Một số chuyên gia đánh giá chuyến công du tuần tới chỉ giúp giảm căng thẳng, chứ không giúp sớm giải quyết xung đột thương mại Mỹ - Trung, vì trong số các quan chức sang Bắc Kinh lần này có đến 3 nhân vật mang quan điểm cứng rắn về thương mại.

Chuyến thăm Trung Quốc của các quan chức Mỹ không được kỳ vọng cao

Cẩm Bình | 29/04/2018, 15:06

Một số chuyên gia đánh giá chuyến công du tuần tới chỉ giúp giảm căng thẳng, chứ không giúp sớm giải quyết xung đột thương mại Mỹ - Trung, vì trong số các quan chức sang Bắc Kinh lần này có đến 3 nhân vật mang quan điểm cứng rắn về thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin trong hai ngày 3 và4.5 tới sẽ đến Trung Quốc để bàn về bất đồng thương mại giữa hai nước. Tháp tùng ông Mnuchin là Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ (NEC) Larry Kudlow và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro. Các quan chức Washington dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó chủ tịch Vương Kỳ sơn.

Tổng thống Donald Trump ngày 24.4 đã thông báo về chuyến đi của Bộ trưởng Mnuchin. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết “hiện đang có cơ hội tốt để đạt được thỏa thuận”, nhưng cũng cảnh báo nếu hai bên không đạt được thỏa thuận gì thì những đánh thuế với mặt hàng Trung Quốc sẽ có hiệu lực đúng theo kế hoạch.

Theo ông Đồ Tân Tuyền, người đứng đầu Viện nghiên cứu WTO Trung Quốc thuộc đại học Thương mại - Kinh tế đối ngoại (UIBE): “Chúng tôi không mong đợi thấy được một giải pháp cơ bản, nhưng hai nước sẽ cố làm dịu cuộc đối đầu. Cuộc đối thoại sẽ khó khăn, và họ không thể nào giải quyết xung đột chỉ trong một chuyến công du. Cuộc đối đầu sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian nữa”.

Trước thềm chuyến thăm đã xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng ngại, cho thấy đối đầu thương mại Mỹ - Trung có thể vẫn kéo dài. Trong báo cáo về vi phạm bảo vệ sở hữu trí tuệ toàn cầu công bố ngày 27.4, Đại diện Thương mại Lighthizer tiếp tục giữ Trung Quốc trong danh sách 12 quốc gia “phải ưu tiên theo dõi”. Ông cũng cáo buộc cường quốc châu Á đang thực thi những đạo luật bảo vệ sở hữu trí tuệ lạc hậu và không công bằng.

Trong báo cáo về vi phạm bảo vệ sở hữu trí tuệ toàn cầu mới công bố, Đại diện Thương mại Lighthizer tiếp tục giữ Trung Quốc trong danh sách 12 quốc gia “phải ưu tiên theo dõi” - Ảnh: Reuters

Hôm 25.4, người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố việc áp thuế sẽ sớm được tiến hành, sau khi hết thời gian tham vấn.

Washington đầu tháng này đã công bố danh sách 1.300 mặt hàng Trung Quốc (tổng giá trị 50 tỉUSD) sẽ bị áp mức thuế 25%. Danh sách này phải trải qua thời gian tham vấn đến ngày 11.5, và Tổng thống Trump sẽ có phiên điều trần công khai với các doanh nghiệp Mỹ vào ngày 15.5 tới trước khi ra quyết định cuối cùng. Ngoài kế hoạch này, Mỹ còn muốn đánh thuế thêm 100 tỉ USD lên hàng Trung Quốc

Nhiều nguồn tin còn cho biết Washington đang muốn mở một cuộc điều tra đối với ngành điện toán đám mây của Bắc Kinh, căn cứ theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974. Không những vậy, Bộ trưởng Mnuchin cũng đang cân nhắc nhiều biện pháp hạn chế hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào những lĩnh vực nhạy cảm, trong khi Quốc hội Mỹ đang cố tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia châu Á.

Viện trưởng Đồ cho rằng các cuộc đối thoại giữa hai bên trong tuần tới sẽ chỉ mang tính thăm dò, và Mỹ có khả năng duy trì gây sức ép đồng thời ra điều kiện với Trung Quốc, trong đó sẽ có yêu cầu đề nghị Bắc Kinh cung cấp lịch trình tiến hành mở cửa hơn nữa nền kinh tế, điều mà Chủ tịch Tập đã cam kết trong Diễn đàn châu Á Bác Ngao.

“Thời điểm để có giải pháp cơ bản vẫn chưa đến”, theo Viện trưởng Đồ.

Do thương mại Mỹ - Trung mất cân bằng trong thời gian dài, nên rất khó để hai nước lập tức đạt được một thỏa thuận để giải quyết - Ảnh: China Daily

Lữ Tường, chuyên gia về các vấn đề với Mỹ của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), cũng bày tỏ “sự lạc quan một cách thận trọng” với các cuộc đối thoại. Chuyên gia cho rằng: “Mỹ nên chấm dứt những biện pháp thương mại theo Mục 232 (về nhôm thép) và Mục 301 trước khi hai nước bước vào đàm phán chi tiết. Nếu giới chức Washington đến đây để buộc tội và cãi vã, thì chúng tôi sẽ thấy rằng các cuộc đối thoại là vô dụng”.

Giáo sư Dư Diểu Kiệt đến từ đại học Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc sẽ mở cửa kinh tế hơn nữa, nhưng khi nào ông Trump còn nắm quyền thì Mỹ - Trung không thể tránh khỏi đối đầu thương mại.

Theo ông: “Việc hai nước luôn để ngỏ cơ hội đối thoại về các vấn đề thương mại là một dấu hiệu tốt, nhưng có một khoảng cách lớn giữa những gì họ đòi hỏi và những gì chúng tôi có thể đáp ứng”.

Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan
Trung Quốc chạy đua tích trữ chip từ Mỹ trước khi ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt
Khi lệnh hạn chế công nghệ từ Mỹ có thể gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, lượng mạch tích hợp Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng vọt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyến thăm Trung Quốc của các quan chức Mỹ không được kỳ vọng cao