Khi thế giới lần đầu tiên chứng kiến sức mạnh của chatbot ChatGPT của OpenAI vào tháng 11.2022, một bài đăng trên mạng xã hội đã nhanh chóng lan truyền ở Trung Quốc, cố gắng giải thích tại sao bước đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI) không xảy ra ở nước này.
Câu trả lời bởi một tác giả ẩn danh được chia sẻ nhiều nhất viết rằng các hãng công nghệ Trung Quốc thiếu tầm nhìn để chịu chi phí đầu tư dài hạn, thay vào đó chọn đẩy mạnh các công nghệ có thể thương mại hóa nhanh chóng.
Nhiều cư dân mạng nhận thấy nhận xét này thích hợp để mô tả nguồn gốc những thiếu sót về công nghệ của Trung Quốc. Bất chấp chính sách và hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của chính phủ, cũng như đầu tư tư nhân dồi dào, Trung Quốc chưa thể vượt qua Mỹ để tạo ra chatbot AI tiên tiến như ChatGPT.
Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức phiên họp đặc biệt với Bộ Chính trị. Kết luận của cuộc họp là AI có ý nghĩa chiến lược, có thể dẫn đến cuộc cách mạng công nghệ và những thay đổi công nghiệp với "tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và mô hình kinh tế chính trị quốc tế". Với sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, chính phủ và tư nhân đã đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp AI trong nước.
Những năm tiếp theo, Trung Quốc chứng kiến sự xuất hiện của “4 con rồng nhỏ” là Cloudwalk Technology, Megvii, SenseTime và Yitu. Tất cả đều tập trung vào lĩnh vực nhận dạng hình ảnh AI. Trong khi đó, các sản phẩm thương mại mang nhãn AI đã tràn ngập thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn SenseTime đã tung ra một robot được thiết kế dành riêng cho việc dạy trẻ em cách chơi cờ vua.
Đến năm 2021, các công ty Trung Quốc tuyên bố đã sản xuất 21 mô hình ngôn ngữ lớn, tăng từ chỉ 2 mô hình vào 2020, ngang hàng với Mỹ. Theo hãng thiết kế chip AI Nvidia, một mô hình ngôn ngữ lớn đại diện cho thuật toán học sâu có thể nhận dạng, tóm tắt, dịch, dự đoán và tạo văn bản cũng như nội dung khác dựa trên kiến thức thu được từ các tập dữ liệu khổng lồ.
Thế nhưng, sự xuất hiện của ChatGPT đã phá tan ảo tưởng rằng Trung Quốc đang cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ về AI.
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) cuối tuần trước, Chu Hồng Y nói trình độ kiến thức của Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang chậm hơn khoảng 2 đến 3 năm so với OpenAI, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ) tạo ra ChatGPT. Chu Hồng Y là người sáng lập công ty an ninh mạng 360 Security Technology và là chuyên gia kỳ cựu trong ngành có quan hệ gần gũi với chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, khoảng cách công nghệ đó không ngăn cản các công ty và doanh nhân Trung Quốc quảng cáo kế hoạch tung ra các đối thủ của ChatGPT ở quốc gia này. Chatbot của OpenAI chưa trình làng chính thức ở Trung Quốc do chính sách của chính phủ về kiểm duyệt nội dung.
Vào tháng 3, gã khổng lồ tìm kiếm internet Baidu đã ra mắt Ernie Bot, trở thành hãng công nghệ lớn đầu tiên ở Trung Quốc ra mắt dịch vụ giống như ChatGPT của riêng mình.
Vương Huy Oán (đồng sáng lập dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng theo yêu cầu khổng lồ Meituan) và Lý Khai Phục (cựu Giám đốc Google Trung Quốc) đã bắt đầu những dự án mới để khám phá tiềm năng kinh doanh của AI.
Thế nhưng, các nhà phân tích cảnh báo rằng cơn sốt này có thể tồn tại trong thời gian ngắn do thiếu kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật, cộng với các hạn chế xuất khẩu của Mỹ với chip AI. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của một sản phẩm tương đương ChatGPT thực sự ở Trung Quốc.
