Khi thế giới vật lộn với biến thể Omicron, Trung Quốc quyết tâm loại bỏ COVID-19 trong biên giới của mình nhưng đã không thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó trong 7 tuần qua.
Kể từ hôm 17.10, Trung Quốc đã báo cáo ít nhất một ca COVID-19 trong cộng đồng mỗi ngày khi các ổ dịch Delta tại địa phương lần lượt bùng phát với các đợt ngắt quãng ngày càng ngắn.
Dù tỷ lệ mắc COVID-19 thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ (trung bình có hơn 100.000 ca mới mỗi ngày), những đợt bùng phát dịch không ngừng nhấn mạnh thách thức ngày càng tăng mà Trung Quốc phải đối mặt để giữ cho số ca ở mức 0.
Hơn một năm, Trung Quốc đạt hiệu quả cao trong việc kiềm chế các đợt bùng phát dịch COVID-19 ở địa phương bằng việc xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa chớp nhoáng, giám sát nghiêm ngặt và cách ly trên diện rộng, đồng thời giữ chặt biên giới.
Bằng chứng về sự thành công của các biện pháp này là Trung Quốc không báo cáo ca tử vong nào liên quan đến COVID-19 trong nước kể từ tháng 1.2021, dù vẫn có nhiều nước nghi ngờ về số liệu thống kê đó.
Lần cuối cùng Trung Quốc thông báo có một người chết vì COVID-19 là ngày 15.1.2021, tức hơn 10 tháng trước. Trước đó 2 ngày, tức ngày 13.1, Trung Quốc cũng báo cáo có 1 người chết do COVID-19.
Gần đây hơn, các nhà chức trách Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn bao giờ hết, cách ly không chỉ những F1 của ca mắc COVID-19 mà còn cả những người tiếp xúc thứ cấp và những ai tình cờ ở cùng khu vực nói chung vào cùng thời điểm.
Trong vòng 7 tuần trở lại đây, gần 10.000 khách du lịch mắc kẹt ở Nội Mông 1 tuần sau khi lệnh cấm vận được áp dụng với hàng chục ca COVID-19; Disneyland Thượng Hải bị phong tỏa vì một ca nhiễm SARS-CoV-2 duy nhất đến công viên; các chuyến tàu cao tốc bị dừng giữa chừng trong hành trình đến Bắc Kinh khi các thành viên đoàn tàu có liên hệ gần gũi với những người mắc COVID-19; một số nhân viên phòng chống dịch tại địa phương thậm chí giết vật nuôi lúc khử trùng tại nhà khi chủ của chúng đi cách ly…
Những biện pháp nghiêm ngặt này thành công trong việc đưa tỷ lệ mắc COVID-19 ở một số địa phương cụ thể xuống mức 0, nhưng không lâu.
Trong tuần qua, hơn 300 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở Nội Mông, lần này là ở Mãn Châu Lý, thành phố cảng quan trọng giáp với Nga. Chính quyền địa phương đã áp đặt một lệnh phong tỏa nhanh chóng và Mãn Châu Lý đang triển khai đợt xét nghiệm hàng loạt thứ 9 cho hơn 150.000 cư dân của mình, nhưng điều đó vẫn chưa đủ nhanh trong mắt các nhà chức trách cấp cao hơn.
Cuối tuần qua, Mãn Châu Lý đã sa thải hai quan chức vì "phản ứng chậm và yếu" với đợt bùng phát dịch Delta, truyền thông nhà nước đưa tin. Quan chức đầu tiên mất việc vì trì hoãn việc chuyển giao và cách ly hơn 100 F1. Người thứ hai mất chức vì quản lý kém các khách sạn cách ly. 4 quan chức khác bị chỉ trích vì kiểu làm việc mờ nhạt của họ.
Một số quan chức địa phương trên khắp Trung Quốc bị sa thải hoặc trừng phạt vì không ngăn chặn được sự bùng phát dịch COVID-19. Mục tiêu giữ cho tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở mức 0 đã đặt ra áp lực to lớn với chính quyền địa phương - thường khiến họ phải quá sức do áp đặt các biện pháp hà khắc không cần thiết, đôi khi làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của người dân.
