Trang Business Insider cho biết bên cạnh vũ khí công nghệ cao chứng minh được hiệu quả trong cuộc chiến tại Ukaine, loạt vũ khí cũ như mìn vẫn vô cùng hữu dụng.
Cuộc chiến tại Ukraine cho thế giới thấy năng lực tác chiến đáng nể của loạt vũ khí công nghệ cao như máy bay không người lái (UAV) hay hệ thống tác chiến điện tử (EW). Nhưng theo nhiều binh sĩ ngoài tiền tuyến, mìn cùng dây bẫy gây ra nhiều thương vong hơn.
Các bãi mìn dày đặc buộc quân đội Ukraine phải từ bỏ xe tăng phương Tây và vất vả thực hiện công việc rà phá. Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny nói với tờ The Washington Post: “Bạn chẳng thể làm gì với một chiếc xe tăng chỉ có vài lớp giáp vì bãi mìn quá sâu. Sớm muộn gì xe tăng cũng dừng lại rồi bị tiêu diệt bởi hỏa lực tập trung”.
Thay vì xe tăng, đội rà phá bom mìn tiến hành dọn đường cho bộ binh di chuyển - một công việc không hề đơn giản. Họ có thể xác định vị trí bẫy mìn bằng các tìm kiếm xác động vật xấu số. Thanh dò bằng sợi thủy tinh được sử dụng thay cho máy dò kim loại để tìm mìn kích hoạt bằng điện. Trong trường hợp không thể gỡ mìn, họ sẽ tiến hành kích nổ từ xa.
Tờ The New York Times cho biết mìn do lực lượng Nga đặt thường được chôn cùng với thiết bị chống xử lý khiến chất nổ bên trong phát nổ khi chạm vào. Thiếu tá Ukraine Maksym Prysyazhnyuk - chuyên gia rà phá bom mìn - lưu ý đến cách đặt mìn chống bộ binh ngay phía trước dây bẫy nhắm vào người cố gắng vô hiệu hóa dây bẫy.
Binh sĩ còn phải đối mặt với loại mìn phóng ra nhiều mảnh kim loại lẫn mảnh nhựa khi bị dẫm lên. Vết thương do mảnh nhựa gây ra rất khó điều trị vì bác sĩ không thể xác định vị trí mảnh nhựa găm vào cơ thể bằng phương pháp truyền thống như chụp X-quang.
Một bác sĩ quân y Ukraine cho biết số ca bị thương do mìn mà ông điều trị nhiều hơn số ca bị thương do pháo.
Tướng Mỹ về hưu Mark Kimmitt từng nhận xét việc cố gắng chọc thủng phòng tuyến Nga giống như cố gắng đi qua “20km địa ngục” với các lớp chiến hào, bẫy chống tăng, bãi mìn, dây thép gai.
Không chỉ Nga triển khai mìn sát thương. Tháng qua tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đề nghị giới chức Ukraine điều tra thông tin sử dụng “mìn bươm bướm” (nhỏ, kín khí, chứa đầy chất nổ lỏng và có thể nổi trên mặt nước) chống lại binh sĩ Nga.