khỏi bầu khí quyển. Quả khí cầu rộng 122 mét sẽ giúp đưa kính viễn vọng đến độ cao này.
Mục tiêu nghiên cứu là hai vùng hình thành ngôi sao thuộc thiên hà Milky Way, thiên hà Messier 83 cùng ngôi sao trẻ tên TW Hydrae. ASTHROS sẽ lập bản đồ 3D mật độ, tốc độ, chuyển động của khí ở những khu vực này để tìm hiểu rõ về hiện tượng “hồi dưỡng” (stellar feedback) có thể là yếu tố chính trong hình thành ngôi sao xuyên suốt lịch sử vũ trụ.
Kỹ sư Jose Siles, người đứng đầu dự án cho biết: “Nhiệm vụ dùng khí cầu như ASTHROS có rủi ro nhưng thành quả thu được cao hơn, chi phí lại thấp hơn nhiệm vụ không gian thông thường”.
NASA mỗi năm triển khai 10-15 khí cầu, tuy nhiên chưa nhiệm vụ nào mang kính viễn vọng cỡ lớn như ASTHROS. Dự kiến khí cầu sẽ được phóng vào năm 2023, di chuyển bằng gió ở tầng bình lưu và hoàn thành 2-3 vòng quanh Nam cực trong 3 hoặc 4 tuần.
Cẩm Bình (theo USA Today)