Trong khi dư luận chính thống Trung Quốc vẫn ủng hộ chính sách Zero COVID-19 của chính phủ, các biện pháp tại địa phương quá mức đã gây ra sự bất bình và chỉ trích từ một số khu vực, chẳng hạn thị trấn biên giới Thụy Lệ và quận Ili ở Tân Cương.
Ngoài Nội Mông, ca mắc COVID-19 đã được phát hiện trong tuần qua ở những thành phố lớn nhất Trung Quốc, từ Bắc Kinh, Thượng Hải đến Quảng Châu. Các tỉnh Hắc Long Giang, Thiểm Tây, Hà Bắc và Vân Nam cũng báo cáo ca COVID-19.
Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia cuối cùng cố gắng duy trì Zero COVID-19, khi phần còn lại của thế giới học cách sống chung với vi rút.
Thế nhưng, sự xuất hiện biến thể Omicron khiến các nước đua nhau áp đặt các hạn chế đi lại và điều này chỉ củng cố ý định của Trung Quốc trong việc giữ chặt biên giới. Đến nay Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm Omicron nào.
Theo nghiên cứu gần đây của các nhà toán học tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc có thể phải đối mặt với từ hơn 275.000 đến hơn 637.000 ca mỗi ngày nếu từ bỏ Zero COVID-19, điều này gần như chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng không thể chi trả cho hệ thống y tế.
Trong báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố trên trang China CDC Weekly, các nhà toán học cho biết nước này không dỡ bỏ các hạn chế đi lại nếu không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị cụ thể hiệu quả hơn, tốt nhất là kết hợp cả hai.
Sử dụng dữ liệu tháng 8.2021 từ Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Israel, các nhà toán học đánh giá hậu quả tiềm tàng nếu Trung Quốc áp dụng chiến thuật kiểm soát đại dịch tương tự như các nước này.
Nghiên cứu cho biết số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày ở Trung Quốc có thể lên ít nhất 637.155 nếu nước này áp dụng chiến lược chống đại dịch của Mỹ. Các ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Trung Quốc có thể lên ít nhất 275.793 hàng ngày nếu Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận tương tự Anh và ít nhất 454.198 nếu bắt chước Pháp, theo nghiên cứu.
Báo cáo cho biết: “Các ước tính cho thấy khả năng thực sự của một đợt bùng phát dịch khổng lồ, gần như chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng không thể chi trả cho hệ thống y tế. Phát hiện của chúng tôi đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng rằng, vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa sẵn sàng áp dụng các chiến lược mở cửa chỉ dựa vào giả thuyết về khả năng miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc xin mà một số nước phương Tây ủng hộ".
Các nhà toán học Đại học Bắc Kinh nói rằng ước tính của họ dựa trên các phép tính số học cơ bản và cần có các mô hình phức tạp hơn để nghiên cứu sự phát triển của đại dịch nếu các hạn chế đi lại được dỡ bỏ.
Nghiên cứu kết luận rằng Trung Quốc không nên từ bỏ Zero COVID-19 vào thời điểm hiện tại.
Cuối tuần qua, ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp của Trung Quốc và là cố vấn chính phủ, đã đề xuất hai điều kiện tiên quyết để nâng cao phương pháp không khoan nhượng với vi rút SARS-CoV-2: Một là tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm xuống khoảng 0,1%; hai là số lượng phát sinh ca COVID-19 cơ bản giảm còn từ 1 đến 1,5, đồng nghĩa là mỗi F0 chỉ lây lan vi rút cho trung bình từ 1 đến 1,5 người trong một quần thể nhạy cảm.
Vào tháng 8.2021, các nhà khoa học nghiên cứu một đợt bùng phát dịch Delta ở tỉnh Quảng Đông đã ước tính số lượng phát sinh ca COVID-19 cơ bản do biến thể này là 6,4, cao hơn nhiều so với chủng SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn Delta hay không.