Chưa đầy một tuần sau khi Đức đồng ý cung cấp cho Kyiv xe chiến đấu bộ binh Marder, Berlin đang nhận nhiều kêu gọi gửi thêm xe tăng chiến đấu hiện đại tới Ukraine.

Pháp và Ba Lan hối Đức gửi xe tăng hạng nặng cho Ukraine

Hoàng Vũ | 10/01/2023, 14:22

Chưa đầy một tuần sau khi Đức đồng ý cung cấp cho Kyiv xe chiến đấu bộ binh Marder, Berlin đang nhận nhiều kêu gọi gửi thêm xe tăng chiến đấu hiện đại tới Ukraine.

Pháp và Ba Lan đang thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất EU trang bị cho Kyiv loại xe tăng Leopard 2 mạnh mẽ, trong khi Anh được cho là đang cân nhắc gửi khoảng một chục xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 tới Ukraine. Nếu Anh làm như vậy, điều này sẽ khiến Berlin khó thể từ chối yêu cầu trên.

Gần 1 năm sau cuộc chiến tại Ukraine, các nhà phân tích quân sự phương Tây lo ngại Moscow sẽ phát động một cuộc tấn công mới trong vài tuần hoặc vài tháng tới, tận dụng cơ hội nguồn dự trữ đạn dược của Kyiv đang cạn kiệt.

Việc cung cấp các xe tăng hiện đại của phương Tây như Leopard 2 sẽ là một động lực lớn cho quân đội Ukraine, vì các đồng minh của Kyiv cho đến nay chỉ sẵn sàng gửi các xe tăng cũ, các hệ thống vũ khí như lựu pháo và phòng không từ thời Liên Xô vốn tồn trong kho của các nước Đông Âu, cũng như các nước khác.

Một quan chức Pháp nói với Politico rằng Paris đang thúc giục Đức với hy vọng đạt được một thỏa thuận từ Berlin để gửi xe tăng Leopard tới Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh Pháp - Đức vào ngày 22.1, nhân kỷ niệm 60 năm hiệp ước đối tác Elysee giữa hai quốc gia.

xe-tang-duc.png
Xe tăng Leopard 2 của Đức - Ảnh: Getty

Áp lực tương tự đang đến từ Ba Lan, quốc gia muốn thành lập một liên minh rộng rãi giữa các đối tác phương Tây để cùng bàn giao Leopards cho Ukraine. “Chúng tôi khuyến khích các quốc gia khác thành lập một liên minh rộng rãi để chuyển giao các loại xe tăng hiện đại hơn cho Ukraine, chẳng hạn như xe tăng Leopard”, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Paweł Jablonski nói với đài phát thanh công cộng Ba Lan hôm 9.1.

Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hy Lạp, Đan Mạch và Phần Lan nằm trong số nhiều quốc gia đã sử dụng xe tăng Leopard 2, mỗi chiếc nặng khoảng 60 tấn, được trang bị pháo 120mm cũng như hệ thống phòng thủ và áo giáp tối tân. Các đồng minh này có thể hỗ trợ nhau trong việc cung cấp cả xe tăng và đạn dược cần thiết, đồng thời hợp tác bảo trì và sửa chữa.

“Người Ukraine thực sự muốn có Leopard vì loại này đang tồn rất nhiều trên khắp châu Âu”, một quan chức Pháp giấu tên cho biết.

Tuy nhiên, vì những chiếc tăng Leopard được sản xuất bởi Công ty quốc phòng Krauss-Maffei Wegmann có trụ sở tại Munich (Đức), nên việc vận chuyển chúng tới Ukraine cần có giấy phép tái xuất khẩu của nước xuất xứ - Đức, đồng nghĩa với chuyện áp lực quốc tế tập trung vào Berlin.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuần trước nói với các phóng viên rằng “Ba Lan chỉ có thể bàn giao Leopards trong một liên minh xe tăng giữa các quốc gia”, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán với nước khác về việc thành lập một liên minh như vậy đang diễn ra.

“Tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vài tuần trước tại Brussels và tôi nghĩ chúng ta có thể biết thêm về liên minh mới trong vài ngày tới”, ông Morawiecki nói.

Khi được hỏi về yêu cầu của các đối tác như Ba Lan để thành lập một liên minh xe tăng, một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết "không biết về bất kỳ yêu cầu nào như vậy vào lúc này", nhưng nhấn mạnh "Berlin sẽ liên tục đánh giá lại tình hình và sau đó dựa trên quan điểm quốc tế chặt chẽ để phối hợp giải quyết các vấn đề”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5.1 đã đưa ra một tuyên bố chung rằng hai nước đã gửi 40 chiếc xe bọc thép Marder (Đức) và khoảng 50 chiếc Bradley của Mỹ tới Ukraine. Trước đó, Pháp cũng đã đồng ý gửi hàng chục xe bọc thép cho Kyiv.

Trong khi các quan chức Đức khẳng định thông báo chung Mỹ - Đức là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, song một số nhà quan sát cho rằng Berlin chỉ đưa ra quyết định một cách miễn cưỡng trong bối cảnh áp lực quốc tế ngày càng tăng. Chỉ vài tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht khẳng định Berlin sẽ không thể gửi bất kỳ chiếc Marder nào tới Ukraine, vì Đức cũng cần chúng cho quân đội của mình.

Người phát ngôn của chính phủ Đức hôm 9.1 nói rằng một trong những mục tiêu chính của Berlin vẫn là tránh trở thành một bên tham gia tích cực vào cuộc chiến, đồng thời cho biết việc chuyển giao Leopard khó có thể trở thành “bước đi hợp lý tiếp theo” sau quyết định gửi xe tăng Marder.

Cùng ngày, theo hãng tin Der Spiegel của Đức, chính phủ Anh đang xem xét cung cấp khoảng một chục xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, điều này sẽ khiến Anh trở thành quốc gia đầu tiên hỗ trợ Kyiv loại xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây.

Bài liên quan
OpenAI định phát triển trình duyệt web kết hợp với ChatGTP trước khi Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất Google bán Chrome
OpenAI gần đây đã cân nhắc phát triển trình duyệt web kết hợp với chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGTP của mình và thảo thuận về các nhà phát triển để hỗ trợ tính năng tìm kiếm, trang The Information đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
31 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp và Ba Lan hối Đức gửi xe tăng hạng nặng cho Ukraine