Ngày 20.4, quân đội Nga báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat mới nhất.

Nga thử tên lửa đạn đạo liên lục địa

Cẩm Bình | 21/04/2022, 08:25

Ngày 20.4, quân đội Nga báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat mới nhất.

Sarmat được phóng đi từ vùng Plesetsk tây bắc nước Nga, đánh trúng mục tiêu ở bán đảo Kamchatka cách đó gần 6.000 km. Tổng thống Putin phát biểu sau khi nghe báo cáo: “Tổ hợp tên lửa mới có các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật tốt nhất, đủ sức xuyên thủng tất cả phương tiện phòng thủ hiện đại. Hiện không có và sẽ không có vũ khí tương tự trong thời gian dài. Loại vũ khí độc đáo này giúp tăng cường năng lực chiến đấu của lực lương vũ trang Nga, đảm bảo an ninh cho Nga trước mối đe dọa bên ngoài, khiến những ai cố gắng đe dọa đất nước chúng ta phải suy nghĩ lại”.

sarmat.jpg
Hình ảnh vụ thử tên lửa Sarmat - Ảnh: Reuters

Nga đã tập trung phát triển Sarmat từ năm 2009, những hình ảnh đầu tiên về tên lửa được công bố vào năm 2016. Tên lửa có thể mang được đầu đạn hạt nhân 40 triệu tấn – mạnh gấp 2.000 lần hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Tầm bay dự kiến của Sarmat là 10.000 km, cho phép Moscow tấn công vào London, các thành phố lớn ở châu Âu và thậm chí vươn đến bờ tây lẫn bờ đông nước Mỹ. Ngoài ra còn có tin đồn cho biết tên lửa còn được trang bị cả công nghệ tàng hình để vượt qua tất cả các hệ thống radar.

ICBM nêu trên không phải vũ khí gây bất ngờ với phương Tây nhưng vũ thử lại diễn ra vào thời điểm cực kỳ căng thẳng: xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Lúc tuyên bố phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin từng đề cập đến lực lượng hạt nhân của Nga đồng thời cảnh báo bất cứ nỗ lực nào cản đường họ sẽ dẫn đến hậu quả chưa từng thấy.

Vài ngày sau đó Tổng thống Putin còn hạ lệnh đặt lực lượng hạt nhân Nga vào trạng thái sẵn sàng cao. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vào tháng trước nhận định: “Viễn cảnh xung đột hạt nhân từng là điều không tưởng giờ đây đã trở thành nguy cơ có thể xảy ra”.

Học giả Jack Watling thuộc tổ chức nghiên cứu RUSI cho rằng vụ thử Sarmat nhằm mục đích phô diễn thành tựu công nghệ quân sự trước thềm Ngày Chiến thắng 9.5 – kỷ niệm chiến thắng hoàn toàn của các nước thuộc phe Đồng minh trước phát xít Đức năm 1945.

Còn theo tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko, đây là thông điệp gửi đến phương Tây rằng Nga đủ sức tung đòn trừng trị bất cứ quốc gia nào xâm phạm an ninh đất nước và người dân Nga.

Xung đột quân sự đã kéo dài gần 2 tháng, hiện tại trọng điểm giao tranh chuyển sang khu vực phía đông Ukraine. Phía Ukraine ngày 20.4 đề nghị đàm phán vô điều kiện với Nga tại Mariupol nhằm sơ tán binh sĩ và dân thường khỏi thành phố cảng bị bao vây này.

Bài liên quan
Ukraine nghiên cứu mảnh vỡ tên lửa mới của Nga
Hãng Reuters đưa tin các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik mà Nga vừa sử dụng để không kích Dnipro tuần trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga thử tên lửa đạn đạo liên lục địa