Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden làm việc với Bắc Kinh để mở lại đối thoại giữa hai nước nhằm khôi phục mối quan hệ song phương bị tổn hại dưới thời ông Donald Trump.

Trung Quốc kêu gọi chính quyền Biden bỏ thuế hàng hóa, ngừng liên kết với Đài Loan và đàn áp công nghệ

Nhân Hoàng | 22/02/2021, 09:21

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden làm việc với Bắc Kinh để mở lại đối thoại giữa hai nước nhằm khôi phục mối quan hệ song phương bị tổn hại dưới thời ông Donald Trump.

Ông Vương Nghị cho biết các hành động của chính quyền Trump nhằm trấn áp và kiềm chế Trung Quốc đã gây ra tác hại khôn lường, đồng thời kêu gọi Mỹ loại bỏ thuế quan với hàng hóa Trung Quốc và từ bỏ điều mà ông cho là đàn áp phi lý với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc.

Ông Vương Nghị cũng thúc giục Mỹ tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, ngừng “bôi nhọ” Đảng Cộng sản cầm quyền, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này và ngừng “thông đồng” với Đài Loan.

Trong vài năm qua, Mỹ về cơ bản đã cắt đứt đối thoại song phương ở tất cả các cấp. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với phía Mỹ và tham gia vào các cuộc đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề", ông Vương Nghị nói trong các bài phát biểu.

Ông Vương Nghị chỉ ra cuộc gọi gần đây giữa Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Biden là một bước đi tích cực.

trung-quoc-keu-goi-chinh-quyen-bo-thue-hang-hoa-ngung-lien-ket-voi-dai-loan1.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị

Các bình luận trên diễn ra sau khi mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Mỹ - Trung Quốc đã xung đột trên nhiều mặt trận, bao gồm thương mại, cáo buộc vi phạm nhân quyền với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương và yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông giàu tài nguyên.

Trước khi có lời kêu gọi từ ông Vương Nghị, chính quyền Biden đã báo hiệu sẽ duy trì áp lực lên Trung Quốc.

Tổng thống Biden đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động thương mại “cưỡng bức và không công bằng” của Trung Quốc và tán thành quan điểm của chính quyền Trump rằng Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng xa phía tây Tân Cương.

Dù vậy, ông Biden đã cam kết thực hiện một cách tiếp cận đa phương hơn và mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tại Hội nghị G7 hôm 19.2, ông Biden sẽ đưa ra quan điểm của mình rằng các nền kinh tế thị trường và nền dân chủ lớn phải hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức do đối thủ cạnh tranh như Nga và Trung Quốc gây ra.

Với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Biden sẽ thúc giục các nền dân chủ hợp tác để đẩy lùi các thực tiễn và chính sách của chính phủ nước này mà ông sẽ mô tả là "lạm dụng kinh tế và đi ngược lại các giá trị của chúng ta".

Hôm 18.2, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với đài CNBC rằng Mỹ sẽ giữ nguyên mức thuế áp với hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Trump trước đây, nhưng sẽ đánh giá cách thức tiến hành sau khi xem xét kỹ lưỡng.

Hiện tại, chúng tôi đã giữ nguyên các mức thuế mà chính quyền Trump đã đưa ra... và sẽ đánh giá trong tương lai những gì chúng tôi nghĩ là phù hợp”, bà Janet Yellen nói và cho biết thêm rằng Mỹ mong đợi Trung Quốc tuân thủ các cam kết về thương mại.

Khi được hỏi liệu thuế quan có hiệu quả không, Yellen do dự, sau đó nói: "Chúng tôi sẽ xem xét điều đó".

Nhà Trắng tháng trước cho biết sẽ xem xét lại tất cả các biện pháp an ninh quốc gia mà cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra, bao gồm cả một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc.

Thỏa thuận đã xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại mà các chuyên gia Mỹ ước tính đã dẫn đến việc mất 245.000 việc làm của Mỹ, nhưng hầu hết các mức thuế vẫn được áp dụng cho cả hai bên.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy Trung Quốc cam kết mua 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ bổ sung của Mỹ trong vòng 2 năm theo thỏa thuận tạm thời được Trump ký vào tháng 1.2020, nhưng đã giảm 42% so với mục tiêu năm ngoái.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khởi đầu vào ngày 22.3.2018 khi Tổng thống Donald Trump thời đó tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỉ USD với hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ. Danh sách thuế quan trọng tập trung vào các sản phẩm được Trung Quốc đưa vào kế hoạch Made in China 2025 liên quan đến CNTT và robot.

Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 cho phép Tổng thống Mỹ có thẩm quyền đơn phương áp dụng tiền phạt hoặc các hình phạt khác với một đối tác thương mại được cho là không công bằng, gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của Mỹ.

Vào tháng 4.2018, ông Trump đã áp đặt thuế quan với hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, Canada và các nước trong Liên minh châu Âu.

Ngày 6.7.2018, ông Trump cho áp đặt thuế quan với hàng hóa trị giá 34 tỉ USD của Trung Quốc, dẫn đến việc Trung Quốc đáp trả bằng các mức thuế tương tự với các sản phẩm của Mỹ.

Chính quyền Trump cho biết thuế quan là việc cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Trong tháng 8.2017, ông Trump đã mở một cuộc điều tra chính thức về các vụ tấn công vào tài sản trí tuệ Mỹ và các đồng minh của mình, việc trộm cắp ước tính gây tốn kém cho Mỹ khoảng 600 tỉ USD một năm.

Kết quả là Mỹ tuyên bố luật pháp Trung Quốc làm suy yếu quyền sở hữu trí tuệ bằng cách buộc các công ty nước ngoài tham gia liên doanh với các công ty Trung Quốc, sau đó cho phép họ truy cập và sử dụng, cải tiến, sao chép hoặc đánh cắp công nghệ.

Ông Trump cũng coi kế hoạch công nghiệp kỹ thuật của Made in China 2025 là mối đe dọa với nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ, nên kêu gọi Trung Quốc dừng toàn bộ kế hoạch. Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận rằng họ đã tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và rằng Mỹ đã bỏ qua nỗ lực này, tố Mỹ ngó lơ các quy tắc của WTO và lời kêu gọi giảm thuế từ các ngành công nghiệp của mình.

Trung Quốc kiên quyết phản đối các tập quán thương mại này của Mỹ, tin rằng họ đại diện cho "chủ nghĩa đơn phương" và "chủ nghĩa bảo hộ”.

Bài liên quan
Chính quyền Biden giữ nguyên mức thuế áp với hàng hóa Trung Quốc như thời Trump
Hôm 18.2, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với đài CNBC rằng Mỹ sẽ giữ nguyên mức thuế áp với hàng hóa Trung Quốc của chính quyền Trump trước đây, nhưng sẽ đánh giá cách thức tiến hành sau khi xem xét kỹ lưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc kêu gọi chính quyền Biden bỏ thuế hàng hóa, ngừng liên kết với Đài Loan và đàn áp công nghệ