Bộ Công Thương đã có kế hoạch cụ thể để hướng tới mục tiêu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp số vào năm 2025.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1.11 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Tổng giá trị hàng hoá (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỉ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỉ USD vào năm 2025.
Theo dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bình quân 16-30% một năm. Doanh số bán lẻ qua kênh bán hàng trực tuyến Việt Nam có thể đạt 20,5 tỉ USD năm nay.
Trong đó, chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.
Tại Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số ngày 21.11, đề cập đến thách thức và giải pháp thúc đẩy mục tiêu đề ra là hướng đến 1 triệu doanh nghiệp số trong thời gian tới, ông Quang cho biết, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp số là mục tiêu của toàn xã hội và của các bộ ngành, các doanh nghiệp. Đây là quá trình tất yếu của xã hội.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số vẫn được doanh nghiệp ứng dụng hằng ngày, từ việc mua sắm, thanh toán, tra cứu... đó cũng là một hình thức mà chúng ta đang tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi số. Ví dụ có thể thấy rõ qua một số doanh nghiệp ngành công nghiệp đã chuyển đổi số từ rất sớm.
Các lĩnh vực xăng dầu, lĩnh vực dệt may, điện... hiện cũng đã ứng dụng có hiệu quả chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Ví dụ như ngành điện, với việc ứng dụng hệ thống công-tơ điện tử, hệ thống điện thông minh đã đem lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp, giảm thiểu nguồn lực, chi phí tham gia vận hành.
Ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng giám đốc AccessTrade Việt Nam cũng đã đưa ra lộ trình và dự kiến hoạt động để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp số vào năm 2025. Theo đó, năm 2023, sẽ tiếp cận 10.000 doanh nghiệp tư vấn và đồng hành, đồng thời hình thành mạng lưới, hệ sinh thái các giải pháp công nghệ, chuyên gia, agency.
Năm 2024 tiếp cận 300.000 doanh nghiệp và tiểu thương; củng cố hệ sinh thái, mở rộng hợp tác với các hiệp hội, cơ quan. Năm 2025 tiếp cận 1 triệu doanh nghiệp và tiểu thương; từ đó mở rộng hệ sinh thái ra khu vực và trên toàn cầu.
Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đây là mục tiêu đầy thách thức.
"Chuyển đổi là công việc tất yếu của tiến trình phát triển. Nhưng liệu mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp chuyển đổi số có đạt được hay không? Cơ quan quản lý có chính sách gì, hay các doanh nghiệp tiên phong có giải pháp nào hỗ trợ các doanh nghiệp đang trong lộ trình chuyển đổi số có thể triển khai thành công hay không?", ông Quang trăn trở.
Đưa ra giải pháp chuyển đổi số hiệu quả, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kiến nghị nhiều giải pháp trong các lĩnh vực liên quan. Về giải pháp Chính phủ số, cần phát triển hạ tầng số tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ quản lý, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng song song với đảm bảo an ninh, bảo mật hệ thống thông tin.
Về giải pháp phát triển kinh tế số, xây dựng trục hợp đồng điện tử, nền tảng thương mại không giấy tờ; xây dựng chỉ tiêu thống kê kinh tế số và phát triển lưới điện thông minh, an toàn mạng lưới điện...
Về giải pháp phát triển xã hội số, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử; quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên sâu cho cán bộ về thương mại điện tử và kỹ năng số; đào tạo nhân lực số cho các trường đại học.
Dự kiến tập huấn một triệu người từ các doanh nghiệp trong 5 năm về kỹ năng số và thương mại điện tử