Tổng thống Joe Biden sẽ tìm cách tập hợp các nền dân chủ toàn cầu và đồng minh châu Âu để cùng nhau giải quyết một loạt mối quan ngại về Trung Quốc, nhưng không tìm kiếm một “Chiến tranh Lạnh mới”.

Thông điệp ông Biden ở hội nghị G7: Các đồng minh nên cùng nhau đối phó với Trung Quốc

Nhân Hoàng | 19/02/2021, 18:20

Tổng thống Joe Biden sẽ tìm cách tập hợp các nền dân chủ toàn cầu và đồng minh châu Âu để cùng nhau giải quyết một loạt mối quan ngại về Trung Quốc, nhưng không tìm kiếm một “Chiến tranh Lạnh mới”.

Một quan chức cấp cao chính quyền Biden tiết lộ điều này với Reuters.

G7 gồm 7 nền kinh tế phát triển là Mỹ, Anh, Canada, Đức, Nhật Bản, Pháp và Ý.

Tổng thống Biden sẽ tham dự cuộc họp đầu tiên với nhóm G7 để thảo luận về kế hoạch đánh bại COVID-19, mở cửa trở lại nền kinh tế thế giới đang bị tàn phá và đối phó với những thách thức do Trung Quốc đặt ra.

Đại dịch COVID-19 đã giết chết hơn 2,4 triệu người, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng sa sút tồi tệ nhất trong thời bình kể từ cuộc Đại suy thoái và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỉ người.

Tuyên thệ nhậm chức hôm 20.1 vừa qua, Tổng thống Biden sẽ sử dụng cuộc họp ảo với các nhà lãnh đạo châu Âu để cố gắng tái thiết lập Mỹ với tư cách là một bên tham gia đa phương sau 4 năm chia rẽ vì chính sách "Nước Mỹ trên hết" mà ông Donald Trump theo đuổi.

Tổng thống Biden sẽ đến mang theo những món quà - cam kết hỗ trợ 4 tỉ USD cho các nỗ lực tiêm vắc xin COVID-19 toàn cầu, việc Mỹ tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris và triển vọng về một biện pháp chi tiêu gần 2.000 tỉ USD có thể thúc đẩy cả nền kinh tế Mỹ lẫn toàn cầu.

thong-diep-ong-biden-o-hoi-nghi-g7.jpg
Thông điệp ông Biden gửi tới hội nghị G7, Munich: Các đồng minh nên cùng nhau đối phó với thách thức từ Trung Quốc

Ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo nhóm G7 từ Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản qua hội nghị truyền hình lúc 21 giờ 19.2 giờ Việt Nam, nhưng có kế hoạch tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tiếp do Anh tổ chức vào mùa hè này, theo Reuters.

Sau đó, Biden sẽ phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Hội nghị An ninh Munich, thường thu hút các nhà lãnh đạo hàng đầu toàn cầu.

Biden sẽ nhấn mạnh rằng các nền dân chủ, chứ không phải các chế độ chuyên quyền, cung cấp con đường tốt nhất cho thế giới, sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol Mỹ hôm ngày 6.1 bởi những người ủng hộ Trump đã làm rõ rằng nền dân chủ rất mong manh.

Ông ấy sẽ đưa ra một trường hợp cụ thể và tự tin rằng nền dân chủ là mô hình tốt nhất để đáp ứng những thách thức của thời đại chúng ta. Dân chủ không xảy ra một cách tình cờ. Chúng ta cần chiến đấu vì nó”, quan chức cấp cao chính quyền Biden nói.

Thách thức từ Nga và Trung Quốc

Ông Biden sẽ đưa ra quan điểm của mình rằng các nền kinh tế thị trường và nền dân chủ lớn phải hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức do đối thủ cạnh tranh như Nga và Trung Quốc gây ra, cũng như các thách thức xuyên quốc gia từ phổ biến hạt nhân đến biến đổi khí hậu và an ninh mạng.

