Singapore sẽ chính thức tăng thuế dịch vụ hàng hóa (GST) từ 8% lên 9% kể từ ngày 1.1.2024.
Thị trường và chính sách

Singapore tăng thuế dịch vụ hàng hóa, cơ hội cho Việt Nam

Tuyết Nhung 18/12/2023 14:20

Singapore sẽ chính thức tăng thuế dịch vụ hàng hóa (GST) từ 8% lên 9% kể từ ngày 1.1.2024.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore sáng 18.12 thông tin, mới đây cơ quan quản lý doanh thu nội địa của Singapore đã ban hành hướng dẫn cho các doanh nghiệp chịu thuế GST năm 2024 và có thông báo về việc tăng thuế GST của Singapore lên 9% bắt đầu từ ngày 1.1.2024.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định trong thời gian dài, nhưng hiện tại Singapore cũng như nhiều quốc gia khác đang phải chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng từ sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, ngân sách dành cho chi tiêu chăm sóc sức khỏe người dân, đối phó với biến đổi khí hậu, chi phí vận tải và các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác ngày càng tăng.

Thuế GST là nguồn thu chính và bền vững để phục vụ cho các dịch vụ công, hỗ trợ xã hội nói trên. Từ năm 2022, Bộ Tài chính Singapore đã thông báo lộ trình tăng thuế GST sau 15 năm giữ mức thuế này không đổi ở mức 7% (kể từ năm 2007). Theo đó, thuế GST của Singapore đã tăng từ 7% lên 8% vào ngày 1.1.2023 và sẽ tiếp tục tăng lên thành 9% vào ngày 1.1.2024.

Theo các chuyên gia, việc Singapore tăng thuế GST lên 9% có thể làm suy giảm trong chi tiêu dùng: Thuế GST tăng sẽ dẫn đến giá chung của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường cũng tăng lên, gây tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các hàng hóa xa xỉ. Người dân sẽ cân nhắc chi tiêu ít đi hoặc tìm kiếm những sản phẩm có giá thành phải chăng và chất lượng vừa phải hơn.

Bên cạnh đó, quyết định tăng thuế GST cũng sẽ làm gia tăng áp lực chi phí lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore. Việc tăng thuế GST sẽ tác động sâu hơn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp thuộc nhóm này đang phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng về lực lượng lao động, logistics và năng lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khi họ buộc phải tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc tìm kiếm nguồn cung, đối tác khác để có mức giá đầu vào thấp hơn, đảm bảo công việc kinh doanh.

Thậm chí, thuế GST tăng cũng sẽ làm lạm phát tăng. Tuy nhiên, theo tính toán của Chính phủ Singapore thì lạm phát sẽ được kiểm soát với lộ trình tăng thuế GST theo giai đoạn như hiện nay.

Trước tình hình chi phí cho sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt gia tăng, Thương vụ Việt Nam tại Singapore dự đoán xu hướng tiêu dùng của đại đa số người dân Singapore trong thời gian tới sẽ thắt chặt hơn. Các doanh nghiệp nước này, về lâu dài, sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các nhà cung cấp với mức giá phải chăng hơn. Do đó, Việt Nam sẽ là một trong số những nhà cung cấp mà doanh nghiệp Singapore rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn hợp tác dài hạn.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore đề nghị Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, trưng bày, tăng sự hiện diện các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Singapore. Đồng thời, cần tạo điều kiện tổ chức các đoàn giao thương, làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, đầu tư công nghiệp và dịch vụ; qua đó góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Singapore.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 24 tỉ SGD. Trong đó, hàng loạt nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Singapore có mức tăng trưởng rất mạnh, thậm chí đột biến. Điển hình như: sắt thép tăng 17,78 lần, xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ tăng gần 120 lần.

Đáng chú ý, trong tháng 10.2023, Việt Nam có 2 nhóm ngành hàng xuất khẩu tiếp tục giữ được mức tăng trưởng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật trong đó là nhóm hàng dầu thực động vật, chất béo (tăng 136,91%); muối, lưu huỳnh, đất và đá, thạch cao, vôi và xi măng (tăng 133,49%).

Bên cạnh đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore cũng có mức tăng nhẹ. Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng nhẹ ở mức 1,55%; lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên giảm 13,02%.

Đánh giá tình hình thương mại giữa Việt Nam và Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết kim ngạch thương mại giữa hai nước đang có nhiều tín hiệu tích cực. Sau khi sụt giảm trong tháng 9, đến tháng 10.2023, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tăng trưởng khá tốt. Với mức tăng này, thương vụ kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Singapore sẽ có nhiều triển vọng tháng cuối năm.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn trong thời gian tới, thương vụ sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày hàng hóa, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tăng cường kết nối giao thương, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore.

Thương vụ Việt Nam cam kết luôn hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động tiếp cận, chào hàng và trưng bày sản phẩm ở các sự kiện tại Singapore; hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam

Bài liên quan
Singapore treo cổ nữ phạm nhân đầu tiên sau 19 năm vì buôn ma túy
Singapore đã tiến hành hình phạt tử hình đối một phụ nữ vào hôm 28.7 vì tội buôn bán ma túy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Singapore tăng thuế dịch vụ hàng hóa, cơ hội cho Việt Nam