Các nhà phân tích cho rằng chính sách ngoại giao thận trọng của Ấn Độ được quyết định bởi các lợi ích chiến lược.

Vì lợi ích riêng và cảnh giác Trung Quốc, Ấn Độ im lặng trước cuộc đảo chính ở Myanmar

Nhân Hoàng | 25/02/2021, 18:51

Các nhà phân tích cho rằng chính sách ngoại giao thận trọng của Ấn Độ được quyết định bởi các lợi ích chiến lược.

Trong khi các quốc gia phương Tây lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, Ấn Độ đang có cách tiếp cận thận trọng khi nước này tăng cường kết nối với Đông Nam Á và nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Myanmar và Ấn Độ có chung đường biên giới dài 1.600 km, tạo cho Ấn Độ một cửa ngõ để hội nhập kinh tế nhiều hơn với Đông Nam Á. Do đó, Myanmar rất quan trọng với chính sách Hành động Hướng Đông của Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi.

Hai nước láng giềng cũng có chung đường biên giới dài 725 km ở Vịnh Bengal, nơi Ấn Độ đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Myanmar và các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn trong khuôn khổ đối thoại an ninh tứ phương. Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc cũng tham gia Quad (Bộ tứ kim cương), được thiết kế để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Udai Bhanu Singh, điều phối viên và cộng sự nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Đông Nam Á và Châu Đại Dương tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ), cho biết: “Ấn Độ đang xem xét tình hình ở Myanmar từ góc độ quan điểm địa chính trị ở New Delhi”.

Ông Udai Bhanu Singh đã chỉ ra một số dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ ở Myanmar, đặc biệt là cơ sở vận tải trung chuyển đa phương thức Kaladan giữa hai quốc gia và một đường cao tốc kéo dài đến Thái Lan. Ấn Độ cũng đã đề xuất rằng con đường, dự kiến ​​sẽ thúc đẩy thương mại, được mở rộng sang Việt Nam, Lào và Campuchia. Một số nhà quan sát coi dự án là nỗ lực chống lại Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Những dự án này đang ở những thời điểm cuối cùng để hoàn thành”, ông Udai Bhanu Singh nói và cho biết thêm Ấn Độ, quốc gia muốn hoàn thành chúng càng nhanh càng tốt, cần sự hỗ trợ của Chính phủ Myanmar, bất kể ai nắm quyền.

vi-loi-ich-rieng-va-canh-giac-trung-quoc-an-do-im-lang-truoc-cuoc-dao-chinh-o-myanmar.jpg
Bà Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi. Với việc Trung Quốc đang nhìn chằm chằm vào Myanmar, Ấn Độ nhận thấy cần phải có một cách tiếp cận thực dụng với chính quyền quân sự ở Myanmar

Ấn Độ đã phản ứng với cuộc đảo chính ở Myanmar ngày 1.2 theo cách thận trọng. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã đưa ra tuyên bố dài 46 từ cùng ngày 1.2, cho biết đã ghi nhận những diễn biến với "mối quan tâm sâu sắc" và bày tỏ "ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ".

Trong cuộc họp của các ngoại trưởng Quad vào ngày 18.2, Ấn Độ đã đưa ra tuyên bố lưu ý tầm quan trọng của việc Myanmar duy trì pháp quyền và tiếp tục quá trình chuyển đổi sang dân chủ.

"Khi nói đến việc đối phó với các cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, Ấn Độ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan 'giá trị' so với 'lợi ích', mà các nước khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản, cũng phải đối mặt", Shamshad Ahmad Khan, hội viên Viện Nghiên cứu Trung Quốc, nói với trang trang Nikkei.

Shamshad Ahmad Khan chỉ ra rằng Ấn Độ đã ngừng dứt khoát lên án cuộc đảo chính quân sự.

