Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành điều chỉnh các trình duyệt di động nước này để giải quyết mối quan tâm của xã hội về "sự hỗn loạn thông tin” được xuất bản trực tuyến.

Trung Quốc đàn áp các trình duyệt di động nổi tiếng, bắt kiểm soát thông tin hỗn loạn

Nhân Hoàng | 27/10/2020, 11:11

Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành điều chỉnh các trình duyệt di động nước này để giải quyết mối quan tâm của xã hội về "sự hỗn loạn thông tin” được xuất bản trực tuyến.

Các quy tắc kiểm duyệt internet nghiêm ngặt của Trung Quốc đã được thắt chặt nhiều lần trong những năm gần đây. Trong cuộc đàn áp mới nhất, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã thông báo với các công ty vận hành trình duyệt di động rằng họ phải tiến hành tự kiểm tra và khắc phục các vấn đề cho đến ngày 9.11.

Các vấn đề bao gồm việc phát tán tin đồn, sử dụng các tiêu đề giật gân và xuất bản nội dung vi phạm các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, theo CAC.

Trong một thời gian, các trình duyệt di động đã phát triển theo cách thiếu văn minh, trở thành nơi tập hợp và khuếch đại cho sự hỗn loạn phổ biến bởi phương tiện tự truyền thông", CAC nói và đề cập đến các tài khoản mạng xã hội hoạt động độc lập, tự xuất bản tin tức.

Sau khi khắc phục, các trình duyệt di động còn tồn tại vấn đề sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật cho đến khi các doanh nghiệp liên quan bị cấm”, CAC tuyên bố.

Ban đầu, chiến dịch sẽ tập trung vào 8 trong số các trình duyệt di động có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc, bao gồm trình duyệt được vận hành bởi Huawei, Alibaba Group Holding (UC Browser của UCWeb), Xiaomi, Tencent (QQ Browser), Qihoo (360 Secure Browser), Oppo và Sogou (Sogou Explorer).

trung-quoc-dan-ap-cac-trinh-duyet-di-dong-no-tieng.jpg
UC Browser là 1 trong những trình duyệt bị Trung Quốc bắt kiểm soát thông tin hỗn loạn

Hôm 27.10, đơn vị trình duyệt của Huawei cho biết sẽ tiến hành tự kiểm tra toàn diện và làm sạch theo yêu cầu của cơ quan quản lý, đồng thời sẽ kiểm soát chặt chẽ các tài khoản tự truyền thông.

Xiaomi và UCWeb từ chối bình luận, trong khi Tencent, Oppo, Sogou và 360 chưa trả lời về chuyện này.

Luật được Trung Quốc đưa ra những năm gần đây bao gồm các biện pháp hạn chế phương tiện truyền thông, giám sát trang web truyền thông và thực hiện các chiến dịch nhằm xóa nội dung bị cho là không thể chấp nhận được.

Đầu tháng 10.2020, công ty an ninh mạng lớn nhất Trung Quốc, Qihoo 360 bất ngờ tung ra ứng dụng Tuber cho phép người dùng truy cập hạn chế và có kiểm duyệt gắt gao vào một số mạng xã hội Mỹ thường bị chặn ở đại lục như YouTube, Facebook, Twitter, Instagram.

Trình duyệt có tên Tuber cấp một số quyền truy cập vào nội dung vô hại ở nước ngoài như tin tức giải trí trong khi vẫn chặn tất cả tài liệu mà các nhà kiểm duyệt của Bắc Kinh cho là nhạy cảm về mặt chính trị.

Theo trang SCMP, Tuber là sự phát triển mới nhất ở một trong nhiều mặt trận mà Bắc Kinh và Washington đang tranh cãi: Mức độ tiếp cận của cư dân mỗi quốc gia với các nền tảng truyền thông xã hội của nhau.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã chặn hầu hết trang web truyền thông xã hội của Mỹ trong thập kỷ qua. Chính quyền Trump những tuần gần đây đã không thành công trong việc cấm ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Theo trang TechCrunch, trình duyệt Tuber có sẵn trên các thiết bị Android, thuộc sở hữu của 70% công ty con thuộc công ty an ninh mạng lớn nhất Trung Quốc, Qihoo 360.

Người sáng lập Qihoo 360, Zhou Hongyi là cố vấn chính trị cho đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuber cũng gây tranh cãi vì có người cho rằng đây là công cụ kiểm soát người dân của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi người lạc quan hơn cho rằng Tuber có thể báo hiệu rằng Chính phủ Trung Quốc đang xem xét lại các phương pháp tiếp cận chặn internet. Xem chi tiết tại đây.

Bài liên quan
Google Chrome thêm tính năng gom nhóm thẻ, vạn người thích
Google đang thử nghiệm tính năng mới cho Chrome, hỗ trợ người dùng gom nhóm và quản lý các thẻ khoa học hơn. Đây là tính năng từng xuất hiện trong phiên bản mới của Opera.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
24 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đàn áp các trình duyệt di động nổi tiếng, bắt kiểm soát thông tin hỗn loạn