Jingjia Microelectronics lên kế hoạch phát triển các bộ xử lý đồ họa (GPU) ở thành phố Vô Tích, dấu hiệu mới nhất cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được khả năng tự cung cấp chất bán dẫn khi bị Mỹ trừng phạt.

Bước đi mới của nhà phát triển GPU hàng đầu Trung Quốc khi bị Mỹ trừng phạt

Sơn Vân | 31/07/2023, 22:24

Jingjia Microelectronics lên kế hoạch phát triển các bộ xử lý đồ họa (GPU) ở thành phố Vô Tích, dấu hiệu mới nhất cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được khả năng tự cung cấp chất bán dẫn khi bị Mỹ trừng phạt.

Theo trang SCMP, đã có thỏa thuận ban đầu giữa Jingjia Microelectronics (công ty niêm yết tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) và Khu Công nghệ cao Vô Tích, nơi sẽ tổ chức dự án này.

Dù quy mô đầu tư chi tiết không được tiết lộ, dự án dự kiến sẽ tạo ra sản lượng trị giá 5 tỉ nhân dân tệ (699 triệu USD) mỗi năm, theo tuyên bố hôm 30.7.

Đầu năm nay, Jingjia Microelectronics cho biết sẽ gọi vốn 4,2 tỉ nhân dân tệ để nghiên cứu và phát triển GPU.

Tuyên bố hôm hôm 30.7 không đề cập chi tiết về các khía cạnh sản xuất của dự án.

Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản và Hà Lan gần đây đã thắt chặt các quy tắc xuất khẩu để hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với các thiết bị sản xuất chip tiên tiến cần thiết để tạo ra bộ vi xử lý, bao gồm cả GPU - loại chip quan trọng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI).

Jingjia Micro tuyên bố là nhà phát triển GPU hàng đầu Trung Quốc, nhưng vẫn kém xa Nvidia, hãng cung cấp GPU hàng đầu thế giới có trụ sở ở Mỹ. Doanh thu của Jingjia Micro vào năm 2022 là 1,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 168 triệu USD), chỉ bằng một phần nhỏ so với doanh thu 27 tỉ USD cùng kỳ của Nvidia.

Mỹ đưa Jingjia Micro vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) vào tháng 12.2021, từ chối cho phép công ty có trụ sở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) tiếp cận các công nghệ của Mỹ, gồm cả phần mềm thiết kế chip, nếu không có sự chấp thuận từ chính phủ. Vào thời điểm đó, Jingjia Micro cho biết việc bị đưa vào danh sách đen này sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty.

Ba tháng trước khi bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ, Jingjia Micro bị Bộ Tài chính Mỹ gắn cờ là công ty có liên quan đến tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc bất kỳ công cụ phái sinh nào dựa trên chứng khoán của Jingjia Micro.

Chứng khoán phái sinh được phát hành trên cơ sở những công cụ đã có như cổ phiếu, trái phiếu, nhằm nhiều mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận. Thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường phát hành, mua đi bán lại các chứng từ tài chính, như quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn.

Jingjia Micro thâm nhập vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn Trung Quốc để sản xuất GPU làm nổi bật tình trạng khó khăn của nước này sau các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt từ Mỹ nhắm vào lĩnh vực chip. Các quy tắc của chính quyền Biden, được công bố vào tháng 10.2022, ngăn các hãng chip có trụ sở tại Trung Quốc tiến tới quy trình sản xuất dưới 10 nanomet, vốn ngày càng cần thiết để cung cấp sức mạnh cho các thiết bị tiêu dùng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Năm ngoái, TSMC (sản xuất GPU cho Nvidia) được cho đã ngừng sản xuất GPU BR100 do công ty khởi nghiệp Biren Technology (Trung Quốc) thiết kế, sau khi Mỹ cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Trong buổi lễ ký kết hôm 30.7, Zeng Wanhui - Chủ tịch Jingjia Micro nói với Zhou Wendong - Phó thị trưởng thành phố Vô Tích rằng công ty sẽ tận dụng thế mạnh của Vô Tích trong lĩnh vực chip để “tích hợp đầy đủ các nguồn lực thuận lợi”, hy vọng sẽ đạt được kết quả sớm về cả sản xuất và lợi nhuận kinh tế.

