Hôm 12.8, Campuchia đã bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 trong chương trình sức khỏe cộng đồng được đổi mới sau khi triển khai tiêm cho hơn một nửa dân số của mình.
Campuchia đang cung cấp vắc xin AstraZeneca như mũi tiêm thứ ba cho những người đã nhận vắc xin bất hoạt do Sinopharm và Sinovac phát triển, với mục đích tăng cường khả năng miễn dịch chống lại biến thể Delta.
“Điều này là để tất cả chúng ta cùng nhau chiến đấu và nếu tất cả tiêm phòng thì có thể ngăn chặn sự lây lan. Nó có thể ngăn ngừa các bệnh nặng cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng, vì vậy chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc điều trị hoặc cứu sống họ”, y tá Touch Phavana (56 tuổi), người đang được tiêm liều vắc xin thứ ba, cho biết.
Campuchia đã ghi nhận gần 84.000 ca mắc COVID-19 với hơn 1.600 trường hợp tử vong.
Quốc gia Đông Nam Á đã tiêm ít nhất một liều vắc xin cho nửa dân số của mình, với việc ngoại giao vắc xin đóng vai trò quan trọng trong thành công đó.
Người được ưu tiên tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba là nhân viên y tế, nhân viên chính phủ và nhân viên tuyến đầu.
Campuchia đã được hưởng lợi từ dân số tương đối nhỏ, chỉ hơn 16 triệu người, và tình trạng thu nhập thấp nên đủ điều kiện cho sáng kiến chia sẻ vắc xin COVAX.
Campuchia đã nhận được sự tài trợ vắc xin từ Trung Quốc và mới đây là Nhật Bản, Anh, Mỹ.
“Tôi hy vọng rằng khi chúng tôi hoàn thành liều vắc xin thứ ba này, trước hết chúng tôi có thể mở lại trường học cho con cái học trên lớp trở lại, để chúng tôi có được lực lượng lao động trở lại”, Try Sokhim, nhân viên ngân hàng 26 tuổi, chia sẻ.
Campuchia đã triển khai các máy bay trực thăng của lực lượng không quân để vận chuyển vắc xin đến các vùng sâu vùng xa trong một nỗ lực phối hợp nhằm đảm bảo rằng tất cả những người đủ điều kiện, dù họ ở đâu, đều được tiêm vắc xin chống lại COVID-19, đặc biệt là khi biến thể Delta trở nên rất dễ lây lan và tấn công hầu hết những người chưa được tiêm chủng, theo các nghiên cứu và phát hiện tại Mỹ.
Hướng tới mục tiêu này, chính phủ Campuchia đã chuyển sang thực hiện mũi tiêm nhắc lại thứ ba cho công nhân ở các tỉnh giáp biên giới với Thái Lan để tăng cường khả năng miễn dịch vì một số nhân viên y tế ở các tỉnh này đã nhiễm biến thể Delta.
Hôm 31.7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố mới về tình hình COVID-19 ở Campuchia, đặc biệt là biến thể Delta.
WHO cho biết: "Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Số ca mắc và tử vong do COVID-19 được xác nhận hàng ngày vẫn còn cao ở Campuchia, quốc gia đang trong giai đoạn lây truyền giai đoạn 2 với vi rút lưu hành rộng rãi trong cộng đồng. Biến thể Delta đã được phát hiện trong số những người di cư trở về qua biên giới đất liền và đang ở trong cộng đồng địa phương. Biến thể Delta lây lan nhanh hơn các biến thể từng biết khác. Nó là biến thể dễ truyền nhất được biết đến cho đến nay. Ở nhiều quốc gia, nó đã nhanh chóng thay thế các biến thể lưu hành khác dẫn đến gia tăng các ca bệnh và số ca nhập viện. Biến thể Delta đang gây ra sự tàn phá trên toàn cầu và nhiều biến thể khác - với khả năng thậm chí còn nguy hiểm hơn - sẽ xuất hiện nếu chúng ta không ngăn chặn vi rút".
Trong tuyên bố của mình, WHO nói rằng thời gian là cốt lõi trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Campuchia.
“Chúng ta đang chạy đua với các biến thể mới. Chúng ta phải hành động ngay hôm nay và chúng ta phải hành động nhanh chóng để không phải hối tiếc vào ngày mai”, Tiến sĩ Li Ailan, Trưởng đại diện WHO tại Campuchia, cho biết.
WHO ca ngợi hành động của Chính phủ Campuchia trong việc phong tỏa 8 tỉnh biên giới và áp đặt lệnh giới nghiêm ở các thành phố: "Campuchia đang ở một thời điểm quan trọng. Chính phủ đã thực hiện một số quyết định cứng rắn bao gồm việc phong tỏa ở 8 tỉnh biên giới và phát động chiến dịch quốc gia như những bước quan trọng trong việc chống lại đại dịch, đặc biệt là để đối phó với biến thể Delta".
Theo trang Khmer Times, sau khi đảm bảo có hơn 26 triệu liều vắc xin, Campuchia hiện đã đặt lại mục tiêu là tiêm chủng cho hơn 13 triệu người, chiếm hơn 80% dân số.
Về mục tiêu tiêm chủng ban đầu là 10 triệu người, Campuchia dự kiến sẽ đạt được trong tháng này, trừ bất kỳ sự cố không mong muốn nào.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Youk Sambath, tính đến giữa tháng 8.2021, Campuchia dự kiến sẽ nhận được tổng cộng khoảng 26 triệu liều vắc xin COVID-19 thông qua việc mua và được viện trợ.
Ngoài vắc xin Sinopharm và Sinovac chiếm đa số, Campuchia gần đây có thêm vắc xin AstraZeneca, Johnson & Johnson (tiêm 1 mũi) do COVAX và Nhật Bản tài trợ hay mua từ Mỹ.