Theo Bo Pei, nhà phân tích cổ phiếu tại hãng Tiger Securities, sự phô trương xung quanh ChatGPT chỉ cho thấy thị trường đang khao khát câu chuyện đầu tư mới đến mức nào.
“Sau rất nhiều năm phát triển, cả ngành công nghiệp internet của phương Tây lẫn Trung Quốc đều đã bão hòa và khao khát một hướng đi mới. Vấn đề đặt ra là bao lâu nữa các công cụ giống như ChatGPT sẽ thực sự tạo ra tác động hoặc tạo ra doanh thu có ý nghĩa”, Bo Pei nói.
Một trở ngại lớn là mạng internet có tường bao quanh của Trung Quốc. Với việc chính phủ Trung Quốc cấm hơn 1 tỉ người dùng internet truy cập nội dung chưa được kiểm duyệt, tài liệu mà các nhà nghiên cứu có thể sử dụng để đào tạo công cụ AI bị hạn chế hơn ở phương Tây.
Chẳng hạn, một bài kiểm tra ngẫu nhiên do trang SCMP thực hiện vào tháng 3 đã phát hiện ra rằng Ernie Bot của Baidu không thể trả lời các câu hỏi liên quan đến các chủ đề được Trung Quốc coi là nhạy cảm về chính trị.
Bà Dahlia Peterson, nhà phân tích nghiên cứu tại Centre for Security and Emerging Technology của Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết: “Việc kiểm duyệt chắc chắn có thể cản trở khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển một dịch vụ nội địa tương đương với ChatGPT. Ngay cả khi các công ty AI Trung Quốc có thể truy cập và sử dụng các nguồn tài nguyên dữ liệu cùng nghiên cứu toàn cầu để đào tạo các mô hình AI của họ, chính quyền Trung Quốc cũng không cho phép sử dụng bất kỳ tài liệu nào được coi là nhạy cảm về chính trị trong các câu trả lời”.
Dù việc kiểm duyệt sẽ không ngăn Trung Quốc đưa ra giải pháp của riêng mình thay thế ChatGPT, giống cách quốc gia này phát triển các công cụ tìm kiếm riêng sau khi Google rút khỏi thị trường, nhưng có thể mất 2 đến 3 năm để những công ty trong ngành phát triển các mô hình có sức mạnh ít nhất là 80% so với ChatGPT, theo công ty nghiên cứu Third Bridge.
Khi Trung Quốc tiếp tục đặt rào cản internet, khoảng cách giữa nước này với các nhà lãnh đạo AI toàn cầu, chẳng hạn Mỹ, có thể ngày càng lớn. Chỉ trong vòng 4 tháng sau khi ChatGPT ra mắt công chúng vào tháng 11.2022, OpenAI đã phát hành GPT-4 (mô hình ngôn ngữ lớn thế hệ tiếp theo) có nhiều khả năng tinh vi hơn, gồm cả phân tích hình ảnh.
Theo Phelix Lee, nhà phân tích chứng khoán tại hãng Morningstar Asia, việc Trung Quốc thiếu khả năng tiếp cận với những chip tốt nhất để đào tạo AI có thể làm trì hoãn thêm nỗ lực bắt kịp Mỹ.
Nvidia, công ty Mỹ thống trị chip AI cao cấp, bị chính quyền Biden hạn chế xuất khẩu chip H100 và A100 cho khách hàng ở Trung Quốc. Nvidia hiện sản xuất chip được thiết kế riêng, có hiệu suất thấp hơn cho thị trường Trung Quốc.
Phelix Lee cho biết: “Sự phát triển AI của Trung Quốc có thể bị tắc nghẽn bởi các hạn chế từ Mỹ nếu quốc gia châu Á không thể tăng cường khả năng cung cấp phần cứng và giải quyết vấn đề phụ thuộc vào mức độ tinh vi của các hệ thống AI”.
Mức độ to lớn của thách thức đó có thể được minh họa rõ ràng bởi sự miễn cưỡng của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, ngoại trừ Baidu, trong việc giới thiệu bất kỳ dịch vụ nào giống như ChatGPT với công chúng.