Tổng thống Mỹ sẽ nói cụ thể về "hành động ác ý" và hành động phối hợp mà ông tin rằng Nga đã thực hiện để gây mất ổn định và phá hoại nền dân chủ ở Mỹ, châu Âu cùng các nơi khác, đồng thời sẽ kêu gọi các đồng minh giữ vững lập trường cùng Washington.

Nga đã nhiều lần phủ nhận mọi hành động như vậy.

Với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Biden sẽ thúc giục các nền dân chủ hợp tác để đẩy lùi các thực tiễn và chính sách của chính phủ nước này mà ông sẽ mô tả là "lạm dụng kinh tế và đi ngược lại các giá trị của chúng ta".

Nhà Trắng đang xem xét chính sách của Trung Quốc trên nhiều mặt trận, bao gồm xây dựng quân đội và các chính sách thương mại, các hành động của họ ở Hồng Kông, đối xử với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và xử lý đợt bùng phát coronavirus.

"Ông Biden sẽ nói rõ trong bài phát biểu rằng không tìm kiếm sự đối đầu, không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng mong đợi sự cạnh tranh gay gắt và ông hoan nghênh nó", quan chức chính quyền Biden tiết lộ.

Về thách thức do chương trình hạt nhân của Iran đặt ra, Biden sẽ nói rằng Mỹ mong muốn tái tham gia ngoại giao trong bối cảnh nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran mà Trump đã từ bỏ.

Về mặt kinh tế, ông Biden sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo G7 khác tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế của họ để thúc đẩy và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.

Nỗi sợ hãi không phải là chúng ta làm quá nhiều, mà là chúng ta làm quá ít. Đây là kỷ nguyên cho hành động, đầu tư chứ không phải thắt lưng buộc bụng và đó sẽ là một phần quan trọng của thông điệp”, quan chức chính quyền Biden nói thêm.

Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng - Jen Psaki cho biết: “Ông Biden sẽ tập trung vào phản ứng toàn cầu với đại dịch, bao gồm sản xuất vắc xin, phân phối nguồn cung cấp. Ông cũng sẽ thảo luận về sự phục hồi kinh tế toàn cầu, bao gồm tầm quan trọng của việc tất cả các nước công nghiệp duy trì hỗ trợ kinh tế cho sự phục hồi và tầm quan trọng của việc cập nhật các vai trò toàn cầu để giải quyết các thách thức kinh tế như Trung Quốc đặt ra”.

Bên cạnh Tổng thống Biden, tân Thủ tướng Ý - Mario Draghi sẽ là một gương mặt mới trong hội nghị G7 dù ông nổi tiếng với việc “làm bất cứ điều gì cần thiết” tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu để cứu đồng euro trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Nắm giữ chiếc ghế luân phiên của G7 và đang thể hiện luôn ủng hộ hệ thống trật tự thế giới dựa trên pháp luật sau Brexit, Anh sẽ yêu cầu các thành viên giúp đẩy nhanh quá trình phát triển vắc xin trong tương lai chỉ còn 100 ngày.

Thủ tướng Boris Johnson muốn xây dựng quan hệ với ông Biden, người không ủng hộ Brexit và năm ngoái đã công khai cảnh báo Anh về việc gây nguy hiểm cho hòa bình ở Ireland.

Boris Johnson cho biết ông quan tâm đến ý tưởng về một hiệp ước toàn cầu về đại dịch để đảm bảo tính minh bạch phù hợp sau khi COVID-19 bùng phát bắt nguồn từ Trung Quốc.

Bài liên quan
Ông Biden: Mệt mỏi vì 4 năm qua, tất cả những gì được đưa tin là về Trump
Hôm 16.2, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự lạc quan rằng hầu hết trường học ở Mỹ sẽ mở cửa vào cuối mùa xuân và tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin COVID-19 của đất nước, khi ông tìm cách nâng cao chương trình nghị sự của mình vào thời điểm phiên tòa luận tội ông Donald Trump đã kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông điệp ông Biden ở hội nghị G7: Các đồng minh nên cùng nhau đối phó với Trung Quốc