Cổng thông tin Vatican dẫn lời Giáo hoàng nói về "một sự tức giận được tạo điều kiện" có lẽ bởi "NATO gây ồn ào trước cửa nước Nga" đã khiến Điện Kremlin "phản ứng tồi tệ và mở màn xung đột".
Cổng thông tin Vatican đã đăng bài nói về cuộc trả lời phỏng vấn của Giáo hoàng Francis với Luciano Fontana, biên tập viên nhật báo Ý Corriere della Sera với chủ đề tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine mà Giáo hoàng đã lên tiếng kể từ khi nó nổ ra vào ngày 24.2, và cho đến nay ông đã thực hiện nhiều nỗ lực hòa giải, bắt đầu bằng cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky, chuyến thăm đến đại sứ quán Nga tại Tòa thánh và hơn hết là sẵn sàng tới Moscow để gặp Tổng thống Putin.
“Tôi đã yêu cầu Hồng y Parolin, sau hai mươi ngày xảy ra cuộc chiến, hãy gửi một thông điệp tới (tổng thống) Putin để nói rằng tôi sẵn sàng đến Moscow”.
Tất nhiên, Giáo hoàng khẳng định, Tổng thống Nga trước tiên phải ngỏ cửa cho cuộc gặp. “Chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời, và chúng tôi vẫn kiên định, ngay cả khi tôi e rằng Putin chưa thể và chưa muốn có cuộc gặp vào lúc này. Nhưng làm thế nào để sự khốc liệt này dừng lại? 25 năm trước, chúng tôi đã trải qua điều tương tự ở Rwanda”.
Về lý do cuộc chiến
Các bình luận của Giáo hoàng cũng phản ánh lý do chiến tranh và về "buôn bán" vũ khí, điều đối với ông vẫn là một "vụ bê bối" mà chỉ có số ít người phản đối.
Giáo hoàng nói về "một sự tức giận được tạo điều kiện" có lẽ bởi "NATO gây ồn ào trước cửa nước Nga" đã khiến Điện Kremlin "phản ứng tồi tệ và mở màn xung đột".
“Tôi không biết phải trả lời như thế nào - tôi ở quá xa – với câu hỏi liệu có phù hợp khi cung cấp cho người Ukraine hay không”, Giáo hoàng giải thích. “Điều rõ ràng là vũ khí đang được thử nghiệm ở đó. Người Nga hiện biết rằng xe tăng ít được sử dụng và đang nghĩ đến những thứ khác. Đây là lý do tại sao các cuộc chiến được tiến hành: để kiểm tra các loại vũ khí mà chúng ta đã sản xuất. Rất ít người chống lại việc buôn bán này, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa".
Giáo hoàng cũng trích dẫn việc một đoàn xe chở vũ khí bị chặn ở Genoa khi trên đường đến Yemen "2 hay 3 năm trước", mà các nhà chức trách cảng đã chọn dừng thông quan.
Ghé thăm Moscow trước
Hiện tại, không có chuyến đi nào đến Kyiv được lên kế hoạch, nhưng trước tiên, Giáo hoàng muốn đến thăm Moscow.
Đánh giá lại những nỗ lực đã hoặc sẽ thực hiện để ngăn chặn sự leo thang của bạo lực, Giáo hoàng nói rõ: "Tôi sẽ không đến Kyiv bây giờ; tôi cảm thấy rằng tôi không nên đi. Trước tiên, tôi phải đến Moscow. Trước tiên, tôi phải gặp Putin. Nhưng tôi cũng là một linh mục, tôi có thể làm gì? Tôi làm những gì tôi có thể. Chỉ là nếu Putin mở cửa...".
Chiến tranh vì lợi ích quốc tế
Cái nhìn của Giáo hoàng lại mở to để nói về quyền của các dân tộc trong một thế giới đang có chiến tranh, một "cuộc chiến tranh thế giới thứ ba" thường bị gợi lên và gây sợ hãi.
Giáo hoàng nói rõ, ông không phải lên tiếng "báo động", mà đưa ra một sự "xác thực về mọi thứ: Syria, Yemen, Iraq, ở châu Phi hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Ở mỗi bên đều có lợi ích quốc tế.
Bạn không thể nghĩ rằng một quốc gia tự do có thể gây chiến với một quốc gia tự do khác. Ở Ukraine, có vẻ như chính những nước khác đã tạo ra xung đột.