Alibaba vẫn chưa đưa ra thời gian biểu cho việc ra mắt sản phẩm thương mại dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn của mình dù đã đầu tư vào AI trong nhiều năm.
Tencent Holdings cũng không cung cấp bất kỳ kế hoạch ra mắt nào, chỉ nói rằng họ sẽ tiếp tục đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như học máy.
Trong khi đó, Baidu nhận thấy Ernie Bot của họ liên tục bị so sánh với ChatGPT.
Cổ phiếu Baidu đã tăng 14% sau khi công ty công bố kế hoạch tung ra chatbot AI vào tháng 2. Dù vậy, cổ phiếu Baidu mất 10% vào ngày ra mắt Ernie Bot do người sáng lập Lý Ngạn Hoành trình diễn công nghệ này bằng các video được quay trước thay vì trực tiếp.
Tháng trước, Lý Ngạn Hoành thừa nhận rằng Ernie Bot tụt hậu so với ChatGPT trong khoảng 1 hoặc 2 tháng. Song, ông cũng giảm nhẹ ý nghĩa địa chính trị của Ernie Bot, nói rằng đó “không phải là công cụ để Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ”.
Còn quá sớm để dự đoán doanh thu hoặc lợi nhuận mà các công ty có thể tạo ra từ những thứ như ChatGPT, vì họ vẫn đang khám phá những ứng dụng thực tế từ chatbot này, theo Wang Kai, nhà phân tích chứng khoán cấp cao tại hãng Morningstar Asia. Wang Kai nói: “Chúng tôi được khuyến khích bởi các khả năng, nhưng vẫn cần tìm hiểu chính xác chatbot sẽ được kiếm tiền như thế nào”.
Baidu cho biết muốn tích hợp Ernie Bot trên tất cả hoạt động kinh doanh hiện tại của mình, bắt đầu với công cụ tìm kiếm, để “định hình lại cách tạo và trình bày thông tin”. Công nghệ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ loa thông minh Xiaodu của Baidu, thiết bị tự lái Apollo và nền tảng video iQiyi, công ty cho biết.
Theo Baidu, hơn 650 tổ chức Trung Quốc đã công bố quan hệ đối tác với Ernie Bot, gồm cả thương hiệu smartphone Honor, trang web đặt phòng du lịch Ctrip, nhà sản xuất ô tô Geely Auto, hãng điện tử lớn Lenovo Group và TCL. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều hãng công nghệ Trung Quốc nhảy vào cuộc chơi chatbot, nhiều người có thể thấy những khoản đầu tư đắt đỏ của họ không thành công, theo Lu Yanxia, Giám đốc nghiên cứu của hãng tư vấn công nghệ thông tin IDC.
Chỉ dựa vào các mô hình ngôn ngữ lớn sẽ không mang lại lợi thế bền vững cho bất kỳ công ty nào, Lu Yanxia viết trong một ghi chú nghiên cứu. Bà cho biết các công nghệ giống như ChatGPT cũng sẽ có tác động hạn chế đến thị trường vào thời điểm hiện tại, trong khi nhiều mô hình AI liên quan thậm chí có thể trở nên không phù hợp về lâu dài.
“Các mô hình ngôn ngữ này sẽ phát triển và đóng góp vào sự ra đời của generative AI. Việc áp dụng các mô hình ngôn ngữ này sẽ thúc đẩy sự thay đổi mô hình trong phát triển AI và thu hẹp chuỗi ngành”, nghiên cứu kết luận.
Một số chuyên gia đã đi xa hơn khi kêu gọi các hãng công nghệ và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới tạm dừng đào tạo các mô hình AI mạnh hơn GPT-4.
“Các hệ thống AI với trí thông minh cạnh tranh với con người có thể gây ra rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại”, tổ chức phi lợi nhuận Future of Life Institute viết trong một bức thư ngỏ tuần này, có chữ ký của Elon Musk, nhà đồng sáng lập Apple - Steve Wozniak và hơn 1.800 người khác tính đến ngày 31.3.