Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chinese Lunar Exploration Programme (Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc), dự đoán nước này có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua đưa đá từ sao Hỏa về Trái đất. Đây là gợi ý đầu tiên như vậy từ các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc.
Nhịp đập khoa học

Chuyên gia tự tin Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa về Trái đất

Sơn Vân 26/04/2024 22:55

Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chinese Lunar Exploration Programme (Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc), dự đoán nước này có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua đưa đá từ sao Hỏa về Trái đất. Đây là gợi ý đầu tiên như vậy từ các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ Thiên Vấn 3 vào khoảng năm 2030 để thực hiện sứ mệnh lấy mẫu sao Hỏa”, Wu Weiren nói trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Vũ trụ Trung Quốc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc mới đây.

Wu Weiren, người đồng thời là Giám đốc Phòng thí nghiệm thám hiểm không gian sâu mới thành lập ở thành phố Hợp Phì (tỉnh An Huy), cho biết: “Trước những tiến bộ đang đạt được trên khắp thế giới, chúng tôi dự kiến ​​sẽ trở thành quốc gia đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa”.

Wu Weiren là quan chức không gian cấp cao đầu tiên của Trung Quốc công khai đưa ra dự đoán như vậy. Ngoài ra, ông tiết lộ Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch cho dự án xây dựng phòng thí nghiệm mẫu sao Hỏa đầu tiên trên thế giới.

Sun Zezhou, đồng nghiệp của Wu Weiren và nhà thiết kế chính của sứ mệnh Thiên Vấn 1 năm 2021, vào tháng trước nói rằng tất cả công nghệ chính cần thiết cho Thiên Vấn 3 đều đã sẵn sàng và công việc đang tiến triển suôn sẻ.

“Cho đến nay, chưa có quốc gia nào thực hiện được việc lấy mẫu từ sao Hỏa”, Sun Zezhou nói với Đài truyền hình trung ương CCTV, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc phải vượt qua hai thách thức lớn để sứ mệnh Thiên Vấn 3 thành công.

“Một là lấy mẫu đá và sau đó cất cánh từ bề mặt sao Hỏa. Hai là điểm hẹn trên quỹ đạo và chuyển mẫu đến tàu trở về Trái đất. Chúng yêu cầu tàu vũ trụ của chúng ta phải cực kỳ thông minh ở cấp độ thiết kế hệ thống”, Sun Zezhou nói.

Theo Sun Zezhou, khi phân tích những mẫu đá thu được bằng các thiết bị hiện đại trên Trái đất, các nhà khoa học có thể trả lời tốt hơn các câu hỏi cơ bản như liệu còn nước trên sao Hỏa và hành tinh đỏ có tồn tại bất kỳ dạng sống nào trong quá khứ hay không.

Trung Quốc ngày càng có nhiều khả năng trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện sứ mệnh lấy mẫu trên sao Hỏa, dù Mỹ có lịch sử khám phá hành tinh đỏ lâu hơn nhiều, từ những năm 1960.

trung-quoc-tu-tin-vuot-my-tro-thanh-nuoc-dau-tien-lay-mau-tu-sao-hoa-ve-trai-dat.jpg
Trung Quốc dự kiến sẽ phóng tàu vũ trụ Thiên Vấn 3 vào khoảng năm 2030 để thực hiện sứ mệnh lấy mẫu sao Hỏa - Ảnh: AFP

Đến nay, Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia hiếm hoi hạ cánh mềm trên sao Hỏa, một trong số ít nơi trong hệ Mặt trời có thể tồn tại sự sống, khiến đó trở thành điểm đến chính để khám phá.

Tàu Thiên Vấn 1 từng giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ hạ cánh mềm xuống hành tinh đỏ vào năm 2021.

Hạ cánh mềm trên sao Hỏa là quá trình đưa tàu vũ trụ xuống bề mặt sao Hỏa một cách an toàn và nhẹ nhàng, hạn chế tối đa sự va đập và hư hại. Đây là một kỹ thuật rất phức tạp vì môi trường sao Hỏa khắc nghiệt với bầu khí quyển mỏng, lực hấp dẫn yếu và bề mặt gồ ghề.

Để thực hiện hạ cánh mềm, các tàu vũ trụ thường sử dụng nhiều phương pháp kết hợp, bao gồm:

Hệ thống hãm tốc: Giúp giảm tốc độ của tàu vũ trụ khi nó tiến vào bầu khí quyển sao Hỏa. Hệ thống này có thể gồm dù, tấm hãm tốc hoặc động cơ phản lực.

Hệ thống điều hướng: Giúp điều hướng tàu vũ trụ đến vị trí hạ cánh mong muốn và tránh chướng ngại vật. Hệ thống này thường sử dụng camera, radar và lidar.

Hệ thống giảm xóc: Giúp hấp thụ lực va đập khi tàu vũ trụ chạm đất. Hệ thống này có thể bao gồm túi khí, lò xo hoặc bộ giảm chấn thủy lực.

NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) cũng hy vọng sẽ đưa đá sao Hỏa về Trái đất vào khoảng năm 2030. Robot thăm dò Perseverance của NASA đã thu thập được một số mẫu vật trong các ống và đang chờ được lấy đi trên bề mặt sao Hỏa.

Tuy nhiên, ngân sách của chương trình lấy mẫu trên sao Hỏa tăng đột biến, từ khoảng 4 tỉ USD lên 11 tỉ USD, buộc NASA phải từ bỏ kế hoạch ban đầu vào đầu tháng 4, khiến ngày thực hiện sứ mệnh không chắc chắn.

Một đánh giá độc lập vào năm ngoái cho thấy ngay cả khi NASA có đủ khả năng chi trả 11 tỉ USD cần thiết cho sứ mệnh này thì bất kỳ mẫu vật nào cũng sẽ không được đưa trở lại Trái đất cho đến năm 2040.

Bill Nelson, Giám đốc NASA, cho biết cơ quan này đang tìm kiếm đề xuất về những cách nhanh hơn và rẻ hơn để lấy mẫu. “Chúng tôi cần phải nhìn xa hơn để tìm ra hướng đi vừa phải chăng vừa trả lại mẫu trong khung thời gian hợp lý”, ông nói.

Vài tháng qua, công việc của NASA trong dự án Mars Sample Return (lấy mẫu trên sao Hỏa về Trái đất) đã bị chậm lại do sự không chắc chắn về ngân sách và một bài đánh giá độc lập cho rằng mốc thời gian của dự án là "không thực tế".

Mars Sample Return được thiết lập để thu thập mẫu đá sao Hỏa, hiện được robot tự hành Perseverance của NASA thu thập ở miệng núi lửa Jezero và đưa chúng trở lại Trái đất vào khoảng năm 2030. Tổng chi phí đã tăng từ mức 4 tỉ USD ban đầu và có khả năng sẽ tăng lên 11 tỉ USD.

Theo đánh giá độc lập, xác suất NASA và các đối tác châu Âu chuẩn bị sẵn sàng phóng tàu vũ trụ vào năm 2028, để có thể bắt kịp thời điểm lấy mẫu sao Hỏa và quay trở lại Trái đất vào 2030, là “gần như bằng 0”.

Hồi tháng 2, phòng thí nghiệm Jet Propulsion ở thành phố Pasadena (bang California), đơn vị phát triển Mars Sample Return hàng đầu của NASA, đã sa thải 8% nhân viên vì khả năng cắt giảm chi tiêu từ Quốc hội Mỹ, đặc biệt là đối với dự án này.

Bất chấp sự chậm trễ và không chắc chắn, các nhà khoa học vẫn hi vọng chương trình Mars Sample Return sẽ thành hiện thực vì các địa điểm lấy mẫu của nó rất đa dạng và được lựa chọn cẩn thận để có giá trị khoa học cao.

Để so sánh, Thiên Vấn 3 có nhiều khả năng bị giới hạn trong việc thu thập và lấy mẫu ngay cạnh tàu đổ bộ lên sao Hỏa.

Ngoài Thiên Vấn 3 và Mars Sample Return, Ấn Độ và châu Âu cũng sớm thực hiện sứ mệnh tới sao Hỏa. Tàu vũ trụ tương ứng của Ấn Độ và châu Âu là Mars Orbiter Mission 2 và ExoMars Rosalind Franklin rover dự kiến được phóng vào năm 2024 và 2028 nhưng không làm nhiệm vụ lấy mẫu trên sao Hỏa.

Cuộc thám hiểm sao Hỏa của NASA bắt đầu cách đây 5 thập kỷ. Năm 1976, Viking 1 và Viking 2 của NASA đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên chạm xuống hành tinh đỏ. Những nỗ lực hạ cánh của Liên Xô và Cơ quan Vũ trụ châu Âu khi đó đã kết thúc trong thất bại.

Trung Quốc là nước đến sau trong việc thám hiểm sao Hỏa. Vào năm 2021, tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc đã triển khai thành công tàu bay quanh quỹ đạo của sao Hỏa, hạ cánh một thiết bị đổ bộ và xe tự hành lên bề mặt hành tinh đỏ.

Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất trong 50 năm qua, kể từ khi kết thúc kỷ nguyên Apollo năm 1972, đã mang về được các mẫu đá từ Mặt trăng.

Mỹ đã cố gắng quay trở lại Mặt trăng vào đầu năm nay. Một tàu đổ bộ Mặt trăng thương mại do NASA hậu thuẫn đã không đến được đích, còn tàu thứ hai bị lật trong quá trình hạ cánh và tồn tại được vài ngày.

Bài liên quan
Có một 'sao Hỏa' bên trong lõi Trái đất làm giới địa chất choáng váng
Các đốm màu bí ẩn trong lớp phủ Trái đất có thể là thiên thạch có kích thước bằng sao Hỏa đã đâm vào hành tinh của chúng ta cách đây 4,5 tỉ năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia tự tin Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa về Trái đất