Người dân Trung Quốc muốn chính phủ trả đũa Mỹ bằng cách bắt Apple bán bộ phận hoạt động ở nước này cho Huawei.

‘Cho phép Huawei mua Apple ở Trung Quốc khi Microsoft mua TikTok tại Mỹ’

04/08/2020, 12:40

Người dân Trung Quốc muốn chính phủ trả đũa Mỹ bằng cách bắt Apple bán bộ phận hoạt động ở nước này cho Huawei.

Tối hậu thư Tổng thống Donald Trump gửi đến ByteDance rằng phải bán TikTok ở Mỹ hoặc bị cấm vào ngày 15.9 làm dấy lên những nghi ngờ từ lâu ở Trung Quốc rằng Mỹ cố phá hoại những nỗ lực phát triển công nghệ của họ. Việc này cũng gây lo ngại cho các công ty Trung Quốc đang có tham vọng toàn cầu hóa trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Sau nhiều tháng cố gắng xoa dịu chính quyền ông Trump nhưng bất thành, việc ByteDance phải bán mảng kinh doanh TikTok ở Mỹ cho Microsoft đồng nghĩa Trung Quốc có thể sẽ mất quyền lực vô hình kiểm soát internet toàn cầu, trong tham vọng trở thành người khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới, ở thị trường quan trọng nhất.

Chuyển giao bộ phận TikTok hoạt động ở Mỹ cho Microsoft cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty internet khác của Trung Quốc chứa đựng khát vọng toàn cầu hóa, như Alibaba hay Tencent với ứng dụng di động WeChat đang bị các quan chức hàng đầu Mỹ nhắc đến như mối lo về an ninh quốc gia.

Trong mắt lãnh đạo Bắc Kinh, việc Washington mạnh tay với TikTok - một trong những công ty công nghệ toàn cầu có giá trị nhất của họ - là bằng chứng nữa cho thấy Mỹ coi bất kỳ công ty công nghệ Trung Quốc nào là thách thức với công nghệ của mình.

Trong hai năm qua, chính quyền ông Trump đã bày tỏ mối lo ngại về an ninh quốc gia xoay quanh Huawei, công ty viễn thông Trung Quốc khổng lồ, mà Mỹ cố gắng đưa vào danh sách đen trên toàn thế giới.

Ông Uông Văn Bân công kích Washington vì hành động buộc ByteDance phải bán TikTok ở Mỹ.

Hôm qua, Bắc Kinh, nơi cấm các công ty lớn nhất của Thung lũng Silicon (Mỹ) giành được chỗ đứng ở Trung Quốc vì cho rằng họ không tuân thủ luật pháp nước này, đã công kích Mỹ vì hành động buộc ByteDance phải bán TikTok.

“Ngừng chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại, ngừng lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, ngừng theo đuổi các chính sách phân biệt đối xử và loại trừ”, là lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân nhắn nhủ Washington trong một cuộc họp ngắn.

Sau tuyên bố cân nhắc cấm TikTok hoàn toàn ở Mỹ của Tổng thống Trump hôm 31.7, Thời báo Toàn cầu (cơ quan ngôn luận của Trung Quốc) đã chế nhạo việc “truy sát và cướp TikTok do Chính phủ Mỹ kết hợp với các công ty công nghệ cao nước này thực hiện”.

Trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, nhiều người dùng cũng bày tỏ sự phẫn nộ vì chuyện này. Trong đó, một số người trên mạng xã hội Weibo đã cáo buộc chính quyền ông Trump đánh lạc hướng cử tri bằng cách ngăn chặn sự trỗi dậy của TikTok.

Trên Douyin, ứng dụng tương tự TikTok được ByteDance cung cấp cho thị trường Trung Quốc, xuất hiện các video bình luận về lệnh cấm TikTok có thể được ban hành ở Mỹ. Một bình luận phổ biến đề nghị “Huawei được phép mua bộ phận Apple hoạt động ở Trung Quốc”.

Những người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng công kích Trương Nhất Minh (người sáng lập kiêm CEO Bytedance) và chế giễu ông quỳ gối trước Washington.

Trước sức ép từ chính quyền ông Trump, Trương Nhất Minh buộc phải bán TikTok ở Mỹ dù không muốn.

Hôm qua, Trương Nhất Minh nhắn gửi nhân viên qua một bức thư rằng ByteDance đang phải đối mặt với áp lực to lớn ở nước ngoài và dù đã nỗ lực thuyết phục chính quyền ông Trump rằng có thể đưa ra các giải pháp kỹ thuật để giảm bớt những lo ngại nhưng vẫn bị buộc bán TikTok tại Mỹ nếu không sẽ bị cấm.

“Tôi hy vọng tất cả mọi người có thể duy trì tinh thần tốt trong bối cảnh hỗn loạn và thách thức”, Trương Nhất Minh viết và cho biết mong muốn trở thành một công ty toàn cầu đã thay đổi. Dù vậy, Trương Nhất Minh tin tưởng rằng ByteDance có thể đưa ra quyết định tốt trong các tình huống phức tạp.

