Ngày 10.8, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các thông tin báo chí phản ánh về dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
Vừa qua, báo chí phản ánh những khó khăn, vướng mắc của dự án xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, chủ yếu liên quan đến bối cảnh dự án cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Chủ tịch UBND TP.HCM xử lý, giải quyết vấn đề nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 25.8.
Trước đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (BQL) có báo cáo gửi Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
BQL cho biết, đã triển khai đầu tư xây dựng được 2/8 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương). Các nhà tài trợ như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Hàn Quốc đã viện trợ vốn ODA không hoàn lại cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu, cập nhật hoàn chỉnh hồ sơ dự án.
Qua quá trình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị, BQL nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các dự án đường sắt đô thị có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lợi nhuận thu được không cao nên khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn cho dự án thường được huy động theo hình thức hợp vốn dẫn đến việc cần nhiều thời gian để đạt được sự thống nhất của các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho dự án. Từ đó kéo theo việc phải thực hiện các thủ tục về đàm phán, ký kết khoản vay với từng nhà tài trợ do không thể gộp chung ngay cả khi có nhiều khoản vay của cùng một nhà tài trợ.
Vì vậy, BQL kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam bổ sung các dự án đường sắt kết nối vùng TP.HCM theo mô hình TOD; bổ sung các quy định pháp luật về quy hoạch và xây dựng tại khu vực nhà ga để phát triển mô hình TOD; hướng dẫn quy hoạch theo mô hình TOD.
Đồng thời, bổ sung các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng phát triển, thiết kế đô thị theo mô hình TOD về không gian ngầm khu vực trung tâm TP và một số quận nội thành cũ để khai thác đồng bộ, hiệu quả với hạ tầng đường sắt đô thị, kết hợp việc khai thác quỹ đất để tạo thêm nguồn lực cần thiết cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.
Trước đó, kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT nêu rõ:
Với dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và TP.HCM chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, nỗ lực hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vào cuối năm 2023 và tuyến Bến Thành - Suối Tiên đầu năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu huy động mọi nguồn lực, khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt còn lại theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của 2 thành phố.