Theo Đạo luật Chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ được lưỡng viện Mỹ thông qua, Tổng thống Mỹ được yêu cầu áp đặt biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc bị cáo buộc "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".
Bên cạnh đó, một số loại hàng hóa như bông, cà chua, polysilicon (nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất pin năng lượng mặt trời) được coi là những hàng hóa "ưu tiên cao" trong hành động cấm nhập khẩu của Mỹ.
Phản ứng trước động thái này của chính phủ Mỹ, các tập đoàn lớn kinh doanh tại Tân Cương như Nike, Coca-Cola và Apple đã chỉ trích đạo luật này vì yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra bằng chứng xác minh hoạt động sản xuất không liên quan lao động cưỡng bức.
Trong khi đó, người đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc đạo luật được ông Biden ký ban hành "phớt lờ sự thật, và cố tình vu không tình hình nhân quyền" của Trung Quốc.
"Đạo luật này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24.12 tuyên bố.
Phát ngôn viên cho rằng cáo buộc không đúng sự thật, trong khi "phát triển kinh tế và ổn định xã hội của Tân Cương được cả thế giới công nhận".
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ sửa chữa sai lầm ngay lập tức. Trung Quốc sẽ có thêm phản ứng tùy theo diễn biến tình hình", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay nhưng không nói rõ các biện pháp phản đáp trả cụ thể.
Được biết các chuyên gia và nhóm nhân quyền của Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 1 triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong những năm gần đây trong một hệ thống "trại cải tạo" rộng lớn ở khu vực Tân Cương.
Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và phản bác sự can thiệp của Mỹ vào "công việc nội bộ", đồng thời cam kết bảo vệ các doanh nghiệp của mình trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.