Nếu tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể có lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước láng giềng trong khu vực, làm GDP tăng thêm đến 2% trong trung hạn đến dài hạn, vượt ra ngoài khuôn khổ dự báo”, ADB dự báo.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể 'giúp' GDP Việt Nam tăng 2% ngoài dự báo

03/04/2019, 14:05

Nếu tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể có lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước láng giềng trong khu vực, làm GDP tăng thêm đến 2% trong trung hạn đến dài hạn, vượt ra ngoài khuôn khổ dự báo”, ADB dự báo.

Ảnh minh họa từ Internet

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.

Rủi ro từ việc chậm cổ phần hóa DNNN

ADB cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao.

Theo ADB, tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại.

Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ năm 2018 và dự kiến hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu sắp diễn ra cũng là các nhân tố kích thích đầu tư trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh mà Việt Nam mang lại.

“Các hiệp định thương mại này thể hiện rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mở cửa nền kinh tế”, báo cáo nhận định.

Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu thành lập thêm 140.000 doanh nghiệp trong năm 2019, là tín hiệu tốt đối với cả hoạt động xuất khẩu, dòng vốn FDI và đầu tư tư nhân nói chung. Hoạt động đầu tư sẽ được hỗ trợ từ việc gia tăng chi tiêu đầu tư công trong năm nay và năm tới nhằm hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.

Xét theo ngành kinh tế, tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng sẽ chậm lại song vẫn được duy trì ở mức khá mạnh, với luồng vốn FDI đáng kể sẽ đổ vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu.

Khu vực dịch vụ trong năm 2019 sẽ được hưởng lợi nhờ thương mại bán buôn và bán lẻ, cũng như ngân hàng và tài chính tiếp tục tăng trưởng tốt. Số lượt khách du lịch đến Việt Nam dự báo sẽ tăng 16%/năm trong cả năm nay và năm sau. Ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng trưởng sát với mục tiêu chính phủ đề ra là 3,0%/năm.

Lạm phát được dự báo tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% năm 2020. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với VND và tình hình lạm phát, tương tự như tác động từ giá dầu thế giới giảm.

Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu.

“Nếu tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể có lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước láng giềng trong khu vực, làm GDP tăng thêm đến 2% trong trung hạn đến dài hạn, vượt ra ngoài khuôn khổ dự báo”, trích dự báo của ADB.

Với việc giảm tốc độ tăng trưởng GDP và kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng trong các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 sẽ được duy trì dưới mức 14% của năm ngoái.

Song song dó, nợ xấu - bao gồm số nợ đang được quản lý bởi Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam và các khoản nợ có vấn đề khác vẫn chưa được phân loại thành nợ xấu - sẽ giảm xuống mức dưới 5% tổng dư nợ của ngân hàng trong năm 2019 và 3% trong năm 2020.

“Điều này sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng trở nên ổn định và hiệu quả hơn, cũng như việc thực hiện các chuẩn mực Basel II và nới lỏng hạn chế đối với tỉ lệ sở hữu ngân hàng của nhà đầu tư ngoại”, ADB nhận định.

Theo tổ chức này, yếu tố rủi ro từ bên ngoài đối với triển vọng kinh tế Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Rủi ro trong nước có thể đến từ tiến độ chậm chạp của quá trình cải cách DNNN Kết quả cổ phần hóa DNNN trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.

Nguy cơ tiếp tục tụt hậu trong chuỗi giá trị toàn cầu

Theo ADB, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đồng đều của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là rào cản chính ngăn doanh nghiệp hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh các thị trường quốc tế ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch, môi trường và sức khỏe, SMEs ít được tiếp cận với các công nghệ mới có thể giúp họ vượt qua được các rào cản này.

Một nghiên cứu về doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới cho thấy SMEs ở Việt Nam chủ yếu coi việc đổi mới sản phẩm là một cách để giảm chi phí chứ không phải để nâng cao chất lượng.

Trên thực tế, các SMEs ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Năng lực mua sắm và ứng dụng công nghệ mới của họ bị hạn chế bởi khó tiếp cận vốn và thiếu lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết. Doanh nghiệp thường khó tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý do các điều kiện thế chấp vay vốn ngặt nghèo và thủ tục phức tạp, và thị trường vốn còn nghèo nàn.

Về tình trạng thiếu lao động có tay nghề, một khảo sát mới đây của ManpowerGroup cho biết, chỉ có 11% doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp được các kỹ năng cần thiết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, kỷ nguyên phát triển dựa trên “chi phí thấp, kỹ năng thấp” của Việt Nam đã qua, và Việt Nam phải trở thành một nền kinh tế dựa trên kỹ năng cao.

Để giải quyết được những căn nguyên gốc rễ của vấn đề chất lượng sản phẩm không đồng đều, các chính sách cần khuyến khích và hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ mới, và trên hết là đổi mới sáng tạo ở trong nước.

Theo đó, các SMEs cần có vốn để thuê mua trang thiết bị và công nghệ mới cho sản xuất. Việc phát triển các kỹ năng cần thiết đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện và đồng bộ với sự vào cuộc của chính phủ, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tư nhân. Nếu không cải thiện được khả năng tiếp cận vốn và kỹ năng, SMEs sẽ tiếp tục tụt hậu trên con đường hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lam Thanh

Bài liên quan
ADB: Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh tại các nền kinh tế ASEAN+3
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam giảm 0,4% so với quý trước do khối lượng lớn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
một giờ trước Thị trường và chính sách
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể 'giúp' GDP Việt Nam tăng 2% ngoài dự báo