Đợt phản công giành thắng lợi nhanh chóng của Ukraine khiến châu Âu một lần nữa phải suy tính có nên đẩy mạnh cung cấp khí tài hay không.

Châu Âu lại đau đầu vì vấn đề cung cấp khí tài cho Ukraine

Cẩm Bình | 13/09/2022, 15:56

Đợt phản công giành thắng lợi nhanh chóng của Ukraine khiến châu Âu một lần nữa phải suy tính có nên đẩy mạnh cung cấp khí tài hay không.

Đẩy mạnh cung cấp khí tài là vấn đề nhạy cảm tại nhiều quốc gia châu Âu – nơi khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt làm dấy lên cảnh báo về tình trạng kiệt quệ vì chiến tranh. Nhưng sau đợt phản công Ukraine vừa mới phát động, tranh luận bắt đầu đổi chiều theo hướng có lợi cho phe ủng hộ viện trợ quân sự.

Chính phủ Ukraine lên tiếng đầu tiên. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba ngày 12.9 phát biểu: “Chúng tôi đang lật ngược tình thế và cần thêm vũ khí hạng nặng cùng đạn dược từ đồng minh để thừa thắng xông lên, cứu nhiều người hơn, giải phóng nhiều vùng lãnh thổ hơn. Viện trợ quân sự chúng tôi nhận được càng nhiều thì cuộc chiến càng kết thúc nhanh hơn. Vì vậy Ukraine kêu gọi các đối tác nhanh cung cấp những gì quân đội Ukraine cần nhằm đưa chiến thắng và hòa bình đến gần hơn nữa”.

Tuy nhiên, tốc độ viện trợ không thể thay đổi ngay. Phản công thắng lợi không hứa hẹn đem lại thay đổi trong dài hạn cho cuộc chiến, nguồn cung khí tài của nhiều quốc gia châu Âu đang ở mức thấp, một số quốc gia như Pháp hay Đức dù đủ khả năng đẩy mạnh cung cấp cũng không muốn làm vậy.

download.jpg
Ukraine phản công ở phía đông bắc - Ảnh: AP

Tia sáng hy vọng

Ngoại trưởng Kuleba đưa ra lời kêu gọi viện trợ khi quân đội Ukraine cuối tuần qua phản công thắng lợi ở phía đông bắc, chiếm lại hàng loạt địa điểm quan trọng trên địa bàn vùng Donbas. Ông nhấn mạnh bước tiến của quân đội Ukraine cho thấy viện trợ phương Tây đem lại kết quả đáng kinh ngạc.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho rằng: “Cần đẩy nhanh hợp tác và đẩy nhanh vận chuyển, đặc biệt là đạn dược, huấn luyện, bảo dưỡng khí tài”.

Bên viện trợ cho Ukraine nhiều nhất là Mỹ chứ không phải châu Âu, nhưng đợt phản công mới đây thắp lên hy vọng Kyiv thuyết phục được các quốc gia lục địa già hành động nhiều hơn nữa.

Quan chức ngoại giao một nước thành viên NATO nhận định: “Tôi chắc rằng thắng lợi mới đây sẽ củng cố quyết tâm của phe ủng hộ Ukraine. Đây là tia sáng có thể chuyển thành sự đoàn kết và hỗ trợ cho Ukraine nhiều hơn”.

uk.jpg
Ukraine mong muốn sớm nhận thêm viện trợ - Ảnh: Getty Images

Đức, Pháp không định thay đổi

Phản ứng ban đầu ở Đức và Pháp lại chẳng mấy lạc quan cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã bác bỏ khả năng đẩy mạnh cung cấp khí tài, lấy lý do kho khí tài nước này cạn kiệt sau nhiều năm không đầu tư đúng mức.

Lý do Bộ trưởng Lambrecht không đủ để giúp giảm nhẹ sức ép mà Thủ tướng Olaf Scholz phải chịu. Đồng lãnh đạo đảng Xanh (thuộc liên minh cầm quyền tại Đức) Omid Nouripour kêu gọi viện trợ xe tăng hiện đại. Đại sứ Mỹ tại Đức Amy Gutmann phát biểu trên đài truyền hình ZDF: “Tôi đặt kỳ vọng lớn vào Đức”.

Thủ tướng Scholz bảo vệ cách tiếp cận thận trọng hiện tại. Ông khẳng định số khí tài Đức viện trợ trước đó đang giúp Ukraine tiến hành phản công.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron may mắn không phải chịu sức ép như Thủ tướng Scholz, mặc dù viện trợ Paris dành cho Ukraine xếp sau Anh, Đức, Ba Lan, Estonia và Đan Mạch.

Ngày 12.9, ông tái khẳng định quan điểm Pháp không nên chạy đua cung cấp khí tài mà nên tập trung tránh làm leo thang căng thẳng.

Một số chuyên gia cho rằng Pháp nên hành động nhiều hơn khi cuộc chiến bước vào thời khắc quan trọng.

Chuyên gia về quan hệ Pháp - Nga Nicolas Tenzer thuộc Học viện Chính trị học Paris kêu gọi: “Chúng ta cần tăng tốc chuyển giao vũ khí, thêm xe tăng cùng hệ thống phòng thủ nữa, mặc dù làm vậy khiến kho dự trữ nước ta rơi xuống mức thấp”.

Thông điệp từ NATO

Khi Ukraine tiến hành phản công, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gửi đi hai thông điệp cho các nước thành viên: “Thứ nhất, chúng tôi hoan nghênh viện trợ trước đó và kêu gọi viện trợ nhiều hơn nữa, chúng tôi hối thúc gửi đi nhiều khí tài dự trữ hơn. Thứ hai, chúng ta tất nhiên phải sản xuất nhiều hơn”.

Hai thông điệp như lời chỉ trích ngầm gửi đến Đức. Theo nghị sĩ Đức trung hữu Roderich Kiesewetter: “Đây rõ ràng là thông điệp dành cho Bộ trưởng Lambrecht và Thủ tướng Scholz. Lập luận giữ lại vũ khí cho quốc phòng hay cho việc thực hiện nghĩa vụ NATO không thuyết phục”.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nhắc nhở: “Thật tốt khi thấy Ukraine đang làm tốt, nhưng chúng ta không thể quên rằng một vùng lãnh thổ rất lớn hiện vẫn bị chiếm đóng và mùa đông đang đến. Chúng ta phải giúp Ukraine càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt”.

Bài liên quan
Aston Villa cứu bóng đá Anh khỏi cảnh sạch bóng tại châu Âu
Aston Villa đã giúp cho bóng đá xứ sở Sương mù thoát khỏi cảnh sạch bóng tại Cúp châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu lại đau đầu vì vấn đề cung cấp khí tài cho Ukraine