Hai công ty nghiên cứu hôm 26.10 cho biết doanh số bán smartphone của Huawei tại Trung Quốc đã tăng mạnh trong quý 3/2023 khi nhiều người mua dòng Mate 60, điều này đang giúp hãng thu hẹp khoảng cách thị phần với các thương hiệu hàng đầu, trong đó có Apple.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, Huawei đã ghi nhận doanh số bán smartphone tăng 37% trong quý 3/2023 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ ra mắt dòng Mate 60. Trong khi hãng Canalys lưu ý rằng thị phần của Huawei tiếp tục tăng và đang thu hẹp khoảng cách với các đối thủ hàng đầu.
Điều này đánh dấu sự trở lại của Huawei, vốn có hoạt động kinh doanh smartphone bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ áp đặt với công ty kể từ năm 2019.
Smartphone Mate 60 Pro của Huawei đã thu hút sự chú ý toàn cầu sau khi ra mắt vào tháng 8 do sử dụng chip tiên tiến Kirin 9000s được SMIC sản xuất trong nước, mà nhiều nhà phân tích và người dùng đánh giá rằng đây là biểu tượng cho cách công ty đã vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ. SMIC là nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc.
Nhà phân tích Lucas Zhong của Canalys nhận định: “Nếu chip Kirin mới của Huawei được mở rộng sang các dòng sản phẩm tầm trung và cấp thấp trong tương lai, nó sẽ có khả năng phá vỡ hơn nữa sự cạnh tranh giữa các thương hiệu hàng đầu trên thị trường”.
Counterpoint nói nghiên cứu của họ cho thấy Huawei đã giành được vị trí thương hiệu smartphone lớn thứ 6 tại Trung Quốc trong quý 3/2023 với thị phần 12,9%, tăng từ mức 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Counterpoint cũng chỉ ra rằng tổng doanh số bán smartphone ở Trung Quốc đã giảm 3% trong quý 3/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài xu hướng giảm khi nền kinh tế phát triển chậm lại và người tiêu dùng quan tâm đến chi phí trì hoãn việc nâng cấp điện thoại.
Canalys lưu ý rằng 5 thương hiệu smartphone hàng đầu ở Trung Quốc đều có doanh số sụt giảm hoặc không thay đổi so với năm ngoái. Vivo giảm mạnh nhất ở mức 26%, tiếp theo là Oppo với mức giảm 10%, Apple có mức giảm 6% và Honor với mức giảm 1%. Doanh số bán smartphone của Xiaomi trong quý 3/2023 không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Honor (từng là thương hiệu điện thoại giá rẻ của Huawei nhưng bị bán lại vào tháng 11.2020) đứng đầu Trung Quốc trong quý 3/2023 với doanh số 11,8 triệu chiếc smartphone và chiếm 18% thị phần, theo Canalys. Oppo và Apple đồng hạng ở vị trí thứ hai, đều có 16% thị phần.
Apple duy trì thứ hạng cao một phần nhờ vào việc bắt đầu bán ra dòng iPhone 15 tại Trung Quốc vào ngày 22.9.
Hồi đầu tháng này, Counterpoint cho biết Huawei đã bán được khoảng 1,6 triệu chiếc dòng Mate 60 trong vòng 6 tuần đầu tiên. Tuy nhiên, doanh số bán dòng iPhone 15 của Apple lại kém hơn doanh số bán dòng iPhone 14 ban đầu, theo Counterpoint.
Các nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc đang điều chỉnh giá iPhone 15 với mức giảm lên tới 1.501 nhân dân tệ (5 triệu đồng).
Theo Reuters, các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc đang bị sụt giảm doanh số bán hàng nghiêm trọng do người tiêu dùng hạn chế mua sắm trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm. Việc hạ giá dòng iPhone 15 nhằm kích cầu cũng như hướng tới ngày Độc thân (11.11) sắp tới tại nước này.
JD.com đang triển khai mức giảm nhiều nhất, trong đó iPhone 15 bản 512 GB có giá 7.498 nhân dân tệ, thấp hơn 1.501 nhân dân tệ so với giá chính thức của Apple là 8.999 nhân dân tệ. JD.com cho biết việc thay đổi giá phù hợp với chiến lược của công ty năm nay là đưa ra giá thấp nhất có thể.