Jiangjia Micro tuyên bố họ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ với GPU hiệu suất cao được sử dụng trong các ứng dụng từ xử lý và lưu trữ tín hiệu cho đến radar cỡ nhỏ, theo thông tin trên trang web của mình.

buoc-di-moi-cua-nha-phat-trien-gpu-hang-dau-trung-quoc-khi-bi-my-trung-phat.jpg
Jingjia Microelectronics hợp tác với Khu Công nghệ cao Vô Tích để phát triển các GPU - Ảnh: Internet

Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thiết bị sản xuất chip từ Nhật trước khi bị hạn chế

Việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đã tăng hơn 41% trong tháng 6 so với tháng 5. Lý do bởi các nhà sản xuất chip Trung Quốc đổ xô tích trữ sản phẩm trước khi lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có hiệu lực từ 23.7.

Vào tháng 6, nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đạt 804 triệu USD, tăng 41,6% so với tháng 5, nhưng giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này được công bố bởi Ijiwei (cổng thông tin ngành công nghiệp chip Trung Quốc), trích dẫn dữ liệu hải quan nước này.

Trong số các thiết bị có giá trị cao nhất, nhập khẩu máy quang khắc để in thiết kế chip trên đĩa bán dẫn tăng 137,1% lên mức 62,4 triệu USD, còn nhập khẩu máy khắc và gỡ bỏ chất liệu không cần thiết trên đĩa bán dẫn tăng 370,1% lên mức 44,4 triệu USD.

Hoạt dộng trên diễn ra khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 23.7, yêu cầu các công ty trong nước phải xin giấy phép bán 23 loại thiết bị sản xuất chip cho nước ngoài. Danh sách này gồm các thiết bị để làm sạch, lắng đọng, in thạch bản và khắc.

Động thái trên của Nhật Bản diễn ra sau khi Hà Lan kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến từ ngày 30.6 theo lời kêu gọi từ Mỹ. Tháng 10.2022, Mỹ đã ban hành một bộ quy tắc xuất khẩu mới nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc phát triển chip tiên tiến và sau đó tạo áp lực để các đồng minh như Nhật Bản, Hà Lan làm theo.

Nhật Bản là nguồn cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất cho Trung Quốc kể từ năm 2015, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu. Năm 2022, giá trị nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đạt 10,7 tỉ USD, tăng 2,68 lần so với con số 3,98 tỉ USD năm 2015, theo báo cáo của Ijiewei. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị thiết bị sản xuất chip mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 13,2% xuống còn 4,83 tỉ USD. Điều này phù hợp với xu hướng giảm nhập khẩu chip trong cùng kỳ, phản ánh nỗ lực mở rộng của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến và thiết bị liên quan.

Từ tháng 1 đến tháng 6, nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2022 về số lượng. Trong khoảng thời gian này, nhập khẩu chip của Trung Quốc từ Nhật Bản và Hàn Quốc giảm lần lượt 11,1% và 19,6%.

Vào quý 2/2023, thiết bị sản xuất chip mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 10,5% so với quý trước và 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ijiwei cho biết khối lượng nhập khẩu chip của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quý 3/2022 do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Để trả đũa phương Tây và Nhật Bản, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại đất hiếm cần thiết cho sản xuất chip, từ ngày 1.8.

Bài liên quan
Ủy ban Hạ viện điều tra 4 công ty Mỹ vì đầu tư vào các hãng AI và chip Trung Quốc
Một ủy ban của Quốc hội đang điều tra 4 công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ vì đổ tiền vào các hãng công nghệ Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
4 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước đi mới của nhà phát triển GPU hàng đầu Trung Quốc khi bị Mỹ trừng phạt