Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, hàng trăm điểm giao dịch ngân hàng trên địa bàn TP.HCM thông báo tạm dừng hoạt động.

TP.HCM: Hàng trăm điểm giao dịch ngân hàng ngưng hoạt động vì dịch COVID-19

Hồ Đông | 23/08/2021, 17:51

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, hàng trăm điểm giao dịch ngân hàng trên địa bàn TP.HCM thông báo tạm dừng hoạt động.

Ngân hàng tạm dừng hoạt động nhiều điểm giao dịch

Hiện nay, trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, TP.HCM tiếp tục siết chặt và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch lên mức cao nhất. Trong đó, TP.HCM yêu cầu tất cả người dân không được ra đường và tạm dừng mọi hoạt động trên địa bàn, ngoại trừ những dịch vụ thiết yếu. Thực hiện chỉ thị này, hàng loạt ngân hàng vừa thông báo sẽ tạm ngưng nhiều điểm giao dịch, chi nhánh để thực hiện nghiêm túc về cách ly xã hội.

VP Bank vừa thông báo sẽ tạm thời đóng cửa các chi nhánh tại TP.HCM, chỉ duy trì giao dịch 5 chi nhánh tại 4 địa điểm. Đó là VP Bank Hồ Chí Minh, Bến Thành (quận 1), Sài Gòn (quận 5), Gia Định (quận Phú Nhuận), Cộng Hòa (quận Tân Bình).

Trong trường hợp khách hàng cần thiết phải thực hiện các giao dịch tại quầy, VP Bank đề nghị khách hàng liên hệ các chi nhánh trên. Các chi nhánh này vận hành theo nguyên tắc “3 tại chỗ” và áp dụng quy trình kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đối với toàn bộ các cán bộ nhân viên để đảm bảo an toàn cho khách hàng đến giao dịch.

OCB thông báo kể từ ngày 23.8, nhà băng này chỉ duy trì hoạt động tại 4 điểm giao dịch là Thủ Đức, Tân Thuận, Tân Bình, Trung tâm kinh doanh (41- 45 Lê Duẩn). Các điểm giao dịch còn lại sẽ tạm ngưng từ 23.8 cho đến khi có thông báo mới.

Tương tự, ACB thông báo danh sách 34 điểm giao dịch trên địa bàn TP.HCM hoạt động bình thường. Còn lại 103 điểm giao dịch sẽ tạm ngưng hoạt động từ ngày 23.8 đến 6.9.

ngan-hang-giao-dich.jpeg
Ngân hàng thông báo tạm ngưng hoạt động nhiều điểm giao dịch để phòng chống dịch - Ảnh: Internet

TP Bank thông báo danh sách các điểm giao dịch hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” tại TP.HCM từ ngày 23.8. Cụ thể, TP Bank chỉ còn duy trì hoạt động 8 điểm giao dịch tại quận 3, quận 4, Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Thủ Đức, Sài Gòn (quận 5), Hồ Chí Minh (quận 3), Bình Tân, Hùng Vương (quận 6). Với nhu cầu giao dịch thiết yếu, khách hàng TP Bank vẫn có thể sử dụng nền tảng ngân hàng online của TPBank (App, eBank, thanh toán thẻ) hoặc tới hơn 89 điểm giao dịch tự động LiveBank 24/7 nhưng không tiếp xúc và đảm bảo các điều kiện chống dịch.

Còn VIB duy trì hoạt động 11 chi nhánh, điểm giao dịch gồm Trung tâm kinh doanh (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), quận 11, quận 2, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thành Đô (quận Phú Nhuận), Hồ Chí Minh (quận 5), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1), Sài Gòn (quận 1), Phú Mỹ Hưng (quận 7). Trong thời gian này, các chi nhánh, phòng giao dịch còn lại của VP Bank trên địa bàn sẽ tạm ngưng phục vụ. VIB cho biết khách hàng có nhu cầu giao dịch nên ưu tiên thực hiện qua thẻ, ứng dụng MyVIB, Internet Banking.

Kienlong Bank cũng thông báo tạm ngưng hoạt động 6 chi nhánh ở quận 12, quận Gò Vấp, Bình Tây, Ngô Gia Tự, Tùng Thiện Vương, Bà Chiểu. Nam Á Bank duy trì hoạt động 3 điểm giao dịch gồm Trung tâm kinh doanh, Hàm Nghi, Lý Thường Kiệt. HD Bank thì duy trì hoạt động 19 chi nhánh, phòng giao dịch ở quận 1, Đông Sai Gòn, Duy Tân, Vạn Hạnh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trãi, Gia Định, Hiệp Phú…

Vẫn đảm bảo hoạt động thanh toán được thông suốt

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, để đáp ứng các quy định về phòng chống dịch COVID-19, trên địa bàn thành phố đã có hơn 300 điểm giao dịch ngân hàng, chủ yếu là các phòng giao dịch nhỏ tạm ngưng hoạt động.

Ông Minh cho biết các điểm giao dịch này tạm ngưng hoạt động do nằm trong khu vực phong tỏa, có F0. Tuy nhiên, nhiều nhà băng cũng thu hẹp mạng lưới nhằm nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND TP.HCM và Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh TP.HCM trong việc ngân hàng đảm bảo duy trì hoạt động ở mức tối thiểu. Việc này để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên ngân hàng, khách hàng và cộng đồng.

Mặc dù nhiều điểm giao dịch, chi nhánh tạm ngưng hoạt động, song ông Minh khẳng định các ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thanh toán trên địa bàn thông suốt, đảm bảo các máy ATM có tiền đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của người dân. Những khách hàng có nhu cầu giao dịch tiền gửi tiết kiệm, có thể liên hệ đến các chi nhánh của các ngân hàng để thực hiện.

ngan-hang-truc-tuyen.jpeg
Các ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến - Ảnh: Internet

Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng lựa chọn các giao dịch trực tuyến để tiện lợi và không bị gián đoạn các giao dịch tài chính trong thời điểm này. Hiện nay, hầu hết các nhà băng đã có đầy đủ nền tảng công nghệ số và có tổng đài 24/7 để hỗ trợ khách hàng chuyển sang thực hiện giao dịch online.

Trước đó, vào ngày 14.7, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn, về việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM dừng hoạt động của doanh nghiệp nếu không bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó có quy định các doanh nghiệp được phép hoạt động phải thực hiện một số điều kiện về phòng chống dịch. Trường hợp nếu không bảo đảm các điều kiện này, phải dừng hoạt động.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực ngành nghề thiết yếu được duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và các văn bản liên quan của UBND TP.HCM.

Việc thực hiện các biện pháp và điều kiện tại văn bản trên như doanh nghiệp sản xuất thông thường đối với tổ chức tín dụng phát sinh nhiều khó khăn về bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, cũng như đối với công tác phòng chống dịch, do ngân hàng giao dịch với khách hàng và người dân.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch tại đơn vị và trong hệ thống; tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch.

Bài liên quan
Giải pháp vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế: Vắc xin và hỗ trợ doanh nghiệp phải là trọng tâm
Hầu hết các quốc gia đều coi việc cải thiện năng lực y tế và tiêm chủng vắc xin là giải pháp trọng tâm, đồng thời tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Hàng trăm điểm giao dịch ngân hàng ngưng hoạt động vì dịch COVID-19