Trong 7 người bị ngộ độc botulium tại TP.Thủ Đức ( TP.HCM) có 1 trường hợp bị nặng tử vong là ăn món bún mắm do vợ nấu.
Thông tin về kết quả điều tra, xử lý vụ ngộ độc botulinum xảy ra hồi giữa tháng 5.2023, chiều 15.6, Nguyễn Văn Khuôn – Trưởng Phòng Y tế TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, tổng số người mắc/ tổng số người ăn là 7/7 người; trong đó phường Long Thạnh Mỹ có 4/4 người, phường Thạnh Mỹ Lợi có 2/2 người, phường Cát Lái có 1/1 người.
Các bệnh nhân Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Huynh, Nguyễn Thị Xuân và Nguyễn Thị Hồng (ngụ số 35/4 đường 23 khu Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức) mua 1 cây giò chả 250mg cùng 8 ổ bánh mì vào lúc 7 giờ ngày 13.5.2023 và ăn vào lúc 10 giờ cùng ngày. Trong đó bà Hồng ăn ít nhất, chỉ ăn 1/3 bữa rồi bận việc phải đi Vũng Tàu. Những người còn lại ăn hết số giò chả trên và 6 ổ bánh mì. Đến 9 giờ sáng 14.5, bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngộ độc.
Đối với 2 anh em Lê Ngọc Thưởng (sinh năm 2005) và Lê Ngọc Thuận (sinh năm 1997) hành nghề vá xe ở các trục lộ đường, các ngành chức năng đã phải rất vất vả mới tìm ra địa chỉ của 2 bệnh nhân này.
Cả 2 em này mua cây giò chả 30 nghìn đồng cùng với 2 ổ bánh mì. Sau khi ăn xong, đến sáng hôm sau, người anh còn khỏe thấy người em bị bệnh nên đưa vào bệnh viện, đến chiều cùng ngày thì người anh cũng bị bệnh nặng phải nhập viện.
“Chỉ riêng ông Phan Văn Hưng (sinh năm 1978) là ăn bún mắm do vợ nấu. Có 4 người ăn món bún mắm này, nhưng chỉ có ông Hưng ăn nhiều nhất và cuối cùng bệnh nhân bị ngộ độc nặng đã tử vong”, ông Khuôn cho biết.
Như vậy, đến thời điểm này, có 2 người (Nguyễn Văn Huynh và Nguyễn Thị Xuân) đã khỏe mạnh được xuất viện; còn 3 bệnh nhân đang điệu trị tại bệnh viện, trong đó 2 bệnh nhân đã đáp ứng được chỉ số sinh học, tiên lượng tốt, 1 bệnh nhân vẫn còn thở máy thụ động; 1 bệnh nhân tử vong (Phan Văn Hưng).
Theo ông Khuôn, đến thời điểm này kết quả điều tra cho thấy các kết quả xét nghiệm đều âm tính và không tìm ra mối liên quan ngộ độc thực phẩm đối với các thực phẩm trên“ Mặc dù vậy, xu hướng chung vẫn là do giò chả, bánh mì và bún mắm”, ông Khuôn nhấn mạnh.
Ông Khuôn cho biết trong quá trình truy vết nguồn gốc đến từng đối tượng. Theo đó, những người này khai, hàng ngày lấy chả lụa từ nhà mình sản xuất mang đi các nơi chào bán, nếu nơi nào có nhu cầu thì cung cấp. “Những người này giao hàng khắp các nơi, có nơi không rõ địa chỉ, địa bàn rất rộng nên việc truy vết gặp rất nhiều khó khăn. Sự việc xảy ra ngày hôm sau, các cơ quan chức năng cố gắng tìm mẫu thức ăn trước đó thì đã không còn. Đây là khó khăn nhất của chúng tôi ”, ông Khuôn nói.
Theo lãnh đạo Phòng Y tế TP.Thủ Đức, hiện đơn vị đang đề xuất xử lý 2 cơ sở sản xuất giò chả không phép cung cấp cho người tiêu dùng. Cả 2 cơ sở này đều không có biển hiệu, tự mua thịt ở chợ mang về nhà làm rồi đem đi bỏ mối hay bán hàng rong.
“Chúng tôi đã yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động hôm 17.5; niêm phong toàn bộ 4 tủ thực phẩm; lấy mẫu xét nghiệm và phối hợp với cảnh sát môi trường truy xuất tất cả nguồn gốc thực phẩm mà người này mua về làm giò chả; xử phạt về hành vi không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Hiện chúng tôi đang chờ kết quả điều tra của công an sẽ có kết luận xử lý cuối cùng”, ông Khuôn cho biết.