Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều đưa ra lời cảnh báo cho đối phương, nhưng cuộc điện đàm ngày 30.12 đem lại dấu hiệu lạc quan cho nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề Ukraine vào tháng tới.
Trong lần làm việc thứ hai trong tháng qua, Tổng thống Biden nói rõ ông muốn thấy Nga giảm tăng cường lực lượng gần Ukraine.
“Ông ấy tái khẳng định tiến bộ thực chất trong đối thoại chỉ có thể đến khi diễn ra trong môi trường giảm leo thang”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Một nguồn tin quan chức cấp cao tiết lộ Tổng thống Biden đã vạch 2 con đường. Con đường thứ nhất là ngoại giao, con đường thứ hai là tập trung vào khả năng răn đe, trong đó có buộc Nga phải gánh hậu quả nghiêm trọng nếu họ chọn tiến hành tấn công quân sự Ukraine.
Cố vấn đối ngoại Yuri Ushakov của Tổng thống Putin cho biết nhà lãnh đạo Nga lập tức đáp lại bằng cảnh báo bất cứ trừng phạt nào - dù ngay bây giờ hay sau này - đều có thể khiến quan hệ song phương sụp đổ hoàn toàn. Đây sẽ là một sai lầm bị thế hệ sau chỉ trích.
Quan chức 2 bên nhận xét 2 nhà lãnh đạo đều đưa ra phát ngôn nghiêm túc. Cố vấn Ushakov cho rằng lần điện đàm này tạo bối cảnh tốt cho đàm phán trong tương lai.
Vào ngày 9 và 10.1 tới, đối thoại an ninh Mỹ - Nga sẽ diễn ra. Đến ngày 12.1 là cuộc họp Nga - NATO, tiếp đến là mội hội nghị rộng với cả Nga, Mỹ cùng một số nước châu Âu.
Căng thẳng Nga - phương Tây đang tăng cao khi Moscow đưa quân đến sát biên giới Ukraine - hành động bị xem là đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công xâm lược. Nga phủ nhận việc này đồng thời yêu cầu phía phương Tây đưa ra cam kết.
Sau lần làm việc trực tuyến tỏ rõ quan điểm về vấn đề Ukraine giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden, tình hình không có tiến triển gì. Các bên đều không có động thái hạ nhiệt căng thẳng.