Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đầu năm giảm, việc tìm khách vay đang là bài toán khó của các ngân hàng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tăng trưởng tín dụng đầu năm giảm, ngân hàng 'đỏ mắt' tìm khách vay

Tuyết Nhung 17:52 20/02/2024

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đầu năm giảm, việc tìm khách vay đang là bài toán khó của các ngân hàng.

Ngân hàng "đỏ mắt" tìm khách vay

Chia sẻ về tình hình cầu tín dụng đầu năm mới giảm, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết về triển khai công tác tín dụng từ đầu năm ngân hàng đã tập trung triển khai 2 giải pháp. Thứ nhất, năm nay cơ chế tăng trưởng tín dụng rất đồng loạt, ngay từ đầu năm nên ngân hàng đã ra kế hoạch nên cho vay không có vướng mắc gì về mặt chỉ tiêu, về mặt lãi suất, về nguồn vốn,... chỉ có vướng mắc là có khách hàng để cho vay hay không.

tin-dung.jpg
Tăng trưởng tín dụng đầu năm có xu hướng giảm - Ảnh: IT

Từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Agribank đã giảm hơn 1%, nhưng bắt đầu từ ngày 15.1 lại tăng trở lại, đến nay đạt gần 1%. Doanh số cho vay tháng 1 đạt 276.000 tỉ đồng.

Về cho vay bất động sản, hiện tại ngân hàng Agribank đang cho vay hơn 200.000 tỉ đồng. Trong đó, về dư nợ kinh doanh bất động sản là hơn 20.000 tỉ đồng, dư nợ liên quan đến bất động sản là 185.000 tỉ đồng. Năm nay, dư nợ vẫn duy trì, không được tăng trưởng, biểu hiện đó là nguồn vốn của người dân gửi vào chứ không đầu tư.

Ông Vượng nói cho vay nông nghiệp tính phụ thuộc vào rủi ro để thành công là rất lớn, chỉ cần một mùa vụ không thành công là đẫn đến thất bại. Ông dự đoán thời gian tới sẽ có rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các khoản nợ cơ cấu đến hạn rất áp lực về xử lý nợ xấu. Với các dự án mới và dự án đang đầu tư, việc tháo gỡ những vướng mắc về luật đất đai, luật nhà ở,... của chính quyền địa phương còn rất chậm, nhiều dự án tồn đọng đến 1-2 năm. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có ý kiến với các bộ, ngành để thống kê lại.

"Về phía ngân hàng Agribank, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với các hiệp hội, các tổ chức tín dụng hay các doanh nghiệp để trực tiếp tìm ra khó khăn vướng mắc. Tôi đề xuất các bộ ngành sớm tháo gỡ như tôi đề xuất ở trên đó là dự án đang bị vướng mắc và dự án mới. Cuối cùng, Chính phủ đã có cam kết về Net Zero, tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước có những định hướng chung và tiêu chí về những ngành nghề để chúng tôi thực hiện và tư vấn đúng cho khách hàng", ông Vượng đề nghị.

Ông Trần Long - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, tổng dư nợ của toàn hệ thống BIDV đến thời điểm hết tháng 1.2024 đạt 1.725.000 tỉ đồng, giảm khoảng 1,25% so với cuối năm 2023, đây là mức giảm thường lệ như những năm trước.

Dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên mặc dù có giảm nhẹ so với cuối năm 2023 nhưng dư nợ trong lĩnh vực ưu tiên vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ. Cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 25%, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm 20%; công nghiệp hỗ trợ 6,3%, đặc biệt là cho vay ứng dụng công nghệ cao có sự tăng trưởng dư nợ tốt trong những tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 0.9% tổng dư nợ. Đối với lĩnh vực xăng dầu chiếm 41.000 tỉ đồng, khoảng 2,37% dư nợ toàn hệ thống, giảm 8% so với năm 2023 khoảng 3.500 tỉ đồng.

Dư nợ cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 22% trong tổng số dư nợ thuộc lĩnh vực bất động sản, chủ yếu tập trung cho vay các dự án phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đô thị. Trong năm 2023, ngân hàng tiếp tục làm giảm lãi suất, lãi suất bình quân cho vay VNĐ của BIDV giảm 0,25% so với cuối năm 2023, lãi suất cho vay bình quân là 7,3%; riêng lãi suất ngắn hạn chỉ còn 6,7%, lãi suất cho vay trung dài hạn là 8%, mức giảm tương đối sâu so với thời điểm giữa và cuối năm 2023.

