Dù đã được các bác sĩ đặt thẩm phân màng bụng nhưng bé trai 9 tuổi bị suy thận mạn vẫn không được cải thiện,tình trạng bệnh ngày càng xấu. Thấy con ngày càng kiệt quệ, người cha quyết định hiến quả thận để cứu con.
Ngày 7.4, TS-BS Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây đã phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận thành công cho bé trai người dân tộc Chăm từ quả thận của người cha.
Bé trai là cháu T.V.M (9 tuổi, dân tộc Chăm, ngụ tỉnh Bình Thuận) được phát hiện suy thận vào đầu năm 2020. Lúc ấy, gia đình thấy bé xanh xao, ăn uống kém, khó ngủ về đêm, nhất là hay than mệt khi leo dốc.
Sau khi được phát hiện suy thận mạn, bé M. được đặt thẩm phân màng bụng (thẩm phân phúc mạc), nhưng tình trạng sức khỏe của bé ngày càng xấu dần, bé tiểu ít và không còn đủ sức khỏe để đi học nên đành phải nghỉ học.
Nhìn con trai ngày càng tiều tụy và đang chết dần chết mòn, anh T.M.T (37 tuổi, cha bé) đã quyết định hiến một quả thận của mình với hy vọng giúp con trở lại cuộc sống bình thường.
Sau nhiều lần hội chẩn và đánh giá tình trạng thận cũng như sức khỏe của người cho và nhận, ngày 23.3.2021, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật ghép thận cho bé trai.
“Do thăm khám và hội chẩn nhiều lần nên các bác sĩ đã phát hiện được tĩnh mạch chậu ngoài của bệnh nhi bị teo hẹp từ trước mổ, ê kíp thực hiện đã khéo léo di chuyển miếng nối tĩnh mạch lên tĩnh mạch chậu bụng và thành công trong phẫu thuật nối ghép. Sau 5 giờ phẫu thuật, ca ghép thận được thực hiện thành công. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã được hồi phục. Dự kiến sau 6 tháng nữa bệnh nhi có thể đi học trở lại bình thường .Riêng người cha đã hoàn toàn khỏe mạnh sau 24 giờ cho thận”, bác sĩ Thạch cho biết.
Theo bác sĩ Thạch, ca ghép này gặp rất nhiều khó khăn, do bé chỉ cao 1m, quả thận nhỏ; còn người cha lớn, thận to gấp đôi nên để đưa khối thận lớn này vào bụng bệnh nhi là điều không dễ dàng.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, người được ghép thận đầu tiên mà bệnh viện thực hiện từ năm 2004 đến nay vẫn còn sử dụng được thận ghép. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và một số yếu tố khách quan, việc ghép thận của Bệnh viện Nhi đồng 2 bị chậm lại trong năm 2019 và 2020.
“Đây là ca ghép thứ 19, đánh dấu bước đầu bệnh viện tiến lên trong công tác tự chủ ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung. Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng trong công tác từ thiện, trợ giúp xã hội, vì hầu hết bệnh nhân suy thận mạn trẻ em đều có hoàn cảnh khó khăn, trong khi kinh phí ghép thận bảo hiểm không chi trả hết, phần đóng chênh lệch vượt khả năng tài chính của gia đình bệnh nhân, bệnh viện cũng không có kinh phí để thực hiện, nếu như không có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm”, bác sĩ Thạch cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, ghép thận đồng loại, đặc biệt là ghép thận cho trẻ em, có ý nghĩa rất lớn, vì trẻ em cần nhiều thời gian để sử dụng thận ghép. Ghép thận giúp đứa bé trở về cuộc sống gần như bình thường so với các phương pháp điều trị thay thế khác (lọc máu hoặc phân phúc mạc).