Trên một số hệ thống khác như Pinduoduo, giá iPhone 15 Plus bản 128 GB giảm hơn 900 nhân dân tệ (3 triệu đồng) so với giá bán lẻ 6.999 tệ của Apple. Còn trên Taobao của Alibaba, người dùng có thể mua iPhone 15 Pro Max bản 512 GB với giá 10.698 nhân dân tệ, thấp hơn 1.301 nhân dân tệ (4,4 triệu đồng) so với mức niêm yết của Apple.
Năm nay tại Trung Quốc, dòng iPhone 15 không ăn khách như dòng iPhone 14 trước đây. Giữa tháng 10, hãng Counterpoint cho biết doanh số dòng iPhone 15 giảm khoảng 4,5% so với dòng iPhone 14 sau 17 ngày lên kệ. Đây là màn khởi đầu thấp nhất của iPhone ở Trung Quốc kể từ năm 2018.
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies thậm chí ước tính mức sụt giảm của dòng iPhone 15 có thể lên tới hai con số. Họ ghi nhận tình trạng iPhone 15 được bán với "giá chiết khấu" so với giá niêm yết, phản ánh nhu cầu yếu của thị trường Trung Quốc với dòng iPhone mới.
Cách đây 1 tuần, Tim Cook - Giám đốc điều hành Apple đã gặp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc trong chuyến đi thứ hai tới nước này trong năm 2023 sau khi cơ quan quản lý yêu cầu tất cả ứng dụng ở nước này, gồm cả trên App Store, phải được chính quyền xem xét, theo trang SCMP.
Trong cuộc họp hôm 19.10 với Kim Tráng Long - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), Tim Cook cho biết Apple sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và giúp họ phát triển, đồng thời sẽ tạo ra một hệ sinh thái tốt hơn cho các nhà phát triển địa phương, theo tuyên bố từ bộ này.
Vào tháng 8, MIIT đã đưa ra thông báo yêu cầu tất cả ứng dụng ở Trung Quốc phải đăng ký với chính quyền nước này trước thời hạn cuối tháng 3.2024. Apple sau đó đã cập nhật các quy tắc về cửa hàng ứng dụng của mình, yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng phải có giấy phép phù hợp của Trung Quốc trước khi có thể xuất hiện trên App Store. Động thái này đã làm tăng lo ngại rằng người tiêu dùng trong nước sẽ không còn được truy cập vào các ứng dụng nước ngoài.
Thế nhưng, tuyên bố của MIIT về Tim Cook không đề cập đến các quy định mới với ứng dụng. Theo tuyên bố, Tim Cook cho biết Apple sẽ tích cực tham gia vào sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc và góp phần xây dựng ngành sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường ở nước này.
Trong cuộc họp, Kim Tráng Long cho biết rằng ông hi vọng Apple sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và đạt được “đôi bên cùng có lợi” bằng cách tham gia vào quá trình nâng cấp công nghiệp của đất nước. Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa với nền kinh tế toàn cầu khi gần đây nước này tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất.
Trong khi đó, Đinh Tiết Tường - Phó thủ tướng Trung Quốc nói với Tim Cook rằng tập đoàn này được hoan nghênh tham gia phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của quốc gia này.
“Trung Quốc sẵn sàng cung cấp nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, gồm cả Apple, phát triển ở nước này”, ông Đinh Tiết Tường nói với Tim Cook trong cuộc họp.
Tim Cook cho biết Apple tin tưởng vào triển vọng của thị trường Trung Quốc và sẵn sàng tăng cường hợp tác với nước này trong các lĩnh vực bao gồm sản xuất cao cấp và kinh tế kỹ thuật số.
Điều đáng nói là vào tháng 9, Trung Quốc đã mở rộng quy định hạn chế sử dụng iPhone của nhân viên nhà nước, yêu cầu nhân viên tại một số cơ quan trung ương ngừng sử dụng smartphone Apple tại nơi làm việc.
Cuộc gặp của Tim Cook với quan chức Trung Quốc diễn ra sau khi ông đến thăm các cơ sở sản xuất của Luxshare Precision Industry Co. Đây là nhà cung cấp lớn AirPods cho Apple, đã giành được đơn đặt hàng sản xuất iPhone 15 và gần đây được giao công việc lắp ráp kính thực tế hỗn hợp Vision Pro.