Ông Long lý giải nguyên nhân giảm tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 là do việc sức hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2024 dự kiến đánh giá còn chậm và gặp nhiều khó khăn thách thức. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân,... còn chậm, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.

Số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh tăng 25% so với cùng kỳ, năng lực tài chính của doanh nghiệp bị giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm, các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 đến hạn trong năm 2024 và 2025, nên áp lực giảm nợ khi đến hạn sẽ rất lớn.

Lãnh đạo BIDV đề xuất Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cách thức công bố, cũng như định kỳ thời gian công bố mức lãi suất để các tổ chức tín dụng cập nhật kịp thời. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tìm kiếm môi trường kinh doanh mới. Tăng vốn tự có, từ đó tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét lại kéo dài thời hạn của Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024, tiếp tục nghiên cứu mức cho vay bằng các phương tiện điện tử với các khoản có rủi ro thấp.

Về phía Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành - nhìn nhận điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp. Vì vậy cần có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tiếp tục có các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đa dạng hóa nguồn cung, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Tóm lại, sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế. Trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao, VietinBank cam kết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước", ông Sơn nhấn mạnh

Trong khi đó, ông Hồ Nam Tiến - Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) - thông tin, tính đến 31.1.2024, lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng có dư nợ là gần 85.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 30% tổng dư nợ tín dụng của LPBank. Trong tháng 1, doanh số giải ngân vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 8.000 tỉ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính đến hết tháng 1.2024, dư nợ đạt gần 105.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 37% dư nợ,... Đây cũng là phân khúc khách hàng trọng tâm mà ngân hàng tập trung thúc đẩy để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, LPBank cũng tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực khác như: tín dụng xanh, cho vay hưu trí, tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với các dự án BT, BOT, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, nhà ở xã hội, các chương trình hỗ trợ khách hàng...

Ngân hàng Nhà nước không bao giờ siết tín dụng bất động sản

Tại hội nghị trực tuyến tín dụng ngân hàng sáng 20.2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng nhưng vẫn có thể giao thêm. Ngân hàng Nhà nước không có chỉ đạo thắt chặt tín dụng hay mở rộng tín dụng quá mức.

Trước những thống kê về tăng trưởng tín dụng đầu năm giảm các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt câu hỏi: "Tín dụng những tháng đầu năm giảm có phải do xu hướng hay quy luật hay do nguyên nhân nào khác?".

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh hiện nay, tín dụng còn gặp nhiều khó khăn bởi doanh nghiệp còn khó khăn, cầu đầu tư không tăng nhiều. Thông qua Tết, sức mua không cao, du lịch phát triển nhưng chưa đạt được kỳ vọng... tình hình quốc tế vẫn còn nhiều cái đang tháo gỡ. Đối phó với khó khăn này, tháo gỡ là trách nhiệm các ngành không riêng gì ngân hàng.

"Ngân hàng chỉ là vốn bổ sung chứ không phải là đảm bảo 100% vốn cho doanh nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn nhận định tín dụng là dòng vốn quan trọng", Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.

Chia sẻ về vấn đề lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay lãi suất là vấn đề luôn được quan tâm. Nếu thấp quá cũng không phải là hay vì lãi suất phải phù hợp với các chỉ tiêu chung của nền kinh tế, đặc biệt là tỷ giá. Tuy nhiên, ông cũng nhắc các ngân hàng phải tự xem lại xem lãi suất của các khoản cho vay trước đây liệu đã giảm chưa và yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay không để chênh lệch đầu vào lớn.

Về định hướng tín dụng năm nay, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng 15% có thể lên hoặc xuống. Lãi suất điều hành chưa có ý định thay đổi giảm hay tăng. Quan điểm Ngân hàng Nhà nước là giữ ổn định trong năm nay để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. "Đặc biệt, năm nay, Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát dòng vốn vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; giám sát dòng vốn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chứ không để ném tiền vào doanh nghiệp chết", ông Tú nói.

Về Thông tư 02 giãn nợ cho doanh nghiệp, ông Tú cho rằng cần thiết để xem xét gia hạn thêm nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ. "Nếu không làm đúng khách quan thì khó khăn của doanh nghiệp sẽ chuyển sang ngân hàng vì những khoản nợ tiếp tục được giãn, hoãn", ông Tú nói thêm.

Bài liên quan
Mức lãi suất ưu đãi cho vay nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn
Về gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội nhà đầu tư dự án đang được vay với mức lãi suất 8,7%/năm, người mua nhà vay với mức 8,2%/năm. Tuy nhiên mức lãi suất này chưa đủ hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng tín dụng đầu năm giảm, ngân hàng 'đỏ mắt' tìm khách vay