Ông nói: “Nếu Ấn Độ tăng cường lập trường của mình với chế độ quân sự, chính quyền Myanmar sẽ tìm đến Trung Quốc để củng cố tính hợp pháp của mình.

Shamshad Ahmad Khan nói thêm rằng Ấn Độ sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính mình bằng cách cứng rắn hơn lập trường chống lại chính quyền Myanmar "có khả năng vẫn nắm quyền ngoài lộ trình 1 năm mà họ đã công bố".

Đáng chú ý là Ấn Độ đặt chính sách đối ngoại và quan hệ quân sự với Myanmar ngang hàng. Vào tháng 10.2020, Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Thượng tướng Manoj Mukund Naravane và Ngoại trưởng Harsh Vardhan Shringla đã đến thăm Myanmar, gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi cũng như Thượng tướng Min Aung Hlaing. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ đối tác trong các dự án kết nối, nâng cao năng lực và thương mại cũng như mở rộng giao lưu quốc phòng.

Ấn Độ dường như đã học được một bài học từ quá khứ của mình và lo ngại rằng việc cô lập chính phủ quân sự của Myanmar có thể ảnh hưởng đến các hoạt động chống nổi dậy quan trọng ở phía đông bắc Ấn Độ, dọc theo biên giới 1.600 km đó.

Bài học đến vào những năm 1990. Ấn Độ, vốn đã là một nhà phê bình lớn với chính quyền Myanmar, đã vinh danh bà Suu Kyi với Giải thưởng Jawaharlal Nehru danh giá cho Sự hiểu biết Quốc tế. Giải thưởng được công bố khi quân đội hai nước đang hợp tác trong Chiến dịch Golden Bird chống lại quân ly khai hoạt động ở phía đông bắc Ấn Độ.

"Điều đó thực sự làm phiền quân đội Myanmar và họ đã rút lại hợp tác trong Chiến dịch Golden Bird... nhằm mục đích bắt giữ các phần tử nổi dậy Ấn Độ đang trú ẩn ở Myanmar", Udai Bhanu Singh nói.

Ấn Độ có mối quan tâm khác là Trung Quốc và về vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng điều quan trọng là New Delhi phải tiếp tục tương tác với quân đội Myanmar khi Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi tham vọng của mình trong khu vực.

Theo Pankaj Jha, giáo sư nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ đã nhận ra sự cần thiết phải trở thành một người theo chủ nghĩa hiện thực và gắn kết với Myanmar.

Tuy nhiên, ông Pankaj Jha nói thêm, với thực tế Ấn Độ hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nước này sẽ tiếp tục kêu gọi thúc đẩy dân chủ và duy trì pháp quyền ở Myanmar. Ấn Độ đã áp dụng cách tiếp cận này trong các tuyên bố thiếu sự chỉ trích thẳng thắn với chính quyền quân đội Myanmar.

Có một lý do khác khiến Ấn Độ không dám mạnh miệng là bà Suu Kyi. Ông Pankaj Jha nói: “Ấn Độ cũng có thể đang phân tích xem Suu Kyi, người đang bị giam giữ, có còn là một nhà lãnh đạo đáng gờm và là người thực sự có thể phục vụ lợi ích của New Delhi về lâu dài”.

Cách tiếp cận theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng Ấn Độ phát triển mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Myanmar tương lai đầy hứa hẹn, cả dân chủ và quân sự”, Pankaj Jha nói thêm.

Bài liên quan
Facebook xóa sổ trang chính của quân đội Myanmar sau khi 2 người biểu tình bị bắn chết
Facebook hôm 21.2 đã xóa trang chính của quân đội Myanmar vì nhiều vi phạm tiêu chuẩn cấm kích động bạo lực, một ngày sau khi hai người biểu tình bị cảnh sát nổ súng bắn chết tại cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính ngày 1.2.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì lợi ích riêng và cảnh giác Trung Quốc, Ấn Độ im lặng trước cuộc đảo chính ở Myanmar