“Không giống như những đại gia công nghệ Trung Quốc khác - đã nỗ lực mở rộng toàn cầu trong khi giành được người hâm mộ tại quê nhà bằng cách nhân bản các nền tảng ở phương Tây, thành công đột phá của TikTok là sự đổi mới cho chính họ. TikTok là thời điểm mà công nghệ Trung Quốc chuyển từ ‘sao chép về Trung Quốc’ sang ‘sao chép từ Trung Quốc . Video ngắn tạo ra sức hút lớn ở Trung Quốc đầu tiên và khi ByteDance chuyển sang thị trường Mỹ, họ đang dẫn đầu xu hướng lớn”, Matthew Brennan, nhà tư vấn công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc nhận xét.

Ngay cả khi đàm phán để bán TikTok ở Mỹ cho Microsoft, ByteDance vẫn cố mở rộng sang thị trường khác để giảm thiểu mối lo ngại từ người dùng toàn cầu, gồm cả chuyển trụ sở TikTok ra ngoài Trung Quốc đến Thủ đô London (Anh) hoặc Dublin (Ireland).

Việc chia tách hoạt động ở nước ngoài của TikTok có thể gây ra nhiều điều khó chịu. Các kỹ sư sẽ phải giải quyết vấn đề kỹ thuật của TikTok từ ứng dụng bản sao Douyin ở Trung Quốc, trong đó có chia sẻ một số mã được sử dụng trong hệ thống đề xuất video.

Theo The Wall Street Journal, thuật toán của hai ứng dụng này được các kỹ sư ở Bắc Kinh và Thượng Hải xử lý. Nếu Microsoft mua bộ phận TikTok ở Mỹ, các thuật toán có thể sẽ phải phân chia ra theo thời gian.

Việc TikTok bị cấm ở Mỹ chắc chắn có tác động sâu sắc với tài chính ByteDance. Hiện Mỹ là thị trường lớn nhất của TikTok sau lệnh cấm ở Ấn Độ vào ngày 29.6.

Theo The Wall Street Journal, ngoài TikTok, ByteDance còn điều hành một số dịch vụ truyền thông xã hội và tin tức khác đem về cho họ doanh thu 140 tỉ nhân dân tệ (20 tỉ USD) vào năm ngoái, chủ yếu từ quảng cáo. Dự kiến doanh thu ByteDance ​​sẽ đạt 200 tỉ nhân dân tệ trong năm nay.

Các nhà đầu tư của Bytedance có tập đoàn khổng lồ SoftBank Group (Nhật Bản) cùng hai công ty Mỹ General Atlantic và Sequoia Capital. Vào tháng 3.2020, Tiger Global Management có trụ sở tại New York đã đầu tư vào ByteDance 100 tỉ đô la để hỗ trợ công ty này hướng tới đợt chào bán cổ phần công khai ban đầu ở Mỹ.

Ngay cả khi đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ mọi phía, Trương Nhất Minh vẫn duy trì niềm tin rằng TikTok sẽ trở thành đối thủ của Google và Facebook trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

WeChat nếu bị cấm ở Mỹ cũng không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận Tencent nhưng tạo ra mối lo khác.

Ngoài TikTok, các công ty công nghệ Trung Quốc khác có thể phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ các quan chức Hoa Kỳ và gặp phải những tình huống khó xử tương tự. Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo và cố vấn thương mại Nhà Trắng - Peter Navarro gần đây đã đe dọa sẽ cấm WeChat, ứng dụng chat di động phổ biến của Tencent.

Khác với TikTok, WeChat không đạt được nhiều sức hút ở nước ngoài. Ứng dụng này có tới 244 triệu người dùng hoạt động hàng ngày ở nước ngoài, chủ yếu từ người Trung Quốc và người ngoại quốc cần liên hệ với phía Trung Quốc vì lý do kinh doanh hoặc cá nhân.

Giống như TikTok, WeChat đã bị cấm ở Ấn Độ, thị trường nước ngoài lớn nhất với 69 triệu người dùng.

Theo ứng dụng thống kê dữ liệu di động Apptopia, WeChat có 19 triệu người dùng tại Mỹ.

Lệnh cấm WeChat sẽ gây bất tiện cho người dùng và các nhà chức trách Trung Quốc (sử dụng WeChat như công cụ để theo dõi cộng đồng người Trung Quốc và những nhà bất đồng chính kiến ​​sống lưu vong), song tác động đến lợi nhuận Tencent là rất nhỏ vì họ không phụ thuộc vào người dùng nước ngoài để kiếm tiền, theo các nhà phân tích của Wap.

Điều đáng quan tâm hơn là tác động lâu dài với tham vọng toàn cầu hóa của Tencent về các hoạt động khác thuộc mảng game, dịch vụ đám mây và dịch vụ tài chính.

Dù vậy, một lệnh cấm tiềm năng với WeChat ở Mỹ sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Tencent và khiến họ càng thận trọng hơn trong việc mở rộng kinh doanh ở nước ngoài.

Shawn Yang, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors cho biết, Tencent sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các đối tác địa phương trong việc kinh doanh ở nước ngoài.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Thượng nghị sĩ nói ông Trump không thể phớt lờ lệnh với TikTok, lo ngại mối quan hệ của Elon Musk và Apple với Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal thuộc đảng Dân chủ cho biết ông Trump có thể thử thay đổi luật yêu cầu ByteDance (Trung Quốc) thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ, nhưng "quan điểm trong Quốc hội ủng hộ luật này khá mạnh mẽ” .

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
34 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Cho phép Huawei mua Apple ở Trung Quốc khi Microsoft mua TikTok tại Mỹ’