Bộ GD-ĐT đang thẩm định để lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới lớp 2 và lớp 6 nhằm tiếp nối triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong buổi gặp gỡ với báo chí cuối tuần qua, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Trung Thành cho biết: SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ được góp ý 3 đợt trước khi phát hành.
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD-ĐT về việc tổ chức cử giáo viên tham gia góp ý SGK lớp 2, lớp 6. Trong đó, đợt một, mỗi sở GD-ĐT chọn cử 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK qua trang thông tin điện tử của các nhà xuất bản. Sau đó, các địa phương tổng hợp góp ý, báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 10.12.
Rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định SGK lớp 1 mới trong thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện một số điều chỉnh quan trọng trong khâu thẩm định nhằm bảo đảm chất lượng các bộ sách đưa vào triển khai. Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng ở trong công tác thẩm định SGK.
Thứ nhất là kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK. Trước đây, các nhà xuất bản, tác giả chủ động phối hợp tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD- ĐT để công tác này đạt hiệu quả hơn, tốt hơn nữa. Các Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học hướng dẫn cho toàn bộ giáo viên được phân công dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 vào trang thông tin điện tử của các nhà xuất bản để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện sau góp ý đợt một.
Thứ hai là tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản gửi tới Bộ GD- ĐT để thẩm định. Theo đó các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK. Qua “vòng lọc” đầu tiên này, nhà xuất bản mới gửi bản mẫu SGK hoàn thiện lên Bộ GD- ĐT. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sau đó sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK tốt hơn. Các cơ sở giáo dục đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu SGK vào sinh hoạt tổ chuyên môn để nghiên cứu, góp ý thêm.
Thứ ba sẽ đăng mạng bản mẫu SGK dạng pdf để xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tìm hiểu, góp ý một lần nữa các bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên trang thông tin điện tử trước khi in và phát hành.
Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.