Các quan chức cho biết các tàu tuần duyên Trung Quốc hôm 6.2 đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền kể từ khi luật hải cảnh có hiệu lực từ 1.2.

2 tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Nhật Bản lần đầu sau khi luật hải cảnh có hiệu lực

Nhân Hoàng | 06/02/2021, 09:16

Các quan chức cho biết các tàu tuần duyên Trung Quốc hôm 6.2 đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền kể từ khi luật hải cảnh có hiệu lực từ 1.2.

Luật hải cảnh có hiệu lực từ 1.2 cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà nước này coi là xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của mình.

Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, hai tàu tuần duyên Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản gần các đảo hoang vào khoảng 4 giờ 45 sáng 6.2.

Thời điểm đó, hai tàu đánh cá Nhật Bản đang ra khơi ở vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, theo Bộ chỉ huy Cảnh sát biển khu vực 11 có trụ sở tại thành phố Naha, tỉnh Okinawa, Nhật.

Bộ chỉ huy cho biết hai tàu Trung Quốc chĩa mũi dùi về phía hai tàu đánh cá Nhật trong động thái dường như nhằm tiếp cận họ, đồng thời cho biết thêm rằng hai tàu này đã được bảo vệ bởi các tàu tuần duyên Nhật Bản.

Các tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên xuất hiện xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người nhắm đạt được mục tiêu biến đất nước thành "cường quốc hàng hải".

Ngoài tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, Trung Quốc còn có tranh chấp chủ quyền hàng hải với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Yoshihide Suga vào cuối tháng 1.2021, Tổng thống Joe Biden đã nhắc lại "cam kết kiên định" của Mỹ trong việc bảo vệ quần đảo Senkaku theo hiệp ước an ninh lâu đời của hai nước.

2-tau-trung-quoc-xam-nhap-vung-bien-nhat-lan-dau-sau-khi-luat-hai-canh-co-hieu-luc.jpg
Đảo Uotsuri (trên), Minamikojima (dưới) và Kitakojima (giữa), được gọi là Senkaku ở Nhật Bản

Hôm 24.1, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nhật Bản, đã tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đảo nhỏ Senkaku mà Nhật đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông với Trung Quốc.

Ông Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - Nobuo Kishi xác nhận rằng Điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, quy định các nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản, bao gồm cả bảo vệ quần đảo Senkaku.

Hai bộ trưởng quốc phòng cũng tái khẳng định phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm suy yếu quyền quản lý quần đảo của Nhật Bản.

Nhật Bản ngày càng lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, bao gồm cả việc xâm nhập vào vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp.

Cuộc hội đàm đánh dấu cuộc đàm phán cấp bộ trưởng đầu tiên giữa Nhật và Mỹ kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống hôm 20.1.

Hai ngày sau khi ông Biden nhậm chức, Trung Quốc đã ban hành luật hải cảnh trao quyền hạn rộng rãi cho lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này.

Cụ thể, luật cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nổ súng vào các tàu nước ngoài trong một số trường hợp nhất định. Lực lượng này sẽ được trao quyền "thực hiện các hoạt động quốc phòng" theo lệnh của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan ra các quyết định quần sự hàng đầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký lệnh ban hành luật, có hiệu lực từ ngày 1.2. Động thái này diễn ra ngay sau khi cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan cam đoan với người đồng cấp Nhật Bản hôm 21.1 rằng quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý thuộc phạm vi của Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Nhật Bản.

Luật này có khả năng làm gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông không chỉ với Nhật mà cả với Mỹ.

Hơn 1.100 lượt tàu của Chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp quanh quần đảo hồi năm ngoái. Đó là con số cao kỷ lục và Nhật Bản buộc phải lên kế hoạch tăng cường tuần tra trong khu vực để đáp trả.

Bài liên quan
Báo Nhật phân tích toan tính của Trung Quốc khi cho phép hải cảnh nổ súng vào tàu nước khác
Thời điểm thông qua luật - ngay sau lễ nhậm chức của Biden hôm 20.1 - cho thấy Bắc Kinh có mục đích cảnh báo chính quyền mới của Mỹ rằng họ sẽ không lay chuyển lợi ích trên biển của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Nhật Bản lần đầu sau khi luật hải cảnh